(ĐSPL)- Cách đây không lâu, tỉnh Trà Vinh đã phải đau đầu để giải quyết tình trạng hàng trăm lao động Trung Quốc không phép ở trung tâm Điện lực Duyên Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh).
Tuy nhiên, mới đây, bất ngờ địa phương này lại tiếp tục phê duyệt cho 2.100 lao động Trung Quốc vào làm việc tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 với lý do: Nhà thầu không tuyển được lao động Việt Nam.
Trong khi đó, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, đại diện của phòng Pháp chế, ban Quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 khẳng định, họ không có thẩm quyền trong việc này.
Lao động phổ thông trong "vỏ bọc" kỹ sư?
Được biết, dự án công trình nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 do EVN làm chủ đầu tư, có tổng công suất khoảng 4.400MW, thuộc quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 đến 2020, có xét đến năm 2030, do các nhà thầu Trung Quốc thi công. Mới đây nhất, là công ty China Chengda Engineering (gọi tắt là Chengda-PV), một trong số các nhà thầu Trung Quốc đã lên kế hoạch tuyển thêm 2.100 lao động Trung Quốc làm việc tại nhà máy này và được tỉnh Trà Vinh phê duyệt.
Sau khi dư luận cả nước ngỡ ngàng trước thông tin này, bà Sơn Thị ánh Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, quyết định này được ban hành ngày 2/7. Theo đó, Trà Vinh đã cho phép nhà thầu Chengda được tuyển trên 2.100 lao động Trung Quốc đến làm việc tại công trình nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3. Và lý do được vị lãnh đạo tỉnh trả lời là không tuyển được lao động người Việt Nam. "Đây là quyết định đã được thông qua nhiều cấp liên quan, có sự kiểm tra của sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Quyết định này không dựa vào báo cáo một chiều từ phía công ty", bà Hồng trao đổi với báo chí.
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho rằng, phía nhà thầu Chengda có chuyển thông tin tuyển dụng lao động đến sở và các phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, thành phố cũng như các trung tâm giới thiệu việc làm. Toàn bộ vị trí tuyển dụng không phải lao động phổ thông mà là lao động kỹ thuật cao và chuyên gia. Theo ông Ngọc, sau khoảng hai tháng đăng tuyển, số lượng lao động trong nước có rất ít người nộp hồ sơ xét tuyển hoặc có gửi hồ sơ nhưng không đến phỏng vấn xin việc làm. Do đó phía công ty xin các cấp lãnh đạo liên quan tuyển lao động người nước ngoài (quốc tịch Trung Quốc) để đảm bảo tiến độ thi công. Tuy nhiên, số lượng 2.100 lao động được tuyển trong vòng bốn năm (2014-2018) chứ không phải tuyển đột xuất trong khoảng thời gian ngắn.
Dẫn lời ông Trần Trí Dũng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, theo như báo cáo của UBND tỉnh, sở dĩ tuyển lao động nước ngoài là vì nhà thầu cần những công nhân kỹ thuật cao, mà lao động của chúng ta không đáp ứng được. Thế nhưng tất cả đều chưa rõ ràng, nên đoàn ĐBQH sẽ yêu cầu giải thích cụ thể. "Chúng tôi cũng đang phải kiểm tra lại công nhân kỹ thuật cao mà bên phía Sở đưa ra là sao. Kỹ thuật cao là cái gì, theo tôi hiểu thì làm gì có phải cao hay không, nói là cao nhưng có cao thật không. Chúng tôi hoàn toàn không đồng tình với việc tuyển dụng như thế này. Đáng lẽ đầu tiên phải ưu tiên lao động Trà Vinh trước. Trà Vinh không có thì tìm lao động trên cả nước, cả nước không có thì mới chấp nhận lao động nước ngoài. Tôi sẽ làm việc trực tiếp với ban Quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3, đồng thời là UBND tỉnh Trà Vinh, cùng các Sở, ngành liên quan để làm rõ sự việc này", BĐQH Trần Trí Dũng khẳng định với báo chí.
Cùng quan điểm, trao đổi với PV báo ĐS&PL, một chuyên gia ngành lao động cho biết, từ trước đến nay, các nhà thầu Trung Quốc đã có "tiếng" xấu khi đưa cả nhân viên quét rác, người nấu ăn, từng cái ốc vít sang Việt Nam để làm việc. Vậy, trong việc nhà thầu Chengda tuyển 2.100 lao động sang Việt Nam, làm sao để các cơ quan chức năng kiểm tra được họ là những kỹ sư có trình độ cao thật hay chỉ là lao động phổ trông núp trong vỏ bọc kỹ sư. Các cơ quan chức năng ở tỉnh Trà Vinh chỉ kiểm tra được họ trên mặt giấy tờ, còn về năng lực thực sự thì ai sẽ kiểm chứng. Trong khi đó, bằng cấp giấy tờ giả ở Việt Nam còn làm được nói gì đến một nước như Trung Quốc.
|
Tình trạng lao động không phép tại các dự án nhiệt điện khiến nhiều địa phương đau đầu. |
EVN không có thẩm quyền để can thiệp?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 do các nhà thầu Chengda - DEC - SWEPDI - ZEPC làm tổng thầu EPC và ban Quản lý dự án nhiệt điện Duyên Hải 3 do EVN chịu trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, khi trao đổi với PV báo ĐS&PL qua điện thoại, ông Sơn Wi Chít, cán bộ phòng Pháp chế (ban Quản lý dự án nhiệt điện Duyên Hải 3) cho rằng, họ không đủ thẩm quyền trong việc nhà thầu Trung Quốc tuyển 2.100 lao động sang Việt Nam. ông Chít cho rằng, đây mới chỉ là kế hoạch tuyển của nhà thầu Trung Quốc và đã được sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh phê duyệt. Chính vì vậy, đây là việc của nhà thầu và Sở. "Nhà thầu cũng có gửi cho chúng tôi kế hoạch tuyển dụng 2.100 lao động nhưng chúng tôi không có thẩm quyền để giải quyết, can thiệp, kiểm soát về việc này", ông Chít nhấn mạnh.
Xung quanh việc nhà thầu Chengda tuyển 2100 lao động Trung Quốc, trong khi bài báo này đang lên khuôn, thông tin được phát đi từ tỉnh Trà Vinh, chiều 14/7, ông Đồng Văn Lâm - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh khẳng định, UBND tỉnh sẽ rút kinh nghiệm, cho đăng tuyển rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân trong và ngoài tỉnh biết về nhu cầu tuyển dụng này.
Về vấn đề này, GS- TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, FDI được xem là các doanh nghiệp thu hút lao động địa phương, chuyển giao công nghệ cao cho Việt Nam... Chúng ta không dại đi tuyển lao động phổ thông từ nước ngoài. Theo nguyên tắc, bất kể lao động nước ngoài nào khi vào Việt Nam cũng phải đăng ký, tuy nhiên vẫn xuất hiện những trường hợp lao động Trung Quốc đăng ký kỹ sư nhưng lại làm việc chân tay thì đó là trách nhiệm của sở LĐ-TB&XH các tỉnh. Quản lý quá lỏng lẻo, không có biện pháp kiểm tra, giám sát. "Cũng phải khẳng định việc lao động Trung Quốc tồn tại như vậy là hoàn toàn trái ngược với mục đích chính sách thu hút FDI của Việt Nam", GS. Nguyễn Mại nói.
Theo nhận định của TS. Trần Đại Phúc, chuyên gia cao cấp điện hạt nhân, giờ đang là chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trong số 2.100 lao động mà nhà thầu Chengda tuyển thì chỉ có 10\% chuyên gia, phần đông là các công nhân phổ thông. Trong khi lao động Việt Nam có thể đáp ứng được mà nhà thầu lại tuyển lao động Trung Quốc là bất hợp lý. Và, cái lý do công nhân của chúng ta không đáp ứng được các tiêu chuẩn chỉ là cái cớ của nhà thầu. Còn nguyên nhân thực sự là các nhà thầu Trung Quốc được chính phủ nước này trợ cấp tài chính phụ thuộc vào số lượng công nhân được đưa ra nước ngoài thi công.
"Về việc tuyển dụng 2.100 lao động là người Trung Quốc, nếu nói công nhân, lao động trong nước không đáp ứng được là không đúng. Bởi có nhiều công trình khó, lao động trong nước vẫn có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, điều quan trọng là ai đứng ra tuyển và tiêu chí ra sao thôi? Đối với những công trình nhiệt điện, Việt Nam đã từng xây dựng rất nhiều, lực lượng lao động không phải là tay nghề yếu, cho nên cái lý do họ nêu ra ta phải xem xét. Nhiều nhà máy nhiệt điện khác trước đây được xây dựng, không phải Trung Quốc đầu tư và chúng ta đâu có sử dụng nhiều công nhân lao động Trung Quốc như vậy". (Dẫn lời Giáo sư, Viện sỹ, TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch hội Điện lực Việt Nam) |
Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý lao động Theo tôi được biết, khâu tuyển dụng 2.100 lao động là do nhà thầu và sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh trình lên UBND tỉnh. Chính vì thế, về phía sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh, tôi nghĩ nên nhìn thấy lỗi sai mà tiến hành sửa chữa, chứ không nên bao che, bao biện không có lao động kỹ thuật trong nước, đó là bao biện cực kỳ sai. Bởi việc nhà thầu Trung Quốc mang cả lao động phổ thông vào Việt Nam là lỗi của cơ quan quản lý lao động. Thậm chí, trên thực tế cho thấy, những năm qua nhà thầu Trung Quốc không đưa trực tiếp lao động của họ vào Việt Nam với danh nghĩa là công nhân mà họ đưa vào bằng con đường du lịch. (PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật) |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-26-evn-vo-can-trong-vu-tuyen-2100-ky-su-trung-quoc-a42160.html