+Aa-
    Zalo

    Bài 1: Những bất thường trong quá trình cổ phần hóa tại Công ty Hanel

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Công ty TNHH MTV Hanel được giao nhiệm vụ tiến hành cổ phần hóa (CPH) chuyển doanh nghiệp theo Quyết định số 2845/QĐ-UBND ngày 27/5/2014 của UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên tí

    Công ty TNHH MTV Hanel được giao nhiệm vụ tiến hành cổ phần hóa (CPH) chuyển doanh nghiệp theo Quyết định số 2845/QĐ-UBND ngày 27/5/2014 của UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên tính tới thời điểm này, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn phần vốn Nhà nước tại Hanel vẫn còn nhiều điểm thiếu minh bạch cần được làm rõ.

    Quá trình CPH trái với Nghị định Chính phủ?

    Công ty cổ phần Hanel (Công ty Hanel) tiền thân là Công ty TNHH MTV Hanel được thành lập ngày 17/12/1984 theo Quyết định số 8733-QĐ/TCCQ của UBND TP. Hà Nội. Hanel là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do UBND  TP. Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu.

    Hanel được giao nhiệm vụ tiên phong trong ngành điện tử - tin học của Thủ đô. Công ty hiện có 32 công ty thành viên, liên doanh, liên kết và gần 8.000 lao động.

    Hanel thực hiện CPH theo chủ trương của Chính phủ và UBND TP. Hà Nội. Thông tin về quá trình CPH tới báo Đời sống & Pháp luật, Công ty Hanel cho biết, ngày 30/10/2015, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5812/QĐ-UBND phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án CPH của Công ty TNHH MTV Hanel trong đó xác định lại giá trị vốn Nhà nước tại Công ty Hanel là 1.925.440.826.842 đồng và vốn điều lệ là 1.926.000.000.000 đồng.

    Thông tin về quá trình cổ phần hóa của Công ty Hanel

    Để thực hiện việc CPH Công ty TNHH MTV Hanel, Công ty đã chọn đơn vị tư vấn là Công ty CP chứng khoán phố Wall để tư vấn thực hiện các thủ tục CPH theo đúng quy định. Theo đó, chọn việc công khai, minh bạch thông tin và niêm yết trên thị trường chứng khoán là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

    Ngày 17/3/2016, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã có thông báo công khai việc đấu giá bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài của Công ty TNHH MTV Hanel, trong đó ghi rõ các thông tin về việc đấu giá bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài và các tài liệu đính kèm theo thông báo để công bố cho các nhà đầu tư biết trước khi bán cổ phần lần đầu. (http:www.hnx.vn/vi-vn/ket-qua-tim-kiem/chi-tiet-tin-213391-1.html).

    Ngày 20/4/2016, Công ty Hanel đã thực hiện chào bán 19,1 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), đấu giá công khai thông qua Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

    Ngày 20/4/2016, Công ty Hanel đã thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Ngày 23/6/2017, Công ty Hanel tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần từ ngày 27/6/2017 với tổng số cổ đông từ ngày 11/9/2017 đến nay là 71 cổ đông.

    Ngày 17/7/2017, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 4638/QĐ-UBND về việc chuyển nhượng Công ty TNHH MTV Hanel thành Công ty Cổ phần Hanel.

    Ngày 7/12/2018, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 6687/QĐ-UBND về việc phê duyệt chi phí CPH và giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm chuyển Công ty TNHH MTV Hanel thành Công ty Cổ phần Hanel.

    Ngày 13/12/2018, Công ty Hanel hoàn thành xong việc bàn giao từ Công ty TNHH MTV sang Công ty Cổ phần.

    Như vậy, dựa trên quá trình CPH của Hanel cho thấy, nhiều có dấu hiệu trái với Nghị định của Chính phủ. Bởi vì, khi chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần, Công ty Cổ phần Hanel không lên sàn UPCoM theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường.

    Cụ thể, tại Điều 11, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần có nêu rõ: “Doanh nghiệp phải thực hiện công khai, minh bạch thông tin và niêm yết trên thị trường chứng khoán”.  Ngoài ra, tại Nghị định này cũng nêu: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa quy định việc cổ phần hóa đồng thời với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán trong phương án cổ phần hóa để công bố cho các nhà đầu tư biết trước khi bán cổ phần lần đầu”.

    Về hình thức CPH được quy định tại Điều 4, Nghị định số 59/NĐ-CP cụ thể như sau :

    1. Giữ nguyên vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

    2. Bán một phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

    3. Bán toàn bộ vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

    Tuy nhiên, phương án CPH cũng như việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của công ty Hanel đều giữ nguyên vốn điều lệ.

    Giải thích bất nhất

    Liên quan đến sự việc nêu trên, Công ty Cổ phần Hanel giải thích rằng, doanh nghiệp đã nỗ lực hết sức để hoàn thiện chứng thư thẩm định giá cổ phần Công ty Cổ phần Hanel làm cơ sở đưa lên sàn đấu giá chuyển nhượng vốn cổ phần Nhà nước đầu tư tại công ty (vốn Nhà nước chiếm 97,393% vốn điều lệ). Tuy nhiên, việc phê duyệt giá khởi điểm cổ phần và phương án chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước tại Công ty CP Hanel vẫn đang trong quá trình thẩm định và chưa có quyết định phê duyệt của UBND TP. Hà Nội. Tất cả quá trình CPH của Công ty TNHH MTV Hanel đều thực hiện theo đúng quyết định được phê duyệt (Cụ thể là Quyết định số 5812/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của UBND TP. Hà Nội)

    Trước đó, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Bích Huyền – Trợ lý Tổng giám đốc, Phụ trách phòng Truyền thông – Thương hiệu của Công ty Cổ phần Hanel cho biết: “Theo Quyết định về phương án CPH ban đầu dự kiến chào bán cho 02 cổ đông chiến lược đến 61% vốn điều lệ, điều chỉnh vốn cổ phần của Nhà nước từ 97,93% vốn điều lệ xuống chỉ sở hữu 29% vốn điều lệ.

    Tuy nhiên, diễn biến thị trường có nhiều khó khăn, các nhà đầu tư lớn chưa thực sự quan tâm đến cổ phiếu của Công ty. Chủ trương của UBND TP muốn chuyển nhượng phần vốn Nhà nước cho các cổ đông lớn có hoạt động kinh doanh lĩnh vực tương đồng với Công ty, tạo thế mạnh cho Công ty hoạt động, phát triển theo đúng ngành nghề kinh doanh chính sau cổ phần hoá. Do đó, đến thời điểm bán cổ phần lần đầu thì Hanel chưa thực hiện việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

    Công ty Cổ phần Hanel đang tích cực làm việc với đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước để tiến hành thủ tục thoái vốn Nhà nước tại Công ty theo quy định. Để thực hiện việc thoái vốn, Công ty sẽ thực hiện việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán và chuyển nhượng phần vốn Nhà nước cho các Nhà đầu tư theo quy định pháp luật và phương án thoái vốn được phê duyệt”.

    Theo tìm hiểu của PV được biết, Nhà nước quy định cụ thể việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải không vượt quá 50% vốn điều lệ. Ngoài ra, phải có ý kiến phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Về thông tin này, Công ty Hanel cho rằng, ngày 08/10/2015, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8145/VPCP-ĐMDN về tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược. Nhưng khi tìm kiếm tại hệ thống văn bản của Văn phòng Chính phủ thì bị khuyết mất số văn bản trên. Trong khi đó, Công ty Hanel cũng chưa cung cấp văn bản cụ thể này cho báo chí.

    Tại sao, Hanel và UBND TP. Hà Nội có phần vội vàng trong việc chào bán cổ phần ra công chúng (trong khi tháng 12/2018 đơn vị mới có chứng nhận về việc chuyển đổi sang công ty cổ phần hoạt động theo luật Doanh nghiệp)? Tại sao quyết định CPH từ tháng 10/2015 tuy nhiên đến nay sau 4 năm, Hanel vẫn chưa thể thực hiện việc thoái vốn Nhà nước cũng như niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán theo quy định?

    Còn gì bất thường trong phương án định giá giá trị công ty Hanel, quỹ đất “khủng” hàng trăm hecta của Hanel sẽ được định giá, sử dụng thể nào trước và sau CPH, báo Đời sống & Pháp luật tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

    Phan Bình - Tạ Tuấn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-1-nhung-bat-thuong-trong-qua-trinh-co-phan-hoa-tai-cong-ty-hanel-a298655.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan