Liên quan đến tình trạng "lạm thu" xảy ra vào đầu năm học 2017 - 2018, hàng loạt hiệu trưởng ở Bạc Liêu đã bị kiểm điểm.
Trong cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ nửa đầu tháng 11/2017, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu chủ trì, ông Nguyễn Bình Tân, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu vừa có báo cáo tóm tắt về tình hình xử lý việc thu các khoản thu không đúng quy định.
Theo đó, Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Phòng GD-ĐT TP. Bạc Liêu kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Hiệu trưởng các trường Tiểu học: Phùng Ngọc Liêm, Kim Đồng và Trần Phú. Riêng đối với trường Tiểu học Trần Phú, Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu sẽ không xếp loại thi đua giai đoạn 1.
Đối với trường THPT Chuyên Bạc Liêu, Sở GD-ĐT chỉ đạo Hiệu trưởng nhà trường tổ chức hoàn trả các khoản thu không đúng quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, nơi Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng bị kiểm điểm rút kinh nghiệm vì có khoản thu không đúng quy định.
Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, nơi Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng bị kiểm điểm rút kinh nghiệm vì có khoản thu không đúng quy định. Ảnh: báo Dân trí |
Sở GD-ĐT chỉ đạo rút kinh nghiệm đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường THPT Chuyên Bạc Liêu; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng của trường này.
Như tin đã đưa trước đó, khi vừa bước vào đầu năm học mới, nhiều phụ huynh tại một số điểm trường trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu phản ánh việc họ phải đóng góp một số khoản tiền gọi là “xã hội hóa giáo dục” để mua máy lạnh, gạch lót nền, mái che nắng, tivi, bàn ngồi học,…với số tiền không hề nhỏ, khiến họ rất bức xúc.
Cụ thể, tại trường Tiểu học Trần Phú (TP Bạc Liêu), nhà trường thu tiền mua tài sản mà trường này gọi là “phụ huynh cần đóng góp, tài trợ”, gồm: mua tivi; dán gạch men xung quanh lớp; mắc bóng đèn led, thiết bị điện; bạt che nắng; máy lạnh; màn lớp; bàn học sinh bán trú;…
Tính trung bình, mỗi em lớp 1 vào học bán trú phải đóng trên 1,5 triệu đồng để mua các loại tài sản nói trên. Trường có 4 lớp 1 với khoảng 200 em học sinh thì tổng số tiền ước tính thu mua tài sản là trên dưới 300 triệu đồng.
Ngoài ra, các em học sinh lớp 1 còn phải mua sắm vật dụng phục vụ là 250.000 đồng/năm (kệ để gối, ca, tủ thuốc, khăn, khay đựng thức ăn, muỗng,…). Bên cạnh đó, hàng tháng mỗi em phải đóng thêm trên 800.000 đồng, bao gồm tiền ăn, tiền học phí và tiền học tin học.
Tại trường THCS Nguyễn Minh Nhựt (huyện Vĩnh Lợi), phụ huynh có con mới vào học lớp 6 chọn và một số lớp khác, trường cũng “vận động” đóng góp tiền để mua ti vi, quạt gió, màn che, sơn tường, mua bình bông trang trí lớp,…
Đáng chú ý, điểm trường THCS này giáp với trường THPT Lê Văn Đẩu, để tránh việc học sinh cấp 3 ra chơi làm ảnh hưởng các em học sinh cấp 2, phụ huynh còn được giáo viên "vận động" đóng tiền để mua vật dụng che chắn lại.
Ngoài ra, tại một số trường như Tiểu học Phùng Ngọc Liêm, Tiểu học Kim Đồng,... cũng có tình trạng thu hội phí cha mẹ học sinh theo hình thức định sẵn mức đóng từ 180.000 đồng/người đến 250.000 đồng/người.
Hoàng Giang (T/h)