LTS: Mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam đã “đăng đàn” tiết lộ về những “chi phí đen” trong cước vận tải. Sau lời phát biểu của vị này, dư luận cả nước giật mình. Người dân không hiểu cái “chi phí đen” mà ông Thanh nhắc đến trong phát biểu của mình là gì và ai đã và đang “xẻ thịt” miếng “bánh ngọt” đó? Để rộng đường dư luận, từ số này, báo Đời sống và Pháp luật khởi đăng loạt bài về truy tìm những mánh trục lợi từ “chi phí đen” có thể được xem là một trong những yếu tố trực tiếp dẫn đến cước vận tải tăng. Sau một thời gian dài nhập vai là người học việc với mục đích kinh doanh ngành nghề này, chúng tôi phát hiện ra quá nhiều sự việc bất thường đến chấn động. Chân tướng của cước vận tải tăng dần dần được hé lộ. Và giờ đây, chúng tôi cảm thấy ngỡ ngàng vì cái “luật ngầm”, “phí bôi trơn” mà lâu nay các nhà xe phải trả để được xuất bến, được đón khách, được tự do đi trên đường mà không bị “làm phiền”.
Bài 1: Ngỡ ngàng “phí bôi trơn” để nhận được “lệnh bài” xuất bến
(ĐSPL)- Theo lời than vãn của phụ xe một hãng xe khách chạy tuyến đường dài bến xe phía Nam hay còn gọi là bến xe Giáp Bát, Hà Nội, tên T. nếu không “bôi trơn” cho bến xe thì sẽ bị “hành” đủ kiểu và xe sẽ không thể xuất bến đúng thời gian được.
Và, để có được một “lệnh bài” (phơi xuất bến đúng giờ-PV), các nhà xe đều phải làm thủ tục qua bốn cửa với số tiền bị “đội lên” gấp cả gần chục lần phí xuất bến theo quy định. Tuy nhiên, tất cả những số tiền đó đều không được ghi vào bất cứ hóa đơn nào.
Cái gì cũng phải có “dây”?
Để thâm nhập và tiếp cận với thông tin được xem là “tuyệt mật” về “chi phí đen” trong giới xe khách ở bến Giáp Bát, PV báo Đời sống và Pháp luật đã vào vai người muốn mở một tuyến xe khách chạy tuyến Hà Nội-Nam Định. Sau mấy phút đứng quan sát ở phòng điều hành của bến xe này, chúng tôi đã tiếp cận được với T. đang làm “lơ” cho một hãng chuyên chạy xe khách đường dài. Ngồi tỉ tê tâm sự, PV được “lơ” xe này rỉ tai những thông tin về “chi phí đen” mà các nhà xe phải “gánh” lâu nay.
Được biết, “lơ” xe này tên T., hơn 40 tuổi, đã vào nghề xe phụ xe khách được gần chục năm nay. Sau khi nghe chúng tôi trình bày ý định muốn mở xe chạy tuyến ở bến xe Giáp Bát, T. lắc đầu bảo: “Tôi mà có tiền như các chú thì thuê mảnh đất nào đó ở gần khu vực này và buôn bán cho nhẹ đầu, chứ tội gì mà lao vào làm xe khách. Các chú không phải dân trong nghề nên cũng chẳng hiểu được sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà xe hiện nay. Họ tranh nhau từng khách trong bến và từng phút ngoài đường. Riêng chạy tuyến Hà Nội-Nam Định, các chú cứ ra đường quốc lộ mà xem, mấy phút lại có một chuyến xe đi-về. Chính vì thế, lái xe của các tuyến này phải tận dụng từng giây ngoài đường để vượt nhau rồi bắt khách. Để khỏi “trắng xe” (ít khách-PV), các lái xe phải lượn lách, đánh võng rồi vít ga. Người ngoài cứ tưởng kinh doanh xe khách là một mảnh đất màu mỡ và kiếm bộn tiền. Nhưng, cái gì cũng có giá của nó cả. Tôi theo nghề này, tôi tường hơn ai hết. Nó khốc liệt lắm, không giống như người ngoài nhìn vào đâu”.
Cũng theo phụ xe T., đó chỉ là nói đến khó khăn trong việc tranh giành khách, còn để có được một “chân” (lốt-PV) ở trong bến Giáp Bát hiện nay thì chẳng khác nào “tìm đường lên trời”. “Hiện ở đây xe chạy tuyến Nam Định đã có một hãng lớn “ôm trọn” rồi. Đó còn chưa kể đến hàng trăm chiếc xe của các công ty nhỏ, giờ chen được một “chân” vào đây cực kỳ khó. Một là các chú phải đi “quan hệ” với ông M. đang ngồi làm việc ở đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội), hai là chờ ai bán xe, bán tuyến thì mua lại. Nếu các chú sẵn “đạn” (tiền – PV) thì mua năm xe, mở hẳn một công ty và phòng bán vé hẳn hoi. Ngay cả khi đã kiếm được nốt thì việc cạnh tranh khách ở tuyến các chú muốn mở cũng vô cùng khắc nghiệt. Một là phải có nhiều khách quen; hai là “xế” phải “lụa”, phải lành nghề. Nếu không có hai điều kiện đó thì cứ xác định luôn có thể “trắng xe” bất cứ lúc nào. Nhiều chuyến, tiền vé còn không đủ tiền xăng cơ”, “lơ” T. nói với PV.
Khi PV hỏi ông M. là ai mà có thể giúp được chúng tôi chen “chân” được vào bến xe này, “lơ” T. cười bảo, tôi cũng chỉ nghe dân trong nghề nói rằng, ông M. có thể giúp được các nhà xe xử lý các việc lớn chứ tôi cũng chưa từng gặp bao giờ. Tuy nhiên, dân trong nghề, bất cứ ai gặp khó khăn đều đến gặp người này để nhờ và nhận sự trợ giúp. Bởi theo “lơ” T., ở bến xe này, cái gì cũng phải quan hệ bằng tiền, phải có “dây”, có người “đứng đằng sau” mới được việc.
Chúng tôi tỏ ra không hiểu, một phụ xe đứng gần đó nói xen vào: “Ngay cả bà bán hàng nước ở trong bến xe này cũng phải có người “bảo hộ”. Chẳng thế mà bà ấy kiếm được chỗ bán hàng nước đắc địa như thế. Hơn nữa, phải có người “bảo kê” thì chủ quán mới dám tác oai tác quái, chặt chém khách cả gần chục nghìn đồng một cốc trà đá trong khi đó bên ngoài có 2-3 nghìn đồng. Còn các chú muốn mở tuyến thì còn phải chờ dài dài nếu như không có quan hệ bằng tiền.
|
Lái xe đang vào phòng điều hành để làm “lệnh bài” xuất bến. |
Những sự thật không dễ phơi bày
Theo “lơ” xe T., điều khiến các nhà xe bao năm qua ngậm đắng nuốt cay từng ngày, từng giờ chính là việc phải đóng quá nhiều phí “bôi trơn”. Thấy chúng tôi còn lơ ngơ, “lơ” T. cắt nghĩa: “Nhiều người ở ngoài cứ tưởng nhà xe bỏ tiền ra mua nốt là ngày ngày tháng tháng có thể tự do đón trả khách ở bến xe. Thực tế không đơn giản như thế. Để xe được chở khách ra ngoài, chúng tôi còn phải làm rất nhiều thủ tục để lấy được “lệnh bài” xuất bến. Cái “lệnh bài” đó, người ta gọi là phơi. Hiện nay, theo quy định, đối với xe 40 chỗ, phơi xuất bến là 106.000 đồng/lần xuất bến, còn xe ít chỗ ngồi hơn thì số tiền phơi sẽ ít hơn. Mỗi lần xuất bến, các nhà xe phải đi qua nhiều cửa. Từ cửa đầu tiên đến cửa cuối cùng, ngoài 106.000 đồng tiền phơi theo quy định (xe 40 chỗ), nhà xe phải chi thêm ít nhất từ 120.000 đồng đến cả tiền triệu nữa mới có phơi xuất bến tùy vào số ghế và quãng đường xe chạy. “Tôi nghe những “lơ” chạy các tuyến nói rằng, xe chạy Hà Nội-Thanh Hóa thì mỗi lần xuất bến ngoài 106.000 đồng tiền phí theo quy định thì nhà xe phải chi chênh 90.000 đồng; xe chạy tuyến Hà Nội-Nam Định chi chênh để được xuất bến đối với xe 40 chỗ ngồi là gần 150.000 đồng/xe tuyến Hà Nội – Đà Nẵng, nhà xe cũng phải mất tiền chênh khoảng 400.000 - 500.000 đồng mỗi khi nhận “lệnh bài”. Còn, “khủng” nhất là xe chạy chuyến Hà Nội-TP.HCM, qua các cửa, nhà xe phải chi chênh so với số tiền trên phơi là 1,8 triệu đồng mới được xuất bến. Và số tiền chênh lệch đó không được ghi vào bất cứ sổ sách nào”, bạn của “lơ” T. nói.
Giật mình với số tiền trên, PV hỏi: Nếu không đóng “phí đen” đó thì sao? “Lơ” T. cười bảo: “Thông thường trước khi chạy 30 phút, “lơ” phải đến phòng điều hành làm lệnh xuất bến. Nếu không “bôi trơn” thì các nhân viên sẽ gây khó dễ đủ bề như cứ đúng thời gian xe chạy mới đóng dấu vào “lệnh bài” hoặc họ cố tình chậm chễ làm mọi thủ tục cho nhà xe. Nói chung, không “bôi trơn” không được”.
Theo các phụ xe chạy tuyến đường dài đang “đóng quân” ở bến xe Giáp Bát, với số tiền “bôi trơn” quá cao như vậy, nhiều chuyến, các nhà xe phải gánh lỗ. Tuy nhiên, sợ mất nốt và gây khó khăn khi làm các thủ tục, họ đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Có lẽ, chính những người chi “phí bôi trơn” đó cũng chẳng thể biết được, số tiền chênh lệch đó bao năm tháng qua nó đã đi đâu và vào túi ai?
Được biết, năm 2004, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ công an TP. Hà Nội đã bắt quả tang Nguyễn Anh Tuấn (nhân viên điều độ tại bến xe phía Nam) nhận tiền của phụ xe khi ký phơi. Mở rộng điều tra, công an đã làm rõ các nhân viên trong tổ điều độ của xí nghiệp bến xe phía Nam gồm Nguyễn Tiến Lợi, Uông Đình Long, Nguyễn Mạnh Khôi cũng có những hành vi nhận tiền của các lái, phụ xe. Theo đó, trong vòng 10 tháng, mỗi ngày ca của Lợi thu 1,2-1,8 triệu đồng chia nhau. Bản thân Lợi mỗi tháng thu từ 9 đến 11 triệu đồng. Còn Long mỗi ngày thu từ 1,6 đến 2,4 triệu đồng. Ca của Long làm 15 ngày/tháng, thu khoảng 24 triệu đồng/tháng. Như vậy, từ đầu năm đến tháng 10, Long và Lợi đã thu tổng cộng 240 triệu đồng.
|
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-1-ngo-ngang-phi-boi-tron-de-nhan-duoc-lenh-bai-xuat-ben-a38412.html