(ĐSPL) - Tiềm ẩn những mối lo ngại lớn hơn trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện là chất lượng máy móc thiết bị không thể kiểm soát. Nguy cơ Việt Nam thành "đại công trường" sử dụng hàng quá "đát" đang hiện hữu ngay trong lĩnh vực trọng điểm là điện...
Một kịch bản cho nhiều dự án
Liên tiếp trong vòng một tuần, bắt đầu từ ngày 14/5/2014, cả hai máy biến áp AT1 và AT2 của trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa (Bắc Giang) cùng bị xì dầu ra ngoài, hư hỏng nặng, buộc phải tách ra khỏi hệ thống, khiến ngành điện phải cắt đột ngột mất hơn 1.000 MW. Đặc biệt, cả hai máy biến áp này đều là hàng Trung Quốc và sự cố xảy ra ngay khi vừa hết hạn bảo hành đang đặt ra bài học về chất lượng kỹ thuật và máy móc thiết bị của ngành trọng yếu này. Đây được xem như một lời cảnh tỉnh đối với EVN khi đã trót gửi gắm quá nhiều niềm tin vào các nhà thầu Trung Quốc.
Theo một số chuyên gia về ngành điện, các tiêu chuẩn đặt ra của ngành điện đều là tiêu chuẩn của G7. Thực tế thì hầu hết chất lượng các trang thiết bị ngành điện hiện nay đều "dựa" vào châu Âu với các nhà sản xuất có uy tín. Thực nghiệm vận hành mấy chục năm qua đều cho thấy rất đảm bảo an toàn, tin cậy. Song, đi ngược lại xu thế này, EVN lại ồ ạt "dùng" hàng Trung Quốc. Trong khi, hàng của châu Âu tuy có đắt hơn hàng Trung Quốc, song tuổi thọ, chất lượng, độ an toàn lại rất cao lại luôn bị... hững hờ.
Quay trở lại với các nhà máy nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công mà báo Đời sống và Pháp luật đã từng đề cập ở các kỳ trước. Tại các dự án Nhiệt điện Hải Phòng hay Nhiệt điện Quảng Ninh (của EVN), khi phát hiện nhà thầu Trung Quốc đưa sang các thiết bị, vật tư kém chất lượng, không đúng thiết kế, chủ đầu tư không cho lắp nhưng nhà thầu cứ lắp, thậm chí còn không cho chủ đầu tư được vào kiểm tra trong hàng rào nhà máy hay lắp vào lúc chủ đầu tư không bám thực địa! Không chỉ tiến độ chậm, tăng giá thành lên cao, mà khi đưa vào bàn giao, các công trình Trung Quốc đảm nhiệm có chất lượng đi xuống, khi sử dụng lại có nhiều vấn đề phụ thuộc vào phía Trung Quốc. Điều đáng nói là sau đó, tất cả các dự án này đều chung một kịch bản đáng buồn nói trên nhưng vẫn tiếp tục thắng thầu ở những dự án khác.
Phải chăng các nhà thầu Trung Quốc đang chuyển thiết bị kém chất lượng sang Việt Nam? (ảnh minh họa). |
Chuyển công nghệ hết hạn, ô nhiễm ra khỏi nội địa
Giật mình “sáu không” của nhà thầu Trung Quốc Dẫn lời ông Bùi Trung Dung - Cục trưởng cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) phát ngôn trên báo Tuổi trẻ cho thấy, Cục này đã tổng kết, đánh giá các công trình xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước có gói thầu giao cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện, qua đó rút ra tính chất "sáu không". Đó là, không có việc huy động nguồn lực lao động chuyên gia có trình độ cao; huy động lao động có tay nghề cao cũng không đạt mục tiêu; huy động lao động phổ thông Trung Quốc vượt quá nhiều lần so với yêu cầu; không có việc huy động công nghệ cao, công nghệ mới; các gói thầu đều không đạt tiến độ khi đăng ký xin phép thầu; cam kết huy động thiết bị hiện đại cũng không có, chủ yếu là có sẵn trong nước hoặc trong nước còn tốt hơn. |
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, một chuyên gia ngành năng lượng lên tiếng: "Theo tôi được biết, một số nhà thầu Trung Quốc không thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm định an toàn và đăng ký sử dụng các thiết bị, máy móc. Đã xảy ra hiện tượng nhà thầu phụ sử dụng thiết bị đã hết hạn kiểm định ảnh hưởng tới chất lượng công trình. Đó là sự việc xảy ra ở nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, móng khoan cọc nhồi kém chất lượng buộc nhà thầu phải khắc phục. Chưa dừng lại ở đó, khi thực hiện các hợp đồng cung cấp máy móc thiết bị, nhiều nhà thầu Trung Quốc vi phạm các điều khoản đã ký và cam kết ban đầu như đưa máy móc thiết bị cũ, không đồng bộ nên khi vận hành hay gặp trục trặc, phải sửa chữa thay thế nhiều lần, thậm chí không vận hành được dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp giữa hai bên".
Thực tế cho thấy, các nhà thầu Trung Quốc ít có khả năng nghiên cứu và phát triển hoặc chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ ở những nước mà họ đầu tư. Trang thiết bị máy móc của những nhà thầu này trình độ chỉ dừng lại ở mức trung bình, thậm chí có trường hợp đưa máy móc đã qua sử dụng sang Việt Nam. Không dừng lại ở đó, họ còn đưa thiết bị chắp nối ở nhiều nguồn, lai ghép nhiều thế hệ hoặc có xuất xứ từ các nước khác nhau, không đồng bộ. Công nghệ sử dụng trong một số nhà máy nhiệt điện, khai thác khoáng sản của doanh nghiệp Trung Quốc đều thuộc loại trung bình, nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong một vài năm gần đây, có một số doanh nghiệp Trung Quốc di chuyển nhà máy phát điện quy mô vừa và nhỏ, các thiết bị luyện thép đã qua sử dụng ở Trung Quốc sang Việt Nam với lý do giá rẻ và thiết bị đó đã được cải tạo nâng cấp về kỹ thuật để qua mắt chủ đầu tư. Tuy nhiên, tất cả đã bị phát hiện.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các quy định liên quan đến sử dụng và chuyển giao công nghệ trong các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Điều này dẫn đến việc các đối tác thực hiện rất dễ dàng đưa các công nghệ cũ, lạc hậu sang Việt Nam. Bên cạnh đó, do các nhà đầu tư trong nước chưa chú trọng đến việc tiếp thu trình độ trang bị kỹ thuật, công nghệ (thường chỉ quan tâm đến chi phí đầu tư thấp), Luật Đấu thầu còn có những bất cập nên các dự án đầu tư khi đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu EPC, hầu hết các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu. Bởi, họ đưa ra giá cạnh tranh hơn hẳn các nhà thầu đến từ các nước có trình độ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
"Mặt khác, theo quy định hiện hành về việc lựa chọn nhà thầu trong đấu thầu cho gói thầu hai giai đoạn, việc không xem xét tính điểm kỹ thuật để so sánh, xác định giá các gói thầu cũng tạo kẽ hở nên các nhà thầu Trung Quốc đã "lách" vào đó. Chính vì vậy, giá thiết bị, công nghệ của Trung Quốc thường thấp nhưng chi phí vận hành, bảo trì lại cao. Do đó, ở một số lĩnh vực khi đấu thầu quốc tế rộng rãi, có nhà thầu Trung Quốc tham gia thì các nhà thầu đến từ EU và các nước có trình độ công nghệ, kỹ thuật cao tự động rút lui vì không cạnh tranh được về giá. Một số dự án nhà thầu Trung Quốc không tuân thủ theo hợp đồng đã ký về nguồn gốc xuất xứ thiết bị", một chuyên gia ngành năng lượng phân tích.
Cũng theo một số chuyên gia ngành năng lượng, việc các nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc trúng thầu gần như toàn bộ các dự án xây dựng, cung cấp trang thiết bị của các nhà máy nhiệt điện, thủy điện vừa và nhỏ của EVN cũng thể hiện sự quan tâm của Trung Quốc về chiến lược năng lượng trong hiện tại và tương lai. Sau này, toàn bộ các nhà máy điện ở Việt Nam được đưa vào vận hành, khai thác sử dụng thì sự chi phối về cung cấp bảo trì, tu bổ, sửa chữa trang thiết bị của chúng ta là tất yếu. Bằng nhiều giải pháp để thực hiện đưa máy móc, thiết bị có trình độ thấp sang Việt Nam thể hiện cho việc Trung Quốc đang tích cực triển khai chính sách bán máy móc thiết bị rẻ, bán phụ tùng thay thế đắt và từng bước chuyển giao công nghệ lạc hậu, ô nhiễm ra khỏi nội địa. Và, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào phía Trung Quốc để duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than.
Trước đây, TS. Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới (viện Kinh tế và Chính trị thế giới) cho rằng, hiện nay thị trường nội địa Trung Quốc đang ở giai đoạn tương đối bão hòa nên Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để chiếm lĩnh thị trường và chuyển đổi công nghệ lạc hậu, ô nhiễm ra khỏi nội địa. Việc đầu tư ra nước ngoài, nhất là đầu tư các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản là chính sách của Chính phủ Trung Quốc để giành tài nguyên về phục vụ sản xuất, phát triển công nghiệp và tạo việc làm trong nước.
Ngày 18/6, Quốc hội chính thức thông qua toàn văn Luật Xây dựng sửa đổi. Quan điểm phải thực hiện việc cấp phép hoạt động cho nhà thầu nước ngoài được bảo lưu. Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu của ủy ban Thường vụ Quốc hội trình trước khi đại biểu bỏ phiếu biểu quyết nêu rõ, việc cấp giấy phép hoạt động cho nhà thầu nước ngoài ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài, chưa thực sự phù hợp với Luật Đấu thầu mà Quốc hội mới thông qua. Việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động của nhà thầu nước ngoài là thông lệ quốc tế, thể hiện chủ quyền quốc gia của nước chủ nhà đối với hoạt động kinh doanh của pháp nhân nước ngoài. Qua nghiên cứu pháp luật của các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, các nước này đều có những chính sách quản lý nhà thầu nước ngoài. |
(Còn nữa)