+Aa-
    Zalo

    Bài 34: Các Bộ có "lãnh cảm" khi nhà thầu TQ liên tiếp "giở trò"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Việc một số nhà thầu Trung Quốc cố tình giở "chiêu trò" để lách các quy định của Việt Nam trong quá trình đấu thầu, thi công dự án nhiệt điện... đã được rất nhiều chuyên gia "bắt bài" và lên tiếng cảnh báo.

    (ĐSPL) - Việc một số nhà thầu Trung Quốc cố tình giở "chiêu trò" để lách các quy định của Việt Nam trong quá trình đấu thầu, thi công dự án nhiệt điện... đã được rất nhiều chuyên gia "bắt bài" và lên tiếng cảnh báo.

    Đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở xung quanh các nhà máy nhiệt điện hay việc các nhà thầu Trung Quốc ồ ạt tuyển dụng lao động, nhập khẩu từng chiếc ốc vít đưa sang Việt Nam... Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, các bộ cần phải "ngồi lại" với nhau để có một cuộc tổng rà soát toàn diện các dự án nhà thầu Trung Quốc đang thi công.

    Không thể cứ khoanh tay đứng nhìn

    Trong nhiều năm qua, ngành điện đã xây dựng rất nhiều dự án nhiệt điện như: Nhiệt điện than, nhiệt điện khí, điện chạy dầu... với công suất trên 15.000MW.

    Trong số này, nhiều dự án do EVN đầu tư, một số dự án còn lại do Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư đã góp phần đảm bảo nguồn điện cung cấp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

    Theo đánh giá của các chuyên gia, trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, để có được thành tựu to lớn như hiện nay, nếu không có sự phát triển vượt bậc của ngành điện thì đất nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

    Tuy nhiên, dẫn lời một lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, mặc dù trong việc đầu tư các dự án nhiệt điện trước đây và hiện tại, các chủ đầu tư đã chú ý sử dụng công nghệ, thiết bị để khử SOx, CO2, Nox... trong đó có lọc bụi tĩnh điện để hạn chế phát thải khí CO2 và các loại khí bụi, nhưng không thể triệt để còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

    Từng trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam khẳng định, trong Tổng sơ đồ điện VII được Chính phủ phê duyệt (từ năm 2011 đến năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2030), đến năm 2020 cả nước phải đạt được 75.000MW điện, với điện lượng từ 330-360 tỷ kWh.

    Để thực hiện được điều này, chúng ta cần phải xây thêm hơn 50 nhà máy nhiệt điện than, điện nguyên tử. Và khi vận hành, các nhà máy sẽ "ngốn" khoảng 80 triệu tấn than. Với một số lượng nhà máy và than khổng lồ như vậy, nếu các nhà thầu không có biện pháp khống chế và kiểm soát khí thải thì tình trạng ô nhiễm môi trường không thể tránh khỏi, gây ra những hậu quả to lớn.

    Chính vì vậy, chúng ta phải có các giải pháp thật hữu hiệu như chọn công nghệ, thiết bị hiện đại để hạn chế được khí thải phát ra. Các nhà máy nhiệt điện nước ta thường có gam máy 300-400MW/tổ máy đã sử dụng công nghệ lò tầng sôi loại lò này có khả năng khử được CO2, NOx, SOx... ngay trong buồng đốt, không phải lắp các thiết bị khác để khử các loại khí nêu trên.

    Một thông tin khác được phát đi từ Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, trong quá trình hoạt động nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh cũng phải ngừng lò nhiều lần trong một năm do các nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Sự cố hư hỏng thiết bị của nhà máy, ngừng hoạt động theo lịch điều hành kế hoạch phát điện của EVN, mất điện...

    Trung bình mỗi năm nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh phải dừng và khởi động lại lò hơi khoảng 60 lần. Và như vậy mỗi lần khởi động lại nhà máy nhiệt điện phải mất từ 30 phút đến 12 giờ do thời gian khởi động phải dùng dầu FO để đốt, đồng thời phải chờ để các thiết bị hoạt động ổn định mới đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào sử dụng được, do vậy sẽ phát sinh bụi qua ống khói nhà máy.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, TS. Nguyễn Khắc Kinh, Phó Chủ tịch hội đánh giá tác động môi trường khẳng định rằng, các chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã cảnh báo trong tro xỉ từ đốt than, nhất là than an-tra-xít ở Quảng Ninh, có phát hiện chất phóng xạ. Thậm chí, nếu tồi tệ nhất sẽ gây đến hậu quả như mưa axit, hủy hoại đời sống thủy sinh...

    Dẫn lời một chuyên gia ngành năng lượng, trước việc hàng loạt các nhà máy nhiệt điện đang gây và có khả năng dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, bộ và các sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) không thể "khoanh tay" đứng nhìn.

    Rõ ràng lời cảnh báo về ô nhiễm đã được các chuyên gia đưa ra từ khi công trình nhiệt điện than đầu tiên xây dựng tại Việt Nam. Tuy nhiên, những năm qua, việc để người dân sinh sống cạnh nhà máy nhiệt điện "kêu trời" vì không khí, môi trường ảnh hưởng tiêu cực là không thể chấp nhận được.

    Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần vào cuộc kiểm tra, rà soát lại tất cả các dự án trên toàn quốc để có báo cáo, đánh giá về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các nhà máy này. Bộ cũng cần đưa ra biện pháp thúc ép chủ đầu tư, nhà thầu phải thực hiện cam kết mà họ đã đưa ra về bảo vệ môi trường.

    Các bộ  có

    Cần một cuộc “tổng kiểm tra” ở các dự án nhiệt điện

    Ngày 25/5/2014, nhà thầu Trung Quốc bất ngờ gửi thông báo cho chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh về việc dừng thi công theo điều kiện bất khả kháng như lao động địa phương không đủ số lượng trên công trình; lao động người Trung Quốc không đảm bảo an toàn khi ra ngoài làm các thủ tục cần thiết; hầu hết công ty giao dịch của Trung Quốc tại Việt Nam buộc phải ngừng kinh doanh...

    Lý do mà nhà thầu Trung Quốc này đưa ra khiến nhiều người nhớ ngay đến vụ việc vừa xảy ra ở Trà Vinh. Theo đó, công ty China Chengda Engineering được UBND tỉnh Trà Vinh chấp thuận cho tuyển trên 2.100 lao động Trung Quốc đến làm việc tại công trình Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 3. Lý do cũng cực kỳ đơn giản: Không tuyển được lao động người Việt Nam.

    Trước đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến tuyển người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) phải báo cáo giải trình theo quy định về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, bao gồm: Vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, mức lương, thời gian làm việc và nộp trực tiếp tới Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.

    Trả lời PV về vấn đề này, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng, việc lao động phổ thông Trung Quốc ồ ạt đổ vào Việt Nam trong các dự án nhiệt điện rõ ràng lỗi đầu tiên thuộc về sở LĐ-TB&XH và chính quyền các địa phương.

    Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cần xem xét lại trách nhiệm của mình trong vấn đề lao động nội bị "thất thế", "ra rìa" ngay trên chính sân nhà. Tại sao lao động phổ thông nước ngoài lại vào Việt Nam đơn giản như vậy? Tại sao Thông tư của Bộ đưa ra như vậy lại không thể hạn chế được lao động phổ thông nước ngoài làm việc trong các dự án nhiệt điện và giúp lao động nội có chỗ đứng ở trong các nhà máy?.

    "Theo ý kiến của tôi, các bộ cần "ngồi lại", kết hợp với nhau để cùng có giải pháp và có một cuộc tổng rà soát lại toàn bộ các nhà máy nhiệt điện. Bộ TN&MT sẽ kiểm tra về việc ô nhiễm môi trường ở các nhà máy, bộ LĐ-TB&XH cần rà soát lại lao động nước ngoài, Bộ Xây dựng đảm nhiệm việc rà soát tỉ lệ nội địa hóa máy móc...", PGS.TS Trương Duy Nghĩa khẳng định,               

    Phải tháo gỡ các vấn đề của từng dự án nhiệt điện

    Ngày 29/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp gồm các bộ, ngành và doanh nghiệp liên quan để kiểm điểm việc triển khai thiết kế, chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện cũng như việc áp dụng các cơ chế, đưa chủ trương nội địa hóa chế tạo thiết bị đi vào thực tế.

    Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu bộ Công Thương đẩy nhanh trình tự thủ tục triển khai các cơ chế trong Quyết định 1791 chủ Chính phủ, thực hiện giao ban thường xuyên để xem xét, tháo gỡ ngay các vấn đề đối với từng dự án.

    Các doanh nghiệp nhận triển khai hợp tác chặt chẽ hơn với chủ đầu tư, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, thống nhất triển khai những quy trình phù hợp nhưng cũng tránh dàn trải, chồng chéo về đầu việc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-34-cac-bo-co-lanh-cam-khi-nha-thau-tq-lien-tiep-gio-tro-a44645.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan