(ĐSPL)-Dùng vỏ bọc công ty môi giới nhà đất, vợ chồng bà Cang qua mặt cơ quan chức năng và mượn cách thức lên đồng để dụ dỗ nhiều người nhẹ dạ bán nhà theo ý muốn của "Phật Bà".
Bài 1: Chân dung "Phật Bà" giáng thế chữa bách bệnh, trục vong
Qua tìm hiểu và ghi nhận, PV được chính quyền địa phương cung cấp, tụ điểm mê tín dị đoan này từng bị lập biên bản và cam kết không tái phạm. Nhưng bản tính thích “ngồi mát ăn bát vàng”, bà Cang được chồng và nhiều "đệ tử" vẫn tiếp tay hại người.
Mượn ma dọa người
Ngoài việc chữa bệnh, đổi phép, bà Cang còn dò hỏi về nhà cửa của người đến khám chữa bệnh. Với trường hợp của PV, sau khi hỏi han diện tích nhà, bà Cang phán rằng: "Nhà mấy con cứng lắm, không ở được đâu, ở là một trong hai người phải chết hoặc vợ chồng bỏ nhau. Tụi con hay cãi nhau, người lúc nào cũng mệt mỏi, đi thì thôi về nhà là bực bội". Nghe câu này xong, PV giả vờ tái xanh mặt, run sợ và buồn bã. Như "bắt được mạch", bà Cang mạnh dạn phán tiếp: "Nhưng các con đừng lo, cái đó để bà tính cho, các con muốn ở hay bán?". Sau một hồi đắn đo, PV quyết định bán nhà, bà Cang liền sốt sắng hỏi giá. PV đưa ra giá, bà Cang thấy không hợp ý liền xoay chuyển tình thế: "Giá đó hơi cao, ở thời điểm này khó mà bán được. Thôi, để ta trị bệnh cho các con trước và làm lễ xin thổ địa cho tụi con ở đó, sang năm ta tìm cách bán nhà cho".
Bà Cang liên tục dùng tay vuốt tóc để che giấu sự bối rối và những lời nói dối không hề chớp mắt của mình. Bà ra hiệu cho “đệ tử” dẫn chúng tôi ra ngoài để bốc thuốc và cho người kế tiếp vào. Khi bước ra khỏi chánh điện, PV dừng lại ở thùng tam bảo để cúng dường trong ánh mắt quan sát tỉ mỉ của những “đệ tử” của bà Cang. Rút tờ tiền 100 ngàn đồng cúng dường, PV tiếp tục ra ngoài chờ bốc thuốc. Lát sau, người “đệ tử” tên T. mang đến một bọc lá, cây khô và hướng dẫn cách sử dụng. T. bảo: "Lá thuốc này quý lắm, mang về nấu uống như nước trà, đảm bảo trị bách bệnh. Tôi đã từng uống và chữa khỏi bệnh". PV thắc mắc hỏi tên lá thuốc, thì người này ậm ừ rồi tìm cách nói lảng sang chuyện khác.
T. trong bộ áo lam của phật tử, bắt đầu giở trò moi tiền của khách. Vừa giao bọc thuốc vào tay PV, T. nhanh nhảu: "Cho xin 280 ngàn đồng tiền thuốc". Thoáng ngỡ ngàng, PV rút tiền đưa cho T., và nghe tiếp lời người này căn dặn cách mua đồ lễ để đến mùng 1/7 (AL) đến giải hạn. T. đưa cho PV một tờ giấy ghi chú dài các loại hoa quả, bánh kem cần mang đến. Rồi người này còn nhấn mạnh: "Mấy cái này mua phải tươi ngon, phải đúng theo lời dặn, nếu không khi mang đến lễ là không linh nghiệm. Các con phải dồn hết tâm sức, lòng thành vào đó, khi nãy thầy thấy hai đứa ngồi đợi lâu mà nóng ruột là không tốt đâu. Nhiều người đến đây bà còn không chịu về chữa bệnh cho, phải người có duyên và thành tâm mới gặp được, bỏ chút thời gian đợi bà có gì cực khổ đâu".
T. nhanh miệng, tỏ ý nhiệt tình nhận việc mua đồ lễ giùm để khỏi gặp sơ suất. Nhưng PV đã từ chối khéo léo và hứa sẽ liên hệ "nhờ vả" qua điện thoại sau. Bước xuống từ gian chánh điện trên lầu, PV thực sự hoang mang bởi lẽ những gì bà Cang phán không có chút logic, cách chữa bệnh cũng chẳng có gì đáng nói. Vậy mà, rất nhiều người trí thức cũng tìm đến đây ngồi trông "bà về" để được gieo quẻ, chữa bệnh, tìm cách bán nhà...
Có những bà cụ bị bệnh chân đau yếu, người tái nhợt, đi phải có người dìu đỡ cũng "ngoan ngoãn" đến thỉnh "nước thánh" định kỳ để về chữa trị. Lúc ngồi phòng khách chờ đến lượt, PV có nghe tâm sự của một ông lão tóc bạc trắng với ông Đông, chồng bà Cang, "nhà bán mấy lượt rồi, đợt này không hết bệnh chắc ra gầm cầu mà sống". Liệu rằng, phía sau việc tuyên truyền mê tín dị đoan, khám chữa bệnh không phép, vợ chồng bà Cang còn trục lợi bằng cách môi giới nhà đất mua rẻ những căn nhà được phán là có ma ám?
|
Ngôi nhà số 112, đường TCH 36, nơi bà Cang thực hiện hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan, chữa bệnh trái phép. Ảnh: Hà Nguyễn. |
Có dấu hiệu lừa đảo
Ngày 18/7, PV báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với các cơ quan chức năng P.Tân Chánh Hiệp (Q.12, TP.HCM) để thông tin về hành vi trái pháp luật của bà Cang. Qua tiếp xúc với Công an P.Tân Chánh Hiệp, PV có cuộc trao đổi với Trung úy Nguyễn Hoài Nam và được anh cho biết, anh từng có ba năm làm công an khu vực nơi bà Cang hoạt động chữa bệnh, tuyên truyền mê tín đoan. Anh khẳng định, bà Cang là người nối nghiệp thầy bà, lên đồng, bói toán từ mẹ ruột. Trước đó, mẹ bà Cang cũng hành nghề coi bói, lên đồng nhưng không bành trướng như tình trạng hiện nay. Sau khi mẹ qua đời, bà Cang nối nghiệp và có những bước phát triển đáng sợ. Từ lúc bà Cang hành nghề, chính quyền địa phương đã có đến lập biên bản, buộc bà cam kết không được tái diễn hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan.
"Trong nhà bà Cang có thờ một tượng Phật Quan âm rất lớn, nhưng do thờ ở trong nhà, không có sinh hoạt tôn giáo và cũng thấy không có dấu hiệu hoạt động trở lại, nên chúng tôi không hay biết họ vẫn âm thầm hoạt động. Nhiều lần xuống xác minh hộ khẩu thấy mọi sinh hoạt trong gia đình cũng bình thường. Nhà cũng thuộc dạng khá giả, con gái của bà Cang người nào cũng lấy chồng nước ngoài như Singapore, Na Uy, Đài Loan... Chồng bà Cang là ông Đông, trước đây có làm tổ trưởng nhưng về sau nghỉ chuyển qua làm môi giới nhà đất. Bà Cang này đâu có tham gia Giáo hội Phật giáo, chữ nghĩa cũng ít, trước gia đình khó khăn, sau này mới khấm khá", Trung úy Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm.
Hiện nay, Trung úy Nam đã luân chuyển địa bàn nên không còn nắm rõ tình hình nhưng trước đây tại địa điểm 112, đường TCH 36, anh đã từng xử lý và răn đe hành vi sai pháp luật của bà Cang. Khi nghe PV trình bày quá trình thâm nhập vào tận "hang ổ" của bà Cang, bà Đỗ Thị Thu Nguyệt, Phó Chủ tịch P.Tân Chánh Hiệp (Q.12, TP.HCM) chân thành ghi nhận sự việc và hứa kiên quyết không để loại hình mê tín dị đoan tồn tại ở địa bàn. Chẳng những thế, bà Nguyệt nhận định nếu đúng như những điều PV thu thập được, thì bà Cang có dấu hiệu lừa đảo.
Bà Nguyệt cho biết: "Tôi mới chuyển về quản lý P.Tân Chánh Hiệp từ năm 2011 và có nghe cấp dưới báo cáo về việc xử lý hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan của bà Cang vào năm 2010. Năm 2010, nắm được điểm 112, đường TCH 36 có thực hiện hành vi bói toán, tuyên truyền mê tín dị đoan nên phường có lập Hội đồng cùng nhau xuống địa bàn để vận động. Qua vận động, răn đe, bà Cang có cam kết không thực hiện hành vi này nữa và quả thật chúng tôi cũng không phát hiện hoặc nghe người dân phản ánh về tình trạng tái phạm. Nay biết ra, thì bà này chuyển qua hoạt động tinh vi hơn dưới vỏ bọc của công ty nhà đất, nên dù lượng người ra vào thường xuyên nhưng vẫn dễ dàng qua mắt cơ quan chức năng".
Theo bà Nguyệt, bà Cang không có giấy phép hoạt động trong việc khám chữa bệnh, lại không có giấy phép sinh hoạt tôn giáo. Thế nên, tất cả hành vi bà Cang đang thực hiện đều trái pháp luật, vì vậy người dân không nên sa đà mà mang họa vào thân. Hiện người dân địa phương không ai đến khám chữa bệnh tại nhà của bà Cang, đa phần đều ở tỉnh xa hoặc các quận lân cận đến cầu khẩn bà Cang chữa bệnh, thông qua sự giới thiệu của các "chân rết" đội lốt áo lam của nhóm người thân cận Quan âm dỏm.
Bị đe dọa, người dân không dám lên tiếng Bà Đỗ Thị Thu Nguyệt cho biết: "Trong thời gian dài, người dân sống gần nhà bà Cang không ai đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phản ánh nên chưa kịp thời xử lý. Có lẽ, người dân đã bị bà Cang đe dọa hoặc không muốn vướng vào phiền phức. Chúng tôi rất mong sau sự việc lần này, người dân cần dũng cảm hơn trong việc tố giác người có hành vi trái pháp luật, để chính quyền sớm có biện pháp xử lý. Chúng tôi sẽ cho phía công an giám sát, thu thập bằng chứng để có biện pháp răn đe thích đáng với gia đình bà Cang, cũng như các cộng sự. Chân thành cảm ơn báo Đời sống và Pháp luật đã kịp thời thông tin và hỗ trợ chúng tôi". |
(Còn nữa)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-3-me-quan-am-doa-ma-buoc-con-benh-ban-nha-gia-re-a43467.html