(ĐSPL)- Để được rời khỏi bệnh viện công, các bác sỹ ở Quảng Ngãi đã tìm đủ lý do “chính đáng” như muốn tự hành nghề để... nâng cao thu nhập và bớt đi sức ép.
Tuy nhiên, việc các bác sỹ này tìm cách "cao chạy xa bay" sau khi được vào làm ở cơ quan Nhà nước, được hỗ trợ cho đi đào tạo, học tập nâng cao tay nghề, đang mang đến cảm giác xót xa và phẫn nộ cho dư luận.
"Công anh bắt tép nuôi cò..."
Câu chuyện 35 bác sỹ đồng loạt xin nghỉ việc để được tự do, ra làm việc tại bệnh viện tư nhằm nâng cao thu nhập ở Quảng Ngãi thời gian qua đang khiến dư luận rất quan tâm và không ít người cảm thấy bức xúc. Riêng bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Ngãi, trong vòng 5 năm trở lại đây đã có 22 bác sỹ xin nghỉ việc, trong năm nay có 5 bác sỹ.
Được biết, phần lớn những bác sỹ nghỉ việc là những người có kinh nghiệm, có trình độ sau đại học, bác sỹ nội trú, chuyên khoa I, thạc sỹ và thậm chí có cả những người đang giữ chức trưởng, phó các khoa.
Những con người này đã từng thuộc diện được chú trọng đào tạo, hỗ trợ cho đi học nhằm nâng cao chuyên môn để làm nòng cốt trong khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh.
Phân tích về hiện tượng này, không ít người cho rằng, lý do mà những bác sỹ dứt áo ra đi, đầu quân cho các bệnh viện tư, tự mở phòng mạch, được cho là điều kiện công tác tại các bệnh viện tuyến dưới ở Quảng Ngãi, thu nhập không như ý muốn, sức ép công việc quá lớn và không có cơ hội tiếp cận với trang thiết bị y tế hiện đại... Bác sỹ mang "giấc mơ tỉ phú" ở các bệnh viện tư đều viết trong đơn xin nghỉ việc với lý do "không đủ sức khoẻ để công tác, nghỉ để chăm lo mẹ già".
Tuy nhiên, sau khi giải quyết xong thủ tục nghỉ việc tại các bệnh viện công lập thì những bác sỹ này bỗng dưng "khoẻ lại" và "cao chạy xa bay" đến các bệnh viện tư ở TP.HCM, Đà Nẵng và bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam để làm việc.
Thực tế, nhiều người còn thể hiện sự ủng hộ cho xu hướng "Trâu lành ra đi, trâu què ở lại", vì cơ chế hiện nay, các bác sỹ có tay nghề kém mới không tìm được việc ở các cơ sở y tế ngoài công lập nên ở lại bám bệnh viện công. Thậm chí một bác sỹ trẻ tên là Nguyễn Thị Thúy đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình "cứ cái kiểu "trên đe, dưới búa" thế này thì bác sỹ còn bỏ nghề ra ngoài làm nhiều. Trên không coi trọng, bệnh nhân thì coi thường, dọa nạt, lương không đủ mua sữa, bỉm cho con, thử hỏi có ai chuyên tâm làm bác sỹ y đức được không?".
Tuy nhiên với những quan điểm cực đoan như thế thì bác sỹ cống hiến lâu năm trong ngành không tán thành, bác sỹ Lê Quốc Tín, công tác tại Sơn La, một địa phương còn khó khăn hơn Quảng Ngãi lại cho rằng: "Lương bác sỹ theo quy định chung của Nhà nước, cũng không đến nỗi nào, tương đương với lương giáo viên, quân đội. Chính sách đãi ngộ cho ngành y của tỉnh Quảng Ngãi như thế là được rồi, như chúng tôi đầy đủ bằng cấp từ trước, vẫn vui vẻ làm việc, y đức mà. Không muốn làm tại bệnh viện công thì nên thẳng thắn từ đầu. Chứ kiểu lợi dụng chính sách Nhà nước cho đi học nâng cao, đào tạo chuyên khoa, đến khi "đủ lông, đủ cánh" để "cao chạy xa bay" là thiếu đạo đức chứ chưa nói đến lương y".
|
Các bác sỹ phải hiểu được, nếu đòi hỏi phải trả thu nhập cao thì lấy đâu tiền. ảnh chỉ có tính minh họa. |
Sao lại “rũ áo ra đi”?
Những cuộc "đào thoát tập thể" để rũ bỏ bệnh nhân nghèo của những người được ví là từ mẫu mang áo blu trắng ở Quảng Ngãi khiến nhiều người cảm thấy thất vọng cho cái gọi là trách nhiệm công dân trong khám, chữa bệnh của những bác sỹ này. Nhiều người đã tự đặt câu hỏi, tại sao khi mới ra trường, bác sỹ trẻ lại mong được vào bệnh viện công làm việc. Tuy nhiên, đến khi "đủ lông đủ cánh", một số bác sỹ viện đủ lý do để dứt áo ra đi và còn không ít người bộc lộ thái độ bất mãn về chính sách, chế độ đãi ngộ.
Trong vụ việc đồng loạt các bác sỹ bỏ việc ở Quảng Ngãi, khi tìm hiểu về chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế của địa phương này, cho thấy rằng, nhiều năm trở lại đây chính quyền tỉnh đã cố gắng thu xếp chế độ đãi ngộ hợp lý cho các y, bác sỹ, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác.
Thậm chí, khi so sánh với nhiều tỉnh, thành khác, bác sỹ trẻ ở Quảng Ngãi còn nhận được nhiều ưu đãi hơn. Cụ thể, bác sỹ mới ra trường, về công tác ở tỉnh sẽ hưởng đãi ngộ 200 đến 250 triệu đồng. Ngoài việc hưởng lương theo quy định của Nhà nước, các chức danh như giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa II (chuyên ngành sản phụ khoa) được hỗ trợ một lần từ 300 đến 350 triệu đồng; tiến sỹ các chuyên ngành khác, thạc sỹ y khoa, bác sỹ chuyên khoa I, bác sỹ nội trú (chuyên ngành sản phụ khoa) 250 triệu đồng. Đối với bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa I, bác sỹ nội trú hay bác sỹ, dược sỹ đại học (tốt nghiệp khá, giỏi) được hỗ trợ từ 200 đến 230 triệu đồng.
Theo kế hoạch đầu năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu áp dụng chính sách đãi ngộ đối với các bác sỹ, dược sỹ đại học và trình độ sau đại học chuyên ngành y dược công tác lâu năm tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, ngoài việc hưởng lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách theo quy định, họ còn được hưởng mức phụ cấp từ 0,7 đến hai lần mức lương cơ sở (tăng thêm từ 800.000 đến 2,3 triệu đồng) mỗi tháng. Tỉnh cũng đã chi 30 tỉ đồng để hỗ trợ trang thiết bị y tế thiết yếu cho bệnh viện đa khoa tỉnh nhằm tạo môi trường tốt cho bác sỹ làm việc.
Nhiều ý kiến cho rằng, một tỉnh còn nghèo như tỉnh Quảng Ngãi, trong bối cảnh người dân còn thu nhập thấp. Thậm chí, nhiều huỵện miền núi người dân còn thiếu ăn, thậm chí ăn "gạo mốc" để trừ bữa nhưng vẫn cố gắng để nâng cao đời sống của đội ngũ y, bác sỹ như trên là một sự cố gắng rất lớn cần được ghi nhận. Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ĐBQH Đào Trọng Thi cho rằng, các chính sách y tế của tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua là một sự cố gắng quá lớn. Chưa thấy nhiều địa phương có ưu đãi tiền mặt đến cả vài trăm triệu đồng như vậy đối với một bác sỹ mới ra trường và có những chính sách đãi ngộ lớn đối với các bác sỹ lâu năm. Trong bối cảnh, ở những địa phương còn nghèo như ở Quảng Ngãi, thu nhập mặt bằng của người dân thấp, thì những nỗ lực trên là một sự cố gắng lớn. Các bác sỹ phải hiểu được, đòi hỏi phải trả thu nhập cao thì lấy đâu ra tiền?
Cũng như ĐBQH Đào Trọng Thi, ĐBQH Lê Văn Cuông cho rằng, các bác sỹ ở Quảng Ngãi bỏ việc, chuyển làm việc ở bệnh viện tư chứ không phải bỏ việc vĩnh viễn. Vì vậy, không thể nói do áp lực của xã hội lên ngành y tế nói chung và y đức nói riêng quá lớn khiến họ không thể đối diện được. Có một thực tế hiện nay là thu nhập cao tạo sức hút rất lớn đối với lao động trong mọi lĩnh vực. Với cuộc sống hiện tại, sẽ là rất khó để hy vọng ở mỗi con người sự hy sinh nào đó.
|
ĐBQH Đào Trọng Thi. |
Bác sỹ không phải là thiên tài mà đòi hỏi đãi ngộ đặc biệt
ĐBQH Đào Trọng Thi phân tích: Xét về tổng thể, trình độ bác sỹ cũng tương đương trình độ cử nhân. Nếu chỉ tăng lương 10\% thôi, ngân sách của Nhà nước đã phình rất lớn và lấy đâu ra? Chỉ tăng cho bác sỹ, giáo viên cũng đòi hỏi thì biết xử lý thế nào? Bác sỹ trình độ cũng chỉ ở mức độ đại trà không phải là thiên tài mà đòi hỏi sự đãi ngộ đặc biệt.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bac-sy-quay-lung-voi-benh-vien-cong-qua-cau-rut-van-a44642.html