Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn do cơ thể tự sản sinh ra những chất gây đau. Bệnh diễn biến mãn tính và phức tạp với nhiều triệu chứng khác nhau tại khớp, ngoài khớp và toàn thân.
Cùng Bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tìm hiểu quá trình diễn tiến bệnh viêm khớp dạng thấp.
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm khớp hệ thống và toàn thân, do rối loạn hệ miễn dịch, tiến triển mãn tính nặng dần, gây ra đau đớn và thậm chí tàn phế. Bệnh tấn công chủ yếu tại các khớp ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể. Bệnh thường diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề. Vì vậy bệnh nhân cần được điều trị sớm bằng các biện pháp thích hợp để làm giảm và làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế nguy cơ tàn phế và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
- Yếu tố khởi phát: Chưa được xác minh chính xác, có nhiều giả thiết cho rằng có thể do virus.
- Cơ địa: Thường gặp hơn ở nữ giới với độ tuổi mắc bệnh trên 30 tuổi.
- Tính di truyền: Trong gia đình có bố mẹ bị viêm khớp dạng thấp thì con có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Yếu tố thuận lợi: Thể trạng suy yếu, sau sang chấn, sinh đẻ, chịu lạnh ẩm kéo dài.
Diễn biến viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp thường khó phát hiện vì những triệu chứng ban đầu của bệnh thường khá mơ hồ, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh viêm khớp khác cũng có biểu hiện tương tự. Vì vậy, bệnh nhân khi thấy có một trong các triệu chứng sau đây cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán phù hợp.
Thời kỳ khởi phát
Bác sĩ giảng viên Y sĩ đa khoa Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ bệnh nhân bắt đầu các triệu chứng một cách từ từ, tăng dần, một số xuất hiện đột ngột với dấu hiệu viêm cấp, đa số viêm một khớp tại các khớp bàn tay và khớp gối. Thời kỳ khởi phát kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, sau đó chuyển qua giai đoạn toàn phát.
Thời kỳ toàn phát
- Vị trí viêm: Đầu tiên xuất hiện sớm là viêm các khớp ở chi. Các triệu chứng đến muộn hơn ở các khớp như khuỷu, vai, háng, đốt sống cổ, ...
- Đối xứng: Tình trạng viêm thường ở 2 khớp đối xứng nhau như ở hai đầu gối, hai ngón tay tương ứng.
- Cứng khớp vào buổi sáng, ngủ dậy không thể vận động được ngay mà phải xoay khớp hoặc xoa bóp mới có thể xuống giường.
- Cơn đau khớp xuất hiện thường xuyên, nhất là ở các khớp nhỏ. Các khớp bị viêm đau, có thể sưng, ít nóng đỏ.
- Trong giai đoạn muộn, các ngón tay có hình thoi do tình trạng viêm sưng.
- Biến dạng khớp đặc trưng thường xuất hiện chậm hơn.
Những biểu hiện toàn thân
Biểu hiện toàn thân của viêm khớp dạng thấp rất đa dạng, bệnh nhân có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Thể trạng gầy sút, mệt mỏi, ăn uống kém, ngủ không ngon, da và niêm mạc nhợt nhạt.
- Xuất hiện các hạt dưới da ở xương trụ, xương chày và quanh khớp cổ tay. Các hạt có đường kính khoảng từ 5 - 15 mm, nổi lên trên mặt da, cứng chắc, không đau, không di động.
- Bao khớp phình to do viêm sưng.
- Ban đỏ gan bàn chân và lòng bàn tay do hiện tượng viêm mao mạch.
- Teo cơ ở vùng quanh khớp tổn thương do giảm vận động lâu ngày.
- Viêm gân và bao hoạt dịch quanh khớp.
- Dây chằng khớp viêm co kéo hoặc giãn, khiến cho khớp trở nên lỏng lẻo.
Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp còn gây ra một số biểu hiện ở các cơ quan khác hiếm gặp hơn, như tràn dịch màng tim, tràn dịch màng phổi, xương mất chất vôi (dễ dẫn đến gãy tự nhiên), rối loạn thần kinh thực vật, ...
Biến chứng của viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp cần được chữa trị sớm, toàn diện, theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, việc điều trị thường gặp nhiều khó khăn do bệnh tiến triển khá nhanh, rất khó điều trị dứt điểm và thường gây ra nhiều biến chứng nặng nề ở các khớp xương cũng như nhiều cơ quan khác trên cơ thể:
- Mất khả năng lao động: hạn chế khả năng vận động, giảm sức đề kháng cơ thể, đau đớn kéo dài ngày càng nghiêm trọng, …
- Nguy cơ tàn phế: Viêm khớp dạng thấp lâu ngày có thể dẫn tới teo cơ, dính khớp, biến dạng khớp, thậm chí gây ra tàn phế. Đa phần người bệnh gặp phải tình trạng cứng khớp, bàn tay khó cầm nắm, khó đi lại sau 10 năm khởi phát bệnh.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và xảy ra biến chứng tim mạch, đe dọa tử vong nếu không được theo dõi chặt chẽ.
- Ảnh hưởng đến khả năng mang thai: Khoảng 1/4 phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp gặp khó khăn trong việc thụ thai.
Phòng ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp
Chủ động cải thiện sức khỏe chung là cách phòng bệnh viêm khớp dạng thấp tốt nhất: Tích cực vận động thể thao, dinh dưỡng hợp lý (giảm chất bột, đường, tăng cường chất xơ từ rau quả), điều trị các bệnh lý kèm theo. Khi có dấu hiệu sưng đau khớp, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế Bệnh chuyên khoa để thăm khám và điều trị chính xác, tránh việc dùng thuốc bừa bãi, không rõ nguồn gốc, thuốc truyền miệng, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả điều trị.
Chi Mai