(ĐSPL) - Mới đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và ngay cả các doanh nghiệp FDI "sốc" khi UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định ưu đã "vượt trần" cho "đại gia" Samsung. Theo đó, số tiền hỗ trợ lên đến gần 300 tỉ đồng. Vẫn biết, với sự "biệt đãi" này, Bắc Ninh kỳ vọng nhiều như thế nào ở Samsung. Tuy nhiên, nhìn vào sự đó, các doanh nghiệp cảm thấy "tủi thân" vì quá bất công!
Biệt đãi "con nuôi"?
Theo thông tin phát đi từ UBND tỉnh Bắc Ninh, địa phương này đã ký quyết định hỗ trợ ngân sách xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Yên Phong 1 (khu công nghiệp mà tập đoàn Samsung đang đầu tư Samsung Display). Theo đó, số tiền hỗ trợ dự kiến vào khoảng 298,9 tỉ đồng. Cụ thể, hỗ trợ 50\% phí sử dụng hạ tầng cho 46,28ha đất dự án, kinh phí đào tạo lao động là người dân của tỉnh là 1,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, sau khi hết thời hạn miễn giảm theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn 4 năm và giảm 50\% trong 9 năm tiếp theo), Samsung Display sẽ được giảm tiếp 50\% thuế này cho 3 năm tiếp theo.
Nhiều người cảm thấy bất ngờ về việc "đại gia" Samsung được Bắc Ninh "biệt đãi". |
Trao đổi với PV báo Đời Sống và Pháp Luật, ông Nguyễn Quốc Chung, Giám đốc sở KH&ĐT Bắc Ninh khẳng định: "Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn chỉ có Samsung nhận được những ưu đãi "vượt trần" như vậy và những quyết định này đều được Chính phủ thông qua. Các khoản thuế miễn giảm không ảnh hưởng nhiều đến địa phương, kỳ vọng quan trọng của chúng tôi là Bắc Ninh sẽ trở thành trung tâm điện tử của cả nước, có sức lan tỏa, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp hỗ trợ xung quanh. Bên cạnh đó cũng là nhằm xây dựng thương hiệu cho Bắc Ninh, thu hút những tập đoàn lớn khác tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển kim ngạch hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực này".
Cũng theo vị Giám đốc sở KH&ĐT Bắc Ninh, hiện nay, doanh nghiệp đến từ "xứ Hàn" đã tạo công ăn việc làm cho 4.000 công nhân, nếu Samsung Display đạt công suất lao động tối đa sẽ thu hút được khoảng 20.000 công nhân bản địa. Được biết, ngoài Bắc Ninh, Samsung cũng khẳng định sẽ đầu tư dự án 1 tỉ USD tại TP.HCM. Và, dự án này cũng sẽ được hưởng "biệt đãi" như miễn thuế 4 năm đầu và giảm 50\% trong 9 năm tiếp theo, giảm tiếp 50\% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm sau khi các ưu đãi trên hết hạn. Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp này tiền thuê đất, chi phí đào tạo nhân công...
Trước đây không lâu, dư luận cả nước cũng khá bất ngờ khi một công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khác được hưởng sự ưu đãi theo các chuyên gia đánh giá là "vô tiền khoáng hậu". Đó là "đại gia" khai thác vàng Besra Việt Nam. Mặc dù khai thác được đến gần 7 tấn vàng nhưng doanh nghiệp này vẫn "chây ỳ" trong việc thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến thuế. Để "né" thuế, họ đã đưa ra mọi lý lẽ, dùng đủ biện pháp như cho công ty với hơn 1.000 cán bộ, công nhân (có thời điểm lên đến 1.500 người) dừng hoạt động.
Khi thấy Besra chây ỳ, nhiều ý kiến cho rằng, đây là hậu quả của việc doanh nghiệp này đã được Việt Nam mà cụ thể là chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Nam, cơ quan thuế Quảng Nam quá ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi ngay từ ngày đầu đi vào hoạt động khai thác vàng.
Doanh nghiệp nội thua thiệt trên sân nhà?
Trao đổi với PV báo Đời Sống và Pháp Luật về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc Bắc Ninh có sự ưu đãi "vượt trần" với Samsung có thể thấy kỳ vọng của địa phương với "ông lớn" ngành điện tử như thế nào. Trong tình hình khó khăn của Việt Nam nói chung, Bắc Ninh nói riêng, để thu hút được một dự án mới có kinh phí đầu tư lớn, việc địa phương phải đưa ra chính sách hấp dẫn như thế cũng là điều dễ hiểu.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. |
Tuy nhiên, Samsung đã vào Việt Nam khá lâu, đây là trường hợp dự án mở rộng mà vẫn có sự "biệt đãi" như vậy thì cần phải xem xét lại. Việc ưu đãi quá mức này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nội, mà ngay cả doanh nghiệp FDI khác phản ứng. "Tôi không khuyến khích việc "trọng" bên này "nhẹ" bên kia. Bởi các doanh nghiệp cần được sự cạnh tranh một cách công bằng. Ai có thể biết được, vụ Samsung sẽ là một tiền lệ để các doanh nghiệp FDI lên tiếng đòi các địa phương phải có sự ưu đãi như Bắc Ninh đã làm?", ông Phong bình luận.
Cùng quan điểm, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, đại học KTQD Hà Nội cho rằng, việc UBND tỉnh Bắc Ninh ưu đãi có thể tạo ra hậu quả về sự cạnh tranh không lành mạnh, "hy sinh" quyền lợi của địa phương để nhận được dự án đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, sau lần này, các doanh nghiệp ngoại sẽ được cớ đặt điều kiện và gây sức ép với địa phương. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI nổi tiếng trốn thuế, chuyển giá, chây ỳ nợ thuế. Phải chăng, sau vụ doanh nghiệp vàng Besra được bộ Tài chính, Tổng cục Thuế hủy quyết định truy thu thuế và Samsung được hưởng "biệt đãi" từ Bắc Ninh sẽ khiến cho các "đại gia" ngoại quốc có thêm "động lực" để đòi hỏi, chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Đây là điều cần phải xem xét lại.
Theo GS.TS Đặng Đình Đào, trước đây không lâu, đã có những doanh nghiệp ứng xử mang tính chất đòi hỏi như trường hợp Besra liên quan đến hai công ty vàng Bồng Miêu, Phước Sơn (Quảng Nam). Besra khai thác và xuất khẩu 7 tấn vàng nhưng vẫn kêu lỗ, đã được hủy quyết định truy thu thuế từ bộ Tài chính, tổng cục Thuế với số tiền 300 tỉ đồng sau đó lại tiếp tục xin ưu đãi không nộp 250 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường và các loại thuế phí khác. Điều này gây ra sự phản ứng trong doanh nghiệp và dư luận.
Ở góc nhìn khác, trao đổi với PV báo Đời Sống và Pháp Luật, giám đốc một doanh nghiệp cơ khí cho rằng, hiện nay hơn 90\% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ và chỉ nhận được sự ưu đãi rất hạn chế từ Chính phủ và các địa phương. Trong khi nhiều "đại gia" nước ngoài vốn đã "nứt đố đổ vách" vẫn được miễn thuế, ưu đãi từ đầu đến chân thì doanh nghiệp trong nước phải tự thân vận động, trầy trật trong sự khó khăn chung của toàn cầu. "Vẫn biết, các "ông lớn" 100\% vốn đầu tư nước ngoài có tầm ảnh hưởng, quy mô, cung cấp việc làm, tác động kinh tế địa phương là rất cao nhưng cũng không nhất thiết phải có sự ưu đãi lớn đến như vậy. Bởi nhìn vào đó, nhiều doanh nghiệp nội sẽ cảm thấy bất công bằng và thua thảm ngay trên sân nhà", vị giám đốc này bày tỏ.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, ở một số nước có cơ cấu doanh nghiệp nhỏ như Đức, các nhà "làm luật" xác định rõ 95\% số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước sẽ được ưu đãi để phát triển. Vì nếu nhóm này phát triển sẽ có đóng góp vào ngân sách nhiều hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài đem lại. ở các nước phát triển trên thế giới đều ưu tiên cho doanh nghiệp nội phát triển để phát huy nội lực của đất nước. Bởi đó là những doanh nghiệp nòng cốt trong sự phát triển của đất nước. Trong khi đó, Việt Nam vì muốn thu hút FDI bằng mọi cách nên đưa ra nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp ngoại khiến doanh nghiệp nội "ngậm ngùi".
Lạm dụng ưu đãi để thu hút FDI Theo TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng bộ KH&ĐT, lâu nay, nhiều tỉnh, thành phố đã lạm dụng ưu đãi, miễn là thu hút được FDI mà không tính đến hiệu quả kinh tế- xã hội của địa phương. Thậm chí, họ miễn giảm tiền thuê đất đến mức UBND tỉnh phải vay tiền nhà đầu tư để trả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng mà không biết liệu khi dự án đầu tư đi vào hoạt động thì thu ngân sách địa phương có đảm bảo hoàn lại không. Cái họ nhận được là việc các doanh nghiệp FDI không tôn trọng quyền hợp pháp của người lao động về giờ làm việc, tiền lương, tiền thuế. Đây là vấn đề mà các nhà làm chính sách cần phải nhìn nhận lại một cách thẳng thắn. |