+Aa-
    Zalo

    Bài 5: Doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu, cơ khí nội “ra rìa”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Việc các doanh nghiệp, tập đoàn Trung Quốc liên tiếp trúng thầu các dự án nhiệt điện tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa 0\% đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại về “sự tồn vong” của ngành cơ khí trong nước.

    (ĐSPL) - Việc các doanh nghiệp, tập đoàn Trung Quốc liên tiếp trúng thầu các dự án nhiệt điện tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa 0\% đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại về “sự tồn vong” của ngành cơ khí trong nước.

    Mới đây, trong hội nghị sơ kết một năm thực hiện chỉ thị của Bộ Công Thương về tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư trong nước, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phải “thốt” lên rằng, họ đang dần bị các tổng thầu Trung Quốc cho đứng ngoài cuộc trong việc thực hiện hầu hết các nhà máy nhiệt điện. Và, nếu tình hình này tiếp tục diễn ra, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam sẽ mất thị trường và tụt hậu.

    Đồ nội địa “ra rìa”

    Theo các chuyên gia ngành cơ khí, chính sách cho ngành cơ khí Việt Nam dù đã có nhưng việc thực hiện chưa nhất quán, ổn định khiến những “miếng bánh” ngon đều rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải nhanh chóng sửa đổi cơ chế chính sách là biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành cơ khí - ngành có vị trí quan trọng trong mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

    Hơn 10 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam” (năm 2002), nhìn vào bản báo cáo của Bộ Công Thương có thể thấy được một số kết quả nhất định của ngành cơ khí như: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 228.000 tỉ đồng vào năm 2012, tăng hơn 6 lần so với năm 2000; ngành cơ khí đã sản xuất được các loại máy cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện, sản xuất lắp ráp ô tô với tỷ lệ nội địa hóa 40\%, giá trị xuất khẩu cơ khí cũng tăng năm 2013 ước đạt 13,18 tỉ USD...

    Tuy nhiên, nhìn vào các chỉ tiêu chính về sản xuất, mặc dù kinh doanh của ngành cơ khí tuy năm sau cao hơn năm trước nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của ngành năm 2012 mới đạt 32,58\% (thấp hơn mục tiêu của chiến lược là đáp ứng 40-50\% nhu cầu trong nước). Đặc biệt, giá trị nhập khẩu của ngành cơ khí tăng chóng mặt, từ 8,7 tỉ USD của năm 2006 lên 24,8 tỉ USD năm 2013.

    Dẫn lời ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam: “Nếu cứ để tình trạng nhà thầu Trung Quốc trúng thầu EPC như hiện nay thì không thể phát triển ngành cơ khí nữa vì chúng tôi ra rìa cả, họ làm hết!”.

    Cùng quan điểm, cũng trao đổi với báo giới, ông Vũ Việt Kha, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp than thở: Trong việc sử dụng vật tư, thiết bị trong nước, dù đã có khá nhiều cuộc vận động, chỉ thị nhưng hình như các doanh nghiệp trong nước không còn mặn mà như trước.

    Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã làm được nhiều thiết bị trong các nhà máy nhiệt điện, thủy điện và có thể thay thế hàng nhập khẩu nhưng nhà thầu Trung Quốc không mua. “Không hiểu lý do gì mà họ cứ được làm và hầu như các công trình lớn Trung Quốc đều thắng thầu?”, ông Kha đặt vấn đề.

    Nói về vấn đề này, dẫn lời ông Trần Anh Thái, Phó tổng giám đốc công ty ATS nêu thực tế công ty ông là nhà cung ứng các thiết bị hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, khi muốn cung cấp thiết bị cho nhiều công trình điện trong nước, nhà thầu EPC Trung Quốc đưa ra mức giá để phía Việt Nam không thể thực hiện được.

    Ông Thái cũng cho biết tình trạng “khó hiểu” ở một số dự án khi ngay các thiết bị của Trung Quốc cũng không đáp ứng yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật, nhưng đã được các lãnh đạo chủ đầu tư cho rằng “đó là sai lệch nhỏ” và họ được trúng thầu. ông Thái đề nghị chỉ thị ưu tiên dùng máy móc thiết bị trong nước phải đi kèm chế tài mạnh, nếu không thì không thể thực hiện được.

    Dự án năng lượng của nhà thầu Trung Quốc: Cơ khí nội “thua đậm

    Nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang gặp khó khăn vì không “có cửa” cạnh tranh được với tổng thầu Trung Quốc (Ảnh minh họa).

    Ngành cơ khí sẽ đi về đâu?

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, một chuyên gia ngành năng lượng cho biết: “Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Cơ khí, chỉ xét riêng các ngành quan trọng cần thiết bị đồng bộ là nhiệt điện, thủy điện, xi măng, bô xít...

    Từ năm 2003-2013 Việt Nam có 72 dự án làm nhà máy thì có tới 45 dự án, tức quá nửa, nhà thầu ngoại trúng thầu EPC (tức tổng thầu, thực hiện từ việc tư vấn thiết kế, mua sắm thiết bị và xây lắp). Trong khi đó, một số dự án nhiệt điện, đã có quyết định nhà thầu trong nước sẽ được tham gia đảm nhiệm 40-60\% giá trị một số gói thầu. Tuy nhiên, hơn một năm sau đó, các doanh nghiệp cơ khí trong nước vẫn chưa thể tiếp xúc được với chủ đầu tư để bàn triển khai quyết định”.

    Ông Trần Hữu Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn khi làm thầu phụ cho nhà thầu Trung Quốc. Tại dự án Nhiệt điện Hải Phòng, nhà thầu Trung Quốc có gọi các nhà thầu phụ Việt Nam đến thương thảo. Nhưng khi các nhà thầu trong nước đưa ra giá, phía Trung Quốc đều nói không phù hợp với khả năng tài chính của họ.

    Một số doanh nghiệp Việt Nam cố chấp nhận giá thấp nhưng sau một thời gian làm việc với nhà thầu Trung Quốc đều phải... bỏ dở giữa chừng. Lý do là có doanh nghiêp không thể theo kịp tiến độ được phía Trung Quốc giao, có người bị nhà thầu Trung Quốc nợ tiền nhiều quá, cuối cùng phải ra đi.

    Theo quan điểm của ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng viện Nghiên cứu cơ khí, một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của ngành cơ khí là do Luật Đấu thầu giá rẻ, không chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, không ưu tiên đúng mức đến tỷ lệ nội địa hóa, nên các dự án lớn đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về việc ngành cơ khí chế tạo của nước ta đang lâm vào tình cảnh khó khăn, một vị từng tham gia đấu thầu tại các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam phân tích: “Về việc phát triển ngành cơ khí, chúng ta đã có đầy đủ những chủ trương, chính sách định hướng ở tầm vĩ mô.

    Tuy nhiên, tại sao chúng ta vẫn không thể phát triển được ngành cơ khí, ngành công nghiệp mũi nhọn. Thứ nhất là do các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam thiếu tính cộng đồng trong hợp tác, liên kết để khai thác triệt để tiềm năng của nhau trong sản xuất kinh doanh. Vấn đề này thuộc phần trách nhiệm của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất phải kể đến việc thiếu cơ chế bảo hộ thị trường trong nước và chậm thay đổi Luật Đấu thầu”.

    Cũng theo vị này, hiện nay chúng ta đang áp dụng một cách cứng nhắc Luật Đấu thầu của các nước tư bản và ngân hàng quốc tế mà hoàn toàn quên rằng hình thức sở hữu của nước ta và các nước tư bản hoàn toàn khác nhau.

    Bên cạnh đó, chúng ta lại bỏ điều khoản nêu xuất xứ thiết bị để có hệ số đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật và giá trị. Và chúng ta đã vô tình biến Luật Đấu thầu thành đấu giá. Thử hỏi trên thế giới này có nước nào có thể đấu giá lại được với các nhà thầu Trung Quốc?

    Đây cũng là nguyên nhân chính giải thích cho việc hầu hết các gói thầu của các dự án đầu tư mua sắm nước ta rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Trong khi các tổng thầu G7 thường cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tham gia vào một số công đoạn thiết kế, làm nhà thầu phụ thì tổng thầu Trung Quốc quyết ăn trọn “miếng bánh” đó.

    Cơ khí Việt Nam mất thị trường và sẽ tụt hậu?

    TS. Nguyễn Chỉ Sáng cũng cho rằng, từ năm 2012-2025, tính cả các ngành công nghiệp khai khoáng, hóa chất, thiết bị khai thác và chế biến dầu khí... thì giá trị thiết bị cơ khí cần đầu tư lên đến 150 tỉ USD.

    Nếu chỉ cần nội địa hóa được 30-40\%, Việt Nam sẽ có thêm lượng công ăn việc làm rất lớn, góp phần hạn chế nhập siêu. ông Sáng cho rằng nếu không hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, cứ để doanh nghiệp nước ngoài vào, Việt Nam sẽ thiệt về lâu dài, rất có thể sẽ mất thị trường, đồng nghĩa là mất công ăn việc làm, là tụt hậu ở lĩnh vực cơ khí.

    Khó đưa máy móc, thiết bị Việt Nam vào dự án Trung Quốc làm tổng thầu

    Ông Ninh Viết Định, Trưởng Ban quản lý đấu thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thừa nhận, các dự án của EVN do Trung Quốc làm thì khó đưa hàng Việt vào. Bởi khi chấp nhận vay vốn từ Trung Quốc, họ có ràng buộc về tỷ lệ máy móc, thiết bị.

    EVN đã vất vả đàm phán nhằm hạ tỷ lệ đó xuống nhưng nhiều khi họ không đồng ý. “Không phải EVN không muốn hàng Việt, mà do chúng ta không có vốn nên phải theo điều kiện vay vốn”, ông Định nói.

    (Còn nữa)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-5-doanh-nghiep-trung-quoc-trung-thau-co-khi-noi-ra-ria-a34811.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.