Như đã đưa tin ở các kỳ trước, giống như hồ Hoàng Cầu nhiều hồ điều hòa khác trong khu vực nội thành Hà Nội như Thủ Lệ, Trung Văn,… dưới bàn tay của các “chủ hồ" đã và đang bị biến tướng thành những hồ câu dịch vụ một cách công khai và ngang nhiên.
Hồ Thủ Lệ: Định kỳ thả thêm cá vào hồ
Theo tìm hiểu của báo Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL), hoạt động câu cá tại hồ Thủ Lệ (thuộc Công viên Thủ Lệ, giáp 2 đường Kim Mã và Nguyễn Văn Ngọc, phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội) bắt đầu từ 17h chiều hàng ngày, với giá vé dao động từ 200.000 đồng – 500.000 đồng/vé tùy vào loại cần và thời gian câu.
Vé câu tại hồ Thủ Lệ. |
Tuy nhiên, để có thể vào hồ câu trong công viên Thủ Lệ, các cần thủ buộc cần liên hệ với “ông chủ” hồ câu theo số điện thoại hotline 090173xxxx. Bởi vào thời gian sau 17h là giờ công viên đóng cửa, khách đến thăm quan chắc chắn không thể, hoặc có vào được thì cũng sẽ bị nhân viên bảo vệ mời ra ngoài.
Do đó, chỉ cần có sự “bảo kê” của ông chủ hồ thì những cần thủ tham gia câu cá chắc chắn sẽ đường hoàng bước vào trong khu vực hồ ngồi câu cả đêm đến sáng mà không lo bị đuổi.
Còn đối với những cần thủ mới, nếu không có số điện thoại của chủ hồ thì có thể truy cập vào trang facebook Hồ Câu Thủ Lệ. Bởi ngay trên avatar của trang này là chính là hình ảnh sơ đồ hồ công viên Thủ Lệ và số điện thoại “đường dây nóng” do một người đàn ông tên “Tuấn đen” phụ trách để cho cần thủ liên hệ.
Ngoài ra, hình ảnh sơ đồ cũng chỉ rõ khu vực nào được câu và không được câu cùng thời gian cụ thể cho từng khu vực như: khu vực phía ngoài có vỉa hè phía đường Kim Mã, khu vực phía trong công viên chỉ được câu sau 17h.
Facebook Hồ câu thủ lệ. |
Hơn nữa, tất cả những hình ảnh về các cần thủ câu cá từ tối đến sáng cũng đều được cập nhật liên tục với những câu chữ hết sức phấn khích.
Đặc biệt hơn nữa, tại hồ câu Thủ Lệ còn có lịch định kỳ thả thêm cá vào hồ để kích thích và lôi kéo người đến câu và hầu hết, các hành vi này được quay công khai, chia sẻ trực tiếp không hề che đậy.
Để tìm hiểu kỹ hơn, PV đã gọi điện đến số điện trên để đặt vấn đề xin câu cá phía trong hồ vào ban ngày thì nhận được câu trả lời là không. Bởi theo người đàn ông này, ban ngày có nhiều khách đi chơi đi dạo, “dễ gây chú ý, người ta nói này nói nọ không hay. Với cả anh em vung cần cũng không thoải mái, dễ vung vào người ta.”
Hoạt động câu các hàng ngày được cập nhật liên tục trên facebook. |
Có thể thấy, rõ ràng bản thân những người đang nhận là quản lý hồ câu Thủ lệ cũng rất “ý thức” được việc làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung của công viên Thủ Lệ, gây ảnh hưởng đến khách thăm quan công viên, thế nhưng, họ vẫn bất chấp lệnh cấm của UBND TP Hà Nội để kinh doanh thu lời bất chính.
Hơn nữa, quan sát những lần tổ chức thả cá còn cho thấy, hoạt động này đều diễn ra giữa ban ngày, ở những vị trí rất dễ quan sát và hoàn toàn nằm trong khuôn viên của công viên Thủ Lệ.
Tuy nhiên, không hiểu ban quản lý của công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội – đơn vị quản lý trực tiếp quản lý công viên Thủ Lệ đang ở đâu khi những sự việc này diễn ra một cách công khai, trắng trợn như vậy, hay đúng thưc là “hồ này bọn anh quản lý mà”- đúng như người đàn ông trả lời hotline mà chúng tôi liên hệ?
Hồ Thành Công: Rầm rộ với các cuộc thi câu
Tương tự, hoạt động kinh doanh câu các tại hồ Thành Công thuộc Công viên hồ Thành Công (còn gọi là Công viên Indira Gandhi, 16 Láng Hạ, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) cũng diễn ra công khai hàng ngày, hàng giờ.
Quan sát thực tế của PV, trong một vài ngày bất kỳ tại hồ Thành Công cho thấy, những chiếc cần câu san sát nhau, ô dù, ghế ngồi được trải dài quanh chu vi hồ. Theo những cần thủ ở đây, giá thành để được ngồi câu là 300 ngàn cho 5 tiếng đồng hồ ngồi câu.
Hoạt động thả cá xuống hồ Thành Công được cập nhật công khai. |
Chia sẻ thêm với PV, anh B một nguời thường xuyên câu tại đây cười nói: hồ Thành Công là nơi tập trung nhiều “cao thủ” câu cá, cá lại được thêm vào thường xuyên, nhiều cá to nên lúc nào hồ này cũng đông người câu “chắc chỉ có bão mới không có người câu thôi”.
Như vậy, với 300 ngàn một cần câu, một ngày 20 - 30 cần câu, tính sơ qua thì vị chủ hồ này cũng có thu nhập kha khá cả tầm 5 – 7 triệu/ngày. Tất nhiên là tùy từng hôm, thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là: không biết số tiền này sẽ chảy vào túi ai, phải chia chác như thế nào?
Những người đi câu tại hồ Thành Công. |
Không những thế, tại hồ Thành Công còn có một CLB câu cá Thành Công chuyên đứng ra tổ chức cuộc thi câu cá, thời gian diễn ra gần đây nhất, theo như thông báo công khai là 09/11/2018.
Và cũng không chỉ có một lần này, mà còn rất nhiều những lần khác, điển hình như cuộc thi câu ngày 04/11/2016 với số lượng người câu lên đến cả trăm người.
Để làm rõ hơn, báo ĐS&PL đã liên hệ với ông Ngô Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công. Trao đổivới PV, ông Lâm cho biết: “chưa bao giờ phường được giao quản lý hồ Thành Công. Hồ thuộc quản lý của Sở xây dựng. Vì thế bên phường không nắm được tình hình nên không thể trả lời phóng viên”.
Có thể thấy, các hoạt động câu cá diễn ra trong một thời gian dài, công khai thế nhưng khi hỏi các vị cơ quan chức năng, ai cũng không biết không hay… Điều này khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi rằng: Có phải đây là sự buông lỏng quản lý hay thậm chí đã có mối liên kết nào đó giữa các bên để rồi những hành vi sai phạm này diễn ra cả một khoảng thời gian dài như vậy?
Hồ Trung Văn: Phường không quản lý
Cũng như các hồ điều hòa khác, tại hồ Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), vào khoảng 16h-17h hằng ngày luôn có một người đàn ông mặc quần áo kiểu công nhân môi trường đổ 2-3 thùng nước gạo xuống hồ để cho cá ăn.
Người đàn ông này tên là Ba, cũng là nguời tổ chức thu tiền những người đến câu quanh hồ. Giá tiền ở hồ này khá mềm từ 30.000 – 100.000 đồng tùy từng loại cần câu. Mỗi ngày có khoảng 15-20 người câu cá tại đây. Tương ưng với số tiền thu được cũng ít nhất vài trăm nghìn đồng/ngày.
Trao đổi với PV, ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn cho hay, hồ Trung Văn không thuộc quản lý của phường, vì trước đây quận đã ký hợp đồng cho một doanh nghiệp tiếp quản hồ.
Còn về việc nuôi thả cá, tổ chức câu cá tại hồ, ông Hùng có hứa sẽ xem xét lại biên bản bàn giao cho doanh nghiệp và chỉnh đốn lại hoạt động của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, nhiều tuần sau khi gặp ông Hùng, mọi hoạt động câu cá, kinh doanh câu cá tại hồ Trung Văn vẫn ngang nhiên hoạt động bình thường.
Để làm rõ hơn về hoạt động của các hồ điều hòa này, báo ĐS&PL đã liên hệ với Công ty TNHH thoát nước một thành viên Hà Nội để giải đáp những vấn đề trên. Vậy câu Công ty TNHH thoát nước một thành viên Hà Nội nói gì, báo ĐS&P sẽ thông tin đến Qúy độc giả trong kỳ tiếp theo...
Nhóm PV