Mới đây, một bà mẹ tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã đăng tải thắc mắc về một bài tập toán của con lên mạng xã hội. Nhanh như một cơn gió, bài đăng của phụ huynh này đã "gây bão" mạng xã hội.
Theo đó, đề bài yêu cầu phân tích một biểu đồ nhiệt độ của một người giảm từ 39,5 độ C xuống 36,7 độ C trong 3 ngày, với câu hỏi: "Em có thể thu thập thông tin gì từ biểu đồ?". Cậu bé đã trả lời: "Bệnh nhân sắp khỏi bệnh".
Giáo viên cho rằng câu trả lời của cậu bé là không chính xác và trừ 4 điểm. Sau khi mẹ cậu bé chia sẻ bài kiểm tra lên mạng, các bác sĩ Trung Quốc đã đồng loạt lên tiếng, yêu cầu giáo viên "trả lại 4 điểm" cho cậu bé. Nhiều chuyên gia y tế đã thể hiện sự ủng hộ bằng cách đăng ảnh mặc áo blouse trắng hoặc cầm chứng chỉ hành nghề để khẳng định chuyên môn của mình.
Về lý do, đa số ý kiến cho rằng, vào ngày cuối cùng trong biểu đồ, nhiệt độ cơ thể bệnh nhân đã trở về mức tương đối ổn định là 36,7 - 37 độ C, đây là ngưỡng nhiệt độ bình thường (một số người có thể có thân nhiệt ổn định ở mức 36,7 độ thay vì 37 độ). Do đó, câu trả lời "bệnh nhân này sắp khỏe lại rồi" của học sinh là hoàn toàn có cơ sở.
Nhiều người tò mò về đáp án tiêu chuẩn của giáo viên, và người mẹ cho biết đó là "Ngày cuối cùng, thân nhiệt của bệnh nhân tương đối ổn định". Đáp án này khiến các y bác sĩ càng thêm không hài lòng vì cho rằng nó quá chung chung, thậm chí còn không hợp lý bằng câu trả lời của học sinh. Hơn nữa, đây là một bài toán thực tế nên không nên có một đáp án tiêu chuẩn duy nhất.
Không chỉ ngành y, ngành giáo dục cũng dậy sóng trước sự việc này. Dưới bài đăng của người mẹ, nhiều cư dân mạng là giáo viên đã tham gia tranh luận. Một giáo viên Trung Quốc cho biết, bài toán biểu đồ đường thường dành cho học sinh lớp 5, nhưng học sinh lớp 1 đã được làm quen với kiến thức thống kê cơ bản. Mục tiêu của dạng bài này là giúp học sinh nhận biết xu hướng thay đổi và đưa ra kết luận từ các con số.
Đối với câu hỏi về thông tin rút ra từ biểu đồ nhiệt độ cơ thể, nếu học sinh chỉ kết luận "bệnh nhân sắp khỏe lại rồi" mà không đưa ra bằng chứng số liệu về sự thay đổi nhiệt độ (ví dụ: mức độ giảm nhiệt, sự ổn định trong những ngày qua...), thì câu trả lời chưa hoàn toàn đầy đủ.
Trong toán học, học sinh cần trau dồi tư duy logic chặt chẽ và biểu hiện toán học chính xác. Do đó, giáo viên đã trừ 4 điểm bởi lý do học sinh chưa đưa ra số liệu mà em đã quan sát được từ biểu đồ đường nhiệt độ cơ thể, mà mọi kết luận chỉ dựa trên cảm tính cá nhân.
Nói một cách đơn giản hơn, đó là một bài toán ứng dụng, học sinh không thể chỉ đưa ra kết quả mà không có diễn giải bằng số học. Những bài toán thực tế thế này có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh bởi nó không chỉ giúp các em nâng cao trình độ toán học mà còn nâng cao hiểu biết về mối liên hệ giữa toán học và cuộc sống.
Nhìn một cách khách quan, quan điểm của bác sĩ không sai mà việc cô giáo trừ 4 điểm của học sinh cũng không quá khó hiểu.