+Aa-
    Zalo

    Bài 12: Vì sao dự án nhiệt điện ẩn họa được cảnh báo bị phớt lờ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cách đây nhiều năm, các cơ quan ngôn luận đã đồng loạt lên tiếng về mối lo ngại các nhà thầu Trung Quốc thực hiện quá nhiều dự án nhiệt điện.

    (ĐSPL) - Cách đây nhiều năm, các cơ quan ngôn luận đã đồng loạt lên tiếng về mối lo ngại các nhà thầu Trung Quốc thực hiện quá nhiều dự án nhiệt điện. Sau khi dư luận phản ánh, mặc dù đã có chỉ đạo làm rõ thông tin, nhưng không hiểu sao, nó vẫn bị "phớt lờ" kể cả đến nay - khi mối họa đó đang dần "lộ chân tướng"?

    Chuyện không cũ...

    Khoảng giữa năm 2010, báo Thanh Niên bắt đầu nổ phát súng đầu tiên với bài viết: "Hệ lụy của chọn thầu giá rẻ" khi đề cập đến việc Trung Quốc đang trở thành nhà thầu nước ngoài lớn nhất Việt Nam.

    Điều này không phải dẫn chứng đâu xa mà do chính Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam tuyên bố công khai trong một diễn đàn về kinh tế được tổ chức ở Hà Nội trong khoảng thời gian này.

    Bài báo dẫn lời ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng vụ Năng lượng (Bộ Công thương) cho thấy, ước tính số dự án mà nhà thầu Trung Quốc đang làm tổng thầu EPC hoặc giữ vai trò chính trong liên doanh trúng thầu lên đến khoảng 80\% dự án nhiệt điện than đã ký kết hợp đồng trong Tổng sơ đồ điện 6 (tổng cộng có gần 40 dự án trong tổng sơ đồ điện này, kể cả những dự án đang đàm phán).

    Điều đáng nói là nhiều công trình lớn do nhà thầu Trung Quốc thi công có tiến độ ỳ ạch, gặp rất nhiều trục trặc khi đi vào vận hành.

    Trả lời tờ báo này, ông Tạ Văn Hường cho hay, hệ thống thiết bị quản lý điều khiển, công nghệ cao của Trung Quốc thua kém các nước G7, nhưng điều quan trọng là giá thầu rẻ hơn các nhà thầu thuộc các nước G7.

    Đó là ưu thế giúp các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu rất nhiều trong thời gian qua. Có những dự án trong hồ sơ mời thầu quy định ai trúng thầu phải dàn xếp vốn cho dự án, và nhiều dự án điện phải sử dụng phần lớn tín dụng của Trung Quốc (điển hình là dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2 với 85\% vốn vay từ ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và vốn ODA của Trung Quốc). Nhà thầu các nước G7 cũng dàn xếp được vốn, nhưng giá thầu quá cao nên chủ đầu tư không chọn.

    Vậy vì sao nhà thầu Trung Quốc luôn thắng, báo Thanh Niên tiếp tục có bài viết vào hồi cuối tháng 8/2010 chạy tiêu đề: "Bẫy thầu giá rẻ", đưa ra phân tích của TS. Nguyễn Thành Sơn, TGĐ công ty Năng lượng Sông Hồng: "Trong các hồ sơ dự thầu của mình, các nhà thầu (kể cả các nhà thầu thuộc các nước G7) cũng sẵn sàng đưa ra các bẫy ở mọi nơi.

    Nhiều nhà thầu sau khi mua hồ sơ mời thầu do phía chủ đầu tư Việt Nam phát hành, họ thành lập một tiểu ban gồm các chuyên gia về kỹ thuật, kinh tế và luật để nghiên cứu rất kỹ hồ sơ mời thầu nhằm tìm ra các chỗ hở để sau đó khôn khéo "cài bẫy" trong hồ sơ đấu thầu".

    Còn được nhắc đến là người từng trực tiếp có "kinh nghiệm xương máu" ở các nhà máy nhiệt điện liên quan đến các nhà thầu Trung Quốc, TS. Nguyễn Thành Sơn thẳng thắn nhìn nhận: "Kiểu chọn thầu theo tiêu chí giá rẻ như của chúng ta hiện nay đã và đang được các nhà thầu Trung Quốc tận dụng triệt để.

    Họ có thể bỏ giá cực thấp để thắng thầu vì chỉ cần mang hợp đồng về là họ có thể được vay tiền với lãi suất ưu đãi từ Chính phủ Trung Quốc. Thực ra ai cũng biết của rẻ là của ôi, các sản phẩm đều có chung một mức giá thị trường, có mức giá sản xuất nhất định. Dù có lợi thế nhân công hay được hỗ trợ thì sản phẩm của Trung Quốc cũng chỉ có thể rẻ hơn của EU hay Mỹ từ 5\%-10\% là cùng, nếu rẻ hơn tới 15 thậm chí 20\% là phi lý. Với mức giá rẻ như thế thì chỉ có hàng kém chất lượng".

    "Tôi biết họ thường có bài trả lương cực rẻ, rẻ hơn cả chủ Việt Nam trả cho nhân công Việt Nam. Ví dụ, với mức tính giá chỉ 20.000-30.000 đồng/ngày công và ăn hết 5.000 đồng/bữa, họ mời công nhân Việt Nam vào làm, liệu có người Việt Nam nào chấp nhận làm với mức giá ấy? Cuối cùng với mức chi phí siêu rẻ như vậy, công nhân Trung Quốc lại vào làm. Có thể khi về nước, công nhân của họ còn nhận thêm khoản tiền trợ giá nào đó không biết chừng", TS. Nguyễn Thành Sơn chia sẻ.

    Các dự án năng lượng: Vì sao ẩn họa được cảnh báo bị... phớt lờ?
    Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2010 về các dự án nhiệt điện do Trung Quốc thực hiện đã không được các bộ, ngành lưu tâm?!

    Đủ chiêu trò để... trúng thầu

    Tiếp tục "vén màn bí mật" về những chiêu trò thắng hợp đồng EPC của các nhà thầu Trung Quốc. Cuối năm 2010, trên trang báo điện tử Vietnamnet cũng có bài viết phân tích từ nhiều khía cạnh.

    Dẫn lời TS. Ngô Minh Hải, công tác tại viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương trên bài báo chạy tiêu đề: "Trung Quốc trúng thầu, đâu phải do luật" của tờ báo mạng này cho thấy: "Trong thực tế, tình trạng thiếu trung thực, thiếu công bằng trong đấu thầu và việc sử dụng các nhà thầu kém chất lượng vẫn tồn tại, thậm chí rất phổ biến như báo chí và dư luận xã hội vẫn thường xuyên lên án.

    Nguyên nhân của tình trạng này là: Do năng lực đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác đấu thầu không đáp ứng với yêu cầu của công việc được đảm nhiệm. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác đấu thầu quá nhiều nhưng lại không đủ rõ".

    "Nguy hiểm hơn, đây cũng là nguyên nhân làm cho 90\% các dự án đầu nguồn quan trọng thuộc các ngành kinh tế trọng điểm như năng lượng, khai khoáng... được trao cho các nhà thầu Trung Quốc thực hiện theo hình thức EPC. Chủ đề về đấu thầu giá rẻ không mới, nhiều cuộc hội thảo tại nhiều diễn đàn khác nhau đã đề cập, tranh luận.

    Tại các hội nghị bàn về chính sách đấu thầu với sự tham gia của nhiều chuyên gia thuộc hầu hết các bộ, ngành trong Chính phủ cũng đã thảo luận nhiều lần nhằm đưa ra các quy định tốt nhất để khắc phục tình trạng nêu trên”, TS. Ngô Minh Hải chia sẻ.

    Cũng trên trang báo điện tử Vietnamnet ở thời điểm trên, trong nội dung bài viết có tít: "Cứ tiếp nhận EPC, nhà thầu Việt không thể lớn lên", tác giả bài viết đã dẫn lời ông Bùi Hồng Phúc, Phó Chủ tịch hội Hữu nghị Việt - Trung, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với quan điểm: "Máy móc thiết bị của Trung Quốc nếu so với các nước G7 thì không bằng ở một khía cạnh nào đó. Về lưu ý trong quan hệ hợp tác với phía Trung Quốc, ở đây, tôi thấy một số tập đoàn của họ mà phía Việt Nam có hợp tác thì bình thường.

    Do vậy, tôi kiến nghị rằng, khi chọn nhà thầu Trung Quốc, chúng ta nên thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại của Việt Nam ở nước sở tại để tìm hiểu về những tập đoàn mà chúng ta định hợp tác.

    Theo tôi, đó là cách làm hợp lý nhất, bên cạnh việc tra cứu thông tin trên Internet. Nói thực là ở Trung Quốc thật giả có hết. Bên cạnh những công ty làm ăn đúng đắn, đàng hoàng, nghiêm túc, cũng có những doanh nghiệp thế này thế khác".

    Bài báo cũng dẫn lời ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng: "Theo tôi, trước khi trở thành nhà thầu lớn, các doanh nghiệp Việt Nam nên trải qua giai đoạn làm thầu phụ. Tuy nhiên, hiện trong nhiều dự án tổng thầu của Trung Quốc, đến các hợp đồng thầu phụ họ cũng không dùng doanh nghiệp Việt, thì các nhà thầu của ta làm sao có cơ hội để học hỏi và lớn mạnh được.

    Có những việc, chúng ta có thể tự làm được, nhưng cũng có những việc chúng ta còn phải học, nhưng phải có cơ hội học, chứ cứ tiếp nhận các dự án EPC kiểu này, thì các nhà thầu Việt Nam không có cơ hội để lớn lên, mà điều đó mới đáng lo".

    "Nếu chọn nhà thầu đắt hơn một chút, mà nhà thầu Việt Nam có thể học hỏi và tự lớn được, thì hai ba cái sau, anh có thể giao cho nhà thầu Việt Nam và lúc đó, giá có thể rất rẻ. Bởi vì nhiều thiết bị của Việt Nam tự sản xuất, giá chỉ bằng một nửa, hoặc 1/3 so với thiết bị cùng loại sản xuất ở nước ngoài", nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng nhấn mạnh.

    Thủ tướng Chính phủ từng chỉ đạo làm rõ

    Trong khi thực hiện bài viết này, một nguồn tin đáng tin cậy mà PV báo Đời sống và Pháp luật nhận được, cuối năm 2010, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo các bộ như: Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công thương... làm rõ vấn đề về các gói thầu EPC do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.

    Tuy nhiên, khi báo cáo lại, các bộ này vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân cụ thể, bản chất của vấn đề là do luật pháp hay do năng lực con người hoặc do những nguyên nhân chủ quan, khách quan... 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-12-vi-sao-du-an-nhiet-dien-an-hoa-duoc-canh-bao-bi-phot-lo-a37211.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan