(ĐSPL) - Ở xứ Nghệ, nếu cần nêu một cái tên thành công vang dội từ nghiệp cầu thủ từ trước đến nay và cả sau này trong nghiệp bóng đá thì huấn luyện viên Văn Sỹ Chi xứng đáng được gọi là người tiêu biểu nhất.
Ngoài sự nghiệp lừng danh của mình, ông Chi còn nổi tiếng, bởi sinh ra những tài năng hiếm có của bóng đá xứ Nghệ như Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Thủy...
Ông Văn Sỹ Chi và vợ bên các cháu. |
Trong ký ức về những ngày vinh quang của sự nghiệp, ông Chi cho biết, món quà cưới từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ý nghĩa và đáng trân trọng hơn tất cả những danh hiệu mà ông nhận được.
Những trận bóng trên đường hành quân ra trận
Ông Văn Sỹ Chi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu (nay là thị xã Hoàng Mai). Thuở nhỏ, cũng như bao đứa trẻ xứ Nghệ khác, Văn Sỹ Chi đam mê và dành nhiều thời gian để chơi bóng. Kỷ niệm với ông là những lần buổi trưa phải lặn lội đi cắt cỏ cho bò ăn, để buổi chiều được rảnh chân đá bóng. Đúng như những vần thơ:
Quên sao được ngày nào xin bưởi
Đá giữa sân đình với bạn nhỏ quê hương
Xếp áo lại thành cầu môn suốt buổi
Có những lần say quên cả tiếng trống trường.
Bóng đá chiếm phần lớn trong ký ức tuổi thơ của Văn Sỹ Chi. Ngày ấy, bởi có năng khiếu nên chỉ mới lên cấp 2, Văn Sỹ Chi đã được nhiều người để ý tới. Tham gia rất nhiều giải đấu của làng xã, rồi trường học, nhưng Văn Sỹ Chi không bao giờ dám mơ ước mình sẽ trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, bởi ngày ấy đất nước còn chiến tranh, bao cái khó bủa vây nên bóng đá để phục vụ nhân dân là cái gì đó rất xa xỉ. Nhưng ít ai ngờ, sau khi xếp bút nghiên, lên đường đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, cơ duyên lại đến với chàng trai xứ Nghệ.
Ngày ấy, đơn vị của Văn Sỹ Chi đóng quân ở huyện Diễn Châu. Trong quá trình tập luyện, chơi thể thao, chỉ huy phát hiện ra Văn Sỹ Chi đá bóng rất giỏi và đưa vào đội bóng của đơn vị. Khoảng năm 1958, đơn vị của Văn Sỹ Chi có chuyến hành quân ra Bắc. Vừa đi vừa đóng quân tập luyện và giao lưu thể thao với các địa phương. Đây cũng chính là cơ hội để Văn Sỹ Chi thể hiện tài năng của mình. Trong trận đấu giao hữu giữa đội bóng huyện Quỳnh Lưu với Ninh Bình, Văn Sỹ Chi đã ghi được một bàn thắng rất đẹp và sau đó được rất nhiều người chú ý.
Cứ thế, trên con đường hành quân của mình, Văn Sỹ Chi cùng đơn vị đã thi đấu giao hữu với rất nhiều đội bóng của nhiều địa phương, đơn vị khác nhau. Trong số này, đáng chủ là trận giao lưu với Sư đoàn 335 của Tây Bắc. Sau trận đấu này, vì ấn tượng với anh lính xứ Nghệ, lãnh đạo Quân khu Tây Bắc đã đưa Văn Sỹ Chi vào đội bóng Bông Lau, thuộc quân khu này.
Trong màu áo của đội Bông Lau, Văn Sỹ Chi tham gia giải toàn quân và ghi được tổng cộng 65 bàn. Được xem là phát hiện mới của bóng đá toàn quân nên ngay lập tức, Văn Sỹ Chi được đưa về Thể Công. Ngày ấy, được đứng trong hàng ngũ của đội bóng đá Thể Công thực sự là ước mơ với tất cả những cầu thủ bóng đá ở Việt Nam.
Người sút tung lưới đội bóng vô địch Trung Quốc
Ngay sau khi gia nhập Thể Công, Văn Sỹ Chi được cử đi tập huấn ở Đức. Trong khoảng thời gian này, chàng trai xứ Nghệ tiếp tục ghi dấu ấn khi ghi những bàn thắng quan trọng vào lưới các đội bóng ở Đông Âu và Trung Quốc. Đáng chú ý là bàn thắng duy nhất, giúp Thể Công giành chiến thắng trước đội bóng vô địch Trung Quốc. "Ngày ấy, khi lãnh đạo đội gọi điện về thông báo tin vui, nhiều người còn không dám tin đó là sự thật. Sau này, hai đội đá lại một trận nữa ở Việt Nam và tỷ số là 1 - 1. Người ghi bàn cho Thể Công vẫn chính là tôi", ông Chi chia sẻ.
Ngoài việc "thống trị" ở giải toàn quân, toàn quốc, Thể Công còn tham gia nhiều giải đấu quốc tế khác. Ở những giải đấu này, Văn Sỹ Chi đều là trụ cột của đội bóng quân đội. Những chuyến đi nước ngoài, những lần hành quân du đấu phục vụ bà con đã trở nên quá quen thuộc với Văn Sỹ Chi. Sau hơn 10 năm gắn bó với Thể Công, Văn Sỹ Chi về đầu quân cho Công an Thanh Hóa. Ngày ấy, vì muốn phát triển đội bóng đá của công an tỉnh nhà, Thanh Hóa làm công văn xin Thể Công và đội bóng quân đội chấp nhận.
Trong màu áo Công an Thanh Hóa tham gia giải toàn quốc, Văn Sỹ Chi ghi tới 48 bàn, trở thành "Vua phá lưới" của giải. Cống hiến cho Công an Thanh Hóa được gần chục năm, ông Chi xin nghỉ vì lúc ấy đã 40 tuổi.
Chia tay mảnh đất xứ Thanh, Văn Sỹ Chi trở về quê nhà với mong muốn bù đắp những thiếu thốn cho người vợ, sau hàng chục năm xa cách. Nhưng rồi trái bóng vẫn gắn chặt lấy Văn Sỹ Chi, khi lãnh đạo tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ đặt vấn đề mời ông về Vinh, bố trí cho nhà cửa với mong muốn ông tiếp tục cống hiến cho bóng đá tỉnh nhà. Ông lại vác ba lô, cùng vợ vào Vinh để tiếp tục sự nghiệp. Với kinh nghiệm của một cầu thủ đã từng thi đấu ở trong nước và quốc tế, Văn Sỹ Chi đã truyền đạt rất nhiều kinh nghiệm cho lứa cầu thủ trẻ xứ Nghệ. 14 năm làm công tác đào tạo trẻ ở "lò" Sông Lam, ông Chi đã có rất nhiều danh hiệu. Nhưng điều ông vui hơn cả là lứa cầu thủ do ông đào tạo đã trưởng thành và tạo lập sự nghiệp.
Ngoài tài năng, sự nghiệp lẫy lừng của bản thân, ông Chi còn được nhắc tới khi là bố, nuôi nấng đào tạo những người con tài năng. Văn Sỹ Hùng từng là tiền đạo số 1, ghi rất nhiều những bàn thắng quan trọng cho ĐTQG. Văn Sỹ Thủy gần một thập kỷ là trung phong số 1 của đội bóng xứ Nghệ. Văn Sỹ Sơn là hậu vệ thép, từng bất khả xâm phạm về vị trí ở SLNA. Ngoài ra còn Văn Sỹ Linh, cũng là một tên tuổi của bóng đá xứ Nghệ.
Sau khi giải nghệ, Văn Sỹ Hùng hiện là Giám đốc, phụ trách trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của HN.T&T chi nhánh Nghệ An, đóng ở thị xã Cửa Lò. Văn Sỹ Sơn là trợ lý số 1 tại CLB HN.T&T, đội bóng đang được xem là thế lực của bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại. Những người anh em còn lại như Văn Sỹ Ngọc, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Linh dù mỗi người mỗi nơi, say sưa với những dự án kinh doanh nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện ở nhiều giải đấu phong trào của địa phương để nhớ về một thời kỳ hào hùng.
Giờ tuổi đã cao, ông Chi không còn trực tiếp làm công tác huấn luyện nữa nhưng với kinh nghiệm và vốn kiến thức bóng đá của mình, ông vẫn là cố vấn, là chuyên gia của nhiều chương trình về thể thao tại địa phương. Với ông bây giờ, hạnh phúc là được nhìn thấy con cháu trưởng thành và chiều chiều lên sân tập Sông Lam, xem thế hệ trẻ tập luyện và thi đấu.
Như một bảo bối của niềm tin
Ông Chi nhớ lại, sau chuyến tập huấn ở Đức năm 1963, ông xin phép lãnh đạo về quê tổ chức cưới vợ. Người bạn đời của ông Chi là cô thôn nữ Nguyễn Thị Việt, người cùng quê đẹp nhất nhì xóm. Hai người quen nhau đã lâu và xác định nên duyên, nhưng vì cách trở về không gian nên yêu nhau tới gần chục năm, họ mới có cơ hội để tổ chức đám cưới.
Ngày đèo nhau trên chiếc xe đạp ở QL1, đoạn qua thị xã Hoàng Mai để đi mời đám cưới, ông và bà Việt bất ngờ khi phía trước, có một đoàn xe cả mấy chục chiếc, dừng lại và tiến về phía mình. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra, thì ông Chi trông thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ từ bước xuống và tiến lại gần chỗ mình. Bác hỏi: "Sao đám cưới mà không thông báo gì với mọi người", Đại tướng vừa đùa vừa trách. Lúc đó vì bối rối, ông Chi chỉ cười và xoa tay lên đầu. "Đại tướng là lãnh đạo cao nhất, bận trăm công nghìn việc, mình chỉ là cầu thủ đá bóng, sao dám mời về dự tiệc cưới của mình...", ông Chi chia sẻ.
Sau đó, Đại tướng đã lấy từ sau xe rất nhiều quà để tặng cho hai vợ chồng, trong đó có 2 lọ mật gấu. Bác bảo: "Chú đá bóng nên hãy dùng thứ này mà xoa bóp khi đau nhé". Lần ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang trên đường hành quân vào Nam để chuẩn bị cho một chiến dịch.
Với ông Chi, hai lọ mật gấu của Đại tướng tặng thực sự là món quà vô giá. Nó như một bảo bối giúp ông luôn vững niềm tin trong những năm tháng sự nghiệp của mình.
Kim Thoa - Phạm Phạm
Xem thêm clip Việt Nam tích cực tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích: