Viêm thanh quản cấp là tình trạng niêm mạc thanh quản bị tổn thương do nhiễm vi khuẩn, virus, thường hay gặp ở trẻ nhỏ vào mùa lạnh.
Những trường hợp viêm thanh quản mức độ nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Cùng Bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tìm hiểu bệnh viêm thanh quản cấp ở trẻ em.
Nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp
Tác nhân gây bệnh
Virus thường gặp: Influenzae (cúm), APC, ...
Vi khuẩn: S. pneumoniae (phế cầu), Hemophilus influenzae, …
Điều kiện thuận lợi
Sau một thời gian viêm đường hô hấp trên: bệnh mũi xoang, bệnh phổi, bệnh họng amidan, VA ở trẻ em.
Sử dụng giọng gắng sức: nói nhiều, hét, hát to, ...
Trào ngược họng, thanh quản.
Dị ứng.
Viêm thanh quản cấp ở trẻ có nguy hiểm không
Bệnh viêm thanh quản cấp ở trẻ em thường diễn biến trong vòng 5 - 7 ngày rồi tự khỏi nếu không xảy ra biến chứng, đặc biệt là những biến chứng bội nhiễm dẫn đến đồng mắc những bệnh nhiễm khuẩn khác, làm cho sức đề kháng của trẻ giảm sút trầm trọng như viêm tai, viêm phổi, ... Vì vậy cha mẹ cần phải theo dõi sát các dấu hiệu bệnh của trẻ, đặc biệt là các dấu hiệu của biến chứng như đau tai, chảy dịch ở tai, khó thở tăng dần, ...
Viêm thanh quản cấp ở trẻ em thường diễn biến khá nguy hiểm, do đặc điểm ở trẻ có hiện tượng phù nề dữ dội, trong khi kích thước đường thở lại nhỏ, chỉ bằng 1/3 so với người lớn, các tổ chức liên kết ở vùng này lại khá lỏng lẻo nên dễ gây khó thở nặng và tử vong ở trẻ em. Đôi khi quá trình viêm thanh quản cấp sẽ tạo nên những ổ áp xe rồi vỡ, loét do bội nhiễm làm mủ tràn xuống khí - phế quản dẫn đến viêm khí - phế quản, nặng hơn là viêm phổi.
Ngoài ra, quá trình phù nề từ hạ thanh môn lan nhanh xuống khí - phế quản, đồng thời niêm mạc đường hô hấp dưới xuất tiết nhiều dịch nhầy đặc quánh, làm tắc lòng khí - phế quản gây ra chứng khó thở. Lúc này, trẻ thường đột ngột sốt cao và khó thở nặng, nhịp thở nhanh, thở ậm ạch, nghe có ran ở phổi. Bệnh diễn biến rất nhanh và thường gây tử vong sau 24 giờ nếu không được điều trị.
Khi nào cần cho trẻ nhập viện
Bệnh tiến triển khá bất thường, nếu diễn biến theo chiều hướng tốt, khó thở sẽ tự thuyên giảm sau vài ngày. Trong trường hợp xấu, tình trạng khó thở ngày càng tăng và trẻ sẽ tử vong trong vòng 24 giờ nếu không được xử trí kịp thời. Cơn khó thở của trẻ có thể chia ra thành 3 cấp độ:
Cấp độ nhẹ: trẻ bị ho, khàn tiếng, có tiếng thở rít khi khóc, tiếng khóc khàn. Ở giai đoạn này, trẻ chưa cần phải nhập viện, tuy nhiên phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bệnh để bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi bệnh và điều trị tại nhà.
Cấp độ trung bình: trẻ thở rít ngay cả khi nằm yên, khó thở, nhịp thở nhanh. Khi nhận thấy những biểu hiện này, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được Bác sĩ chuẩn đoán và điều trị sớm.
Cấp độ nặng: trẻ thở rít khi nằm yên, khó thở nặng, trẻ kích thích, vật vã, da tím tái. Đây là những biểu hiện cho thấy trẻ bị tắc nghẽn hô hấp nặng, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Tóm lại, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ có các biểu hiện:
Tiếng thở rít tăng dần, xuất hiện cả khi trẻ nằm yên.
Xuất hiện các dấu hiệu khó thở, nhịp thở bất thường, phập phồng cánh mũi.
Trẻ cảm thấy mệt nhiều.
Trẻ có biểu hiện há miệng khi thở và chảy nước miếng.
Sốt cao trên 39 oC, môi khô, lưỡi bẩn, chảy dịch ở tai (nghi ngờ bội nhiễm).
Cơn khó thở thanh quản không giảm sau 3 ngày điều trị tại nhà.
Nguyên tắc điều trị
Đối với trẻ nhỏ, viêm thanh quản cấp có thể gây khó thở trầm trọng nên cần được bác sĩ khám và theo dõi. Cơn khó thở thanh quản mức độ nhẹ thường thuyên giảm trong vòng ba ngày nếu được chăm sóc và theo dõi cẩn thận tại nhà. Nên cho trẻ uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời lưu ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Chăm sóc trẻ bị viêm thanh quản cấp
Trấn an trẻ đang sợ hãi. Tạo môi trường yên tĩnh để trẻ được nghỉ ngơi, kiêng nói, tránh la khóc, gắng sức.
Cho trẻ uống nhiều nước ấm, tránh sử dụng các gia vị kích thích như ớt, tiêu trong chế biến thức ăn. Cho trẻ uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Đồng thời bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Mẹ có thể giúp trẻ làm giảm các triệu chứng khó chịu bằng cách đắp khăn nhúng nước ấm rồi vắt cho kiệt nước, đắp trước cổ trẻ khi khăn còn ấm nóng. Xông hơi trong phòng ngủ với tinh dầu thơm để thông mũi trẻ, nhỏ thuốc ngạt mũi, súc họng, ... giúp trẻ giảm đau, giảm ho và viêm họng.
Theo dõi các triệu chứng bệnh của trẻ, đặc biệt chú ý đến hơi thở, thân nhiệt, tổng trạng của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế khi tình trạng của trẻ chuyến xấu.
Trên đây là những chia sẻ của Bác sĩ giảng viên Điều dưỡng đa khoa Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chúc các bạn có một sức khỏe tốt.
Thanh Nga