Thông tin trên được ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cung cấp khi trả lời báo Đời sống & Pháp luật về “Chính phủ kiến tạo phát triển” theo tinh thần của Nghị quyết 100/NQ-CP.
Chủ trương xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc "Chính phủ kiến tạo phát triển" được Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khởi xướng tại hội nghị cải cách hành chính năm ngoái, đang được thực hiện tích tực tại các địa phương và nhận được sự quan tâm đồng tình của dư luận.
Sau hơn một năm thực hiện chủ trương, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đã có cuộc phỏng vấn trả lời về tình hình triển khai thực hiện nguyên tắc: "Chính phủ kiến tạo phát triển" tại địa phương này.
PV: Cần hiểu về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” như thế nào cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết 100/NQ-CP?
Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Chính phủ kiến tạo phát triển đó là đổi mới phương thức trong quản lý từ cách làm cũ chuyển sang cách làm mới tiến tới xây dựng bộ máy hành chính nhà nước ngày càng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực , hiệu quả vì mục tiêu phục vụ nhân dân.
Tại Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã chỉ rõ: Xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; phát huy dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật...; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Với tinh thần Nghị quyết nêu trên, trước hết Chính phủ kiến tạo phát triển là tiến trình cải cách nên hành chính, trọng tâm là cải cách tổ chứng bộ máy của cả hệ thống chính trị nhằm xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức phải có đầy đủ phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vững vàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, hết lòng phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Đồng thời qua đó quyết tâm xây dựng và thực hiện đổi mới các khuôn khổ chính sách, thể chế, xóa bỏ các rào cản không còn phù hợp, đảm bảo tự do kinh doanh, đáp ứng nhu cầu lợi ích chính đáng của nhân dân, tăng cường sự giám sát của nhân dân đói với cơ quan hành chính nhà nước gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật góp phần tích cực phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thưc hiện đúng theo tinh thần Hiến pháp là " Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân", xây dựng nền hành chính thật sự phục vụ nhân dân.
Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. |
PV: Nguyên tắc "Chính phủ kiến tạo phát triển" trong xây dựng tổ chức bộ máy cần hiểu cụ thể như thế nào trong điều kiện cụ thể tại địa phương?
Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Trên cơ sở nguyên tắc "Chính phủ kiến tạo phát triển", trong điều kiện của tỉnh hiện nay với phương châm chuyển bộ máy chính quyền từ quản lý sang phục vụ nhân dân và doanh nghiệp do đó để tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện địa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy với các nội dung cụ thể như sau:
- Đẩy mạnh thực hiện việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo cơ cấu hợp lý ngành, lĩnh vực, giảm vớt đơn vị đầu mối, trung gian;
- Nâng cao vai trò, trách nghiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị về công tác cải cách bộ máy hành chính. Tiếp tục xác định công tác cải cách bộ máy hành chính phải là khâu đột phá quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Lấy kết quả thực hiện công tác cải cách bộ máy hành chính nói riêng và công tác cải cách hành chính nói chung làm tiêu chí đánh giá trình độ, năng lực của người đứng đầu, của tập thể cán bộ lãnh đạo chủ chốt;
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, chuyển trọng tâm từ quản lý sang phục vụ doanh nghiệp và nhân dân theo hướng cắt giảm thủ tục, thời gian, thay đổi phong cách, phương pháp làm việc để các cơ quan hành chính nhà nước ngày càng gần dân, sát dân và doanh nghiệp hơn;
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện tập trung các thủ tục hành chính về một mối để thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính;
- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhằm nâng cao nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, công dân về cải cách bộ máy hành chính;
- Đổi mới quy trình, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh, đảm bảo sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp. Có kế hoạch đánh giá công tác phân cấp quản lý nhà nước để rút kinh nghiệm và làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới. Theo hướng, phân cấp phải rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp, đảm bảo tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền trách nhiệm và phù hợp với khả năng của đội ngũ cán bộ, công chức, nguồn lực tài chính...
- Tiếp tục rà soát quy chế tổ chức hoạt động các cơ quan, đơn vị; hoàn thiện quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân các cấp. Rà soát điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ các cơ quan nhà nước để khắc phục sự chồng chéo, trùng lấp hoặc bỏ sót về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo bộ máy thực sự gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả;
- Đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính nhà nước theo hướng không chỉ là tin học hóa mà phải là sự đổi mới lề lối, phương pháp làm việc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; văn hóa công sở; quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Đề án, Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế chính sách đối với công tác cán bộ. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện một cách cơ bản về quy định tuyển dụng, về tiêu chuẩn chức danh, về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo;
- Trong thực hiện chính sách tinh giảm biên chế phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đưa ra khỏi bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp những cán bộ, công chức, viên chức hạn chế về năng lực, trình độ, sức khỏe ( kể cả những người đã được đào tạo cơ bản); cần thực hiện tốt hơn chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhất là chính sách đào tạo, đãi ngộ và sử dụng nhân tài.
PV: Với cách hiểu trên về nguyên tắc "Chính phủ kiến tạo phát triển" đánh giá, nhìn lại thực tiễn xây dựng tổ chức bộ máy của địa phương thời gian qua, đồng chí đánh giá như thế nào về những mặt còn tồn tại, hạn chế?
Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Trong quá trình tổ chức bộ máy theo nguyên tắc "Chính phủ kiến tạo phát triển" tại Nghị quyết 100/NQ-CP và các quyết định của Trung Ương. Đến nay, qua 3 đợt rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh giảm 4 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (từ 23 cơ quan giảm xuống còn 19 cơ quan); giảm 1 cơ quan cấp huyện (giảm từ 14 cơ quan xuống còn 13 cơ quan). Các tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện đến nay là 228 cơ quan, đơn vị; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 18/19 Quyết định ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các Sở, ngành. Hiện nay tỉnh đang tập trung sắp xếp lại tổ chức bên trong của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hương tinh gọn, hiệu quả dự kiến cắt giảm khoảng 100 biên chế. Nhìn chung, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện hoạt động ổn định và có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và kết quả trong tiến trình cải cách tinh gọn bộ máy nhà nước trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
- Việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyen môn còn một số bất cập, chưa đồng bộ, số lượng phòng, ban và đơn vị trực thuộc các Sở, ngành có xu hướng tăng lên mặc dù không tăng chức năng, nhiệm vụ do Thông tư Liên tịch giữa Bộ Nội vụ và Bộ quản lý về lĩnh vực chuyên ngành quy định (Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban dân tộc...)
- Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cụ thể hóa các chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính hiệu quả chưa cao; công tác tham muuw giúp việc cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong cải cách tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn đôi lúc chưa kịp thời, chưa mạnh dạn đề xuất các chủ trương, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;
- Về số lượng biên chế công chức trong các cơ quan hành chính của tỉnh được giao còn thấp so với nhu cầu vị trí việc làm theo cơ cấu tổ chức bộ máy hiện có và chức năng nhiệm vụ được giao cũng như khá thấp so với biên chế của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vì thế, việc bố trí, sắp xếp nhân sự theo vị trí việc làm cũng như thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và thực hiện chính sách tinh giản biên chế của tỉnh Bạc Liêu còn nhiều khó khăn;
PV: Thời gian tới, căn cứ vào những nội dung trong Nghị quyết 100/NQ-CP, địa phương có xây dựng một Chương trình hành động riêng để xây dựng tổ chức bộ máy theo nguyên tắc "Chính phủ kiến tạo phát triển"? Nếu có, đơn vị nào sẽ được giao nhiệm vụ chủ trì và dự kiến khi nào sẽ ban hành?
Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 100/ NQ-CP của Chính phủ. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thm mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng quyết định ban hành Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 (hiện nay Quyết định ban hành Chương trình hành động của ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đã được xây dựng hoàn chỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đang xem xét phê duyệt), trong Chương trình hành động đã xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung thực hiện như: Củng cố tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vị; tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chăm lo nâng cao đời sống vật chết, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững; phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Dự kiến Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ ban hành vào quý III/2017, sau khi Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 được ban hành, chúng tôi sẽ giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân sân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào từng nhiệm vụ cụ thể của Chương trình đã được đề ra, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung thuộc phạm vi, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình thật hiệu quả trong thời gian tới nhằm chung tay xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh và sự phát triển chung của đất nước.
PV: Trân trọng cám ơn ông./.