Theo dự thảo đối với nhân viên đường sắt, là nam phải khám sinh dục nếu bị tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo, dương vật phải can thiệp... sẽ không đủ điều kiện cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu. Dự thảo này gây ra nhiều tranh cãi.
Một loạt các quy định tiêu chuẩn về sức khỏe tại Dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vẫn đang được tranh luận sôi nổi trong mấy ngày qua.
Mới đây, trong Dự thảo lần 1 của Bộ Y tế chủ trì xây dựng về khám sức khỏe lái tàu quy định nhân viên đường sắt quy định về nhân viên đường sắt là nam phải khám sinh dục, còn nữ gác chắn tàu phải có "vòng 1" trên 75cm. Dự thảo này hiện nay gây rất nhiều tranh cãi.
Ngoài các vấn đề về sức khỏe như chiều cao cân nặng, dự thảo lần này còn có các vấn đề khác cần khám như mắt, tai mũi họng, tim, phổi, máu, răng hàm mặt, hệt tiêu hóa... và hệ tiết niệu – sinh dục cũng được đặt ra. Cụ thể, nếu nam giới bị tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo, dương vật phải can thiệp... sẽ không đủ điều kiện cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu.
Còn với nữ giới, ứng viên sẽ không đủ tiêu chuẩn cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu nếu mắc các bệnh sa âm đạo, tử cung, biểu hiện viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng với các cơ quan bên cạnh điều trị không kết quả, rong kinh, băng kinh, đa kinh, mổ lấy thai, u xơ tử cung chưa mổ hoặc đã mổ...
Ảnh minh họa. |
Sau khi đọc thông tin lái tàu nam không bị thiếu tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, bác sĩ Nam khoa Nguyễn Khắc Lợi – Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho rằng đây là quy định “buồn cười” không thực tế bởi sức khỏe nam giới không liên quan gì tới tinh hoàn ẩn.
Theo bác sĩ Lợi, tinh hoàn ẩn ở nam giới chỉ ảnh hưởng tới việc sinh con hoặc để quá lâu có thể bị ung thư hóa và việc hạ tinh hoàn ẩn hiện nay cũng đơn giản chỉ qua mổ nội soi là có thể hạ được tinh hoàn ẩn và không ảnh hưởng tới công việc của người bị.
Cũng theo bác sĩ Lợi, tinh hoàn ẩn hay còn lạc chỗ là do bẩm sinh. Từ khi bé còn là bào thai, tinh hoàn hình thành tại hai bên chậu hông và trong quá trình phát triển theo ống bẹn tụt dần xuống bìu từ tuần thứ 29, 30 của thai kỳ. Nếu trẻ sinh ra tinh hoàn vẫn nằm trong ổ bụng và không xuống được thì không có khả năng sinh tinh dù cho nó vẫn có khả năng chế tiết testosterol.
Tinh hoàn ẩn cần được phát hiện sớm và điều trị khi bé được một tuổi. Sau một tuổi, tinh hoàn ẩn không thể tự di chuyển xuống được mà bắt đầu có sự thay đổi về cấu trúc và chức năng theo hướng xấu đi.
Một số quy định trong dự thảo |
Về vấn đề này, ông Phạm Thành Lâm, Cục Phó Cục Y tế Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) giải thích: Khi xây dựng dự thảo, đã có cả hội đồng gồm Cục Y tế Giao thông Vận tải, Tổng Công ty đường sắt VN, Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải, Trung tâm y tế Đường sắt cùng soạn thảo. Ngoài ra, ban soạn thảo cũng học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Một số tiêu chí đang gây tranh luận như răng vẩu, ngực lép, hệ sinh dục... sẽ được giải thích cụ thể. Có thể người dân đang hiểu chung chung. Ví dụ, những tiêu chí như độ lệch khớp cắn giữa hai hàm răng lớn, hay nữ giới đã mổ lấy thai trên hai lần, người ngực lép... trong dự thảo thuộc nhóm không đủ tiêu chuẩn sức khỏe, ban soạn thảo có thể sẽ đưa vào nhóm đủ tiêu chuẩn nếu vết mổ (nữ giới mổ lấy thai trên 2 lần) tốt; Ngực lép là độ nở, co giãn của hệ hô hấp, có thể người dân đang hiểu là vòng ngực đo như bình thường...
Đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng: Đây là dự thảo lần 1. Hiện đã có bộ tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy. Đối với ngành đường sắt đây là dự thảo lần đầu nên sẽ còn thay đổi. Ban soạn thảo sẽ tham khảo ý kiến đóng góp của người dân để xây dựng một bản hoàn chỉnh quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Trong tuần này, một cuộc họp sẽ được diễn ra và sẽ có nhiều ý kiến đóng góp. Những đóng góp của người dân trong thời gian qua rất hữu ích để ban biên soạn chỉnh sửa cho hợp lý.
Trước đó, Bộ Y tế đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Theo đó, quy định này hướng dẫn khám sức khỏe cho các chức danh của ngành đường sắt như lái tàu, phụ lái tàu, trưởng tàu, trực ban chạy tàu ga, điều độ chạy tàu, nhân viên gác ghi, nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe… yêu cầu khám 13 mục như: mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, tim, phổi, máu, hệ tiêu hóa, tâm thần, hệ tuần hoàn, hệ sinh dục, ngoài da - da liễu, nội tiết, u các loại và ngoại hình. Đặc biệt, với những hạng mục liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục có các chỉ số cụ thể như: tràn dịch tinh hoàn nam; rò bàng quang âm đạo, các biểu hiện viêm, viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng; u nang buồng trứng, trĩ, ruột thừa... Do đó, theo dự thảo này, Bộ Y tế yêu cầu khám tuyển đầu vào lái tàu, phụ lái tàu, loại các trường hợp bị tràn dịch màng tinh hoàn, bệnh đường niệu đạo - dương vật phải can thiệp phẫu thuật. Nữ giới là trưởng tàu, trực ban chạy tàu, nhân viên gác ghi, điều độ chạy tàu phải cao từ 1,53 m, cân nặng 45 kg, vòng ngực trung bình từ 75 cm trở lên. Nam, nữ nhân viên tuần đường, gác chắn cũng phải đạt các chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực. Ở nhóm bệnh ngoài da, dự thảo này quy định các bệnh viêm da, ghẻ có biến chứng, sạm da từ độ 2 trở lên thuộc nhóm không đủ điều kiện sức khỏe để tuyển dụng. |
Mỹ An (T/h)