Sân bay quốc tế Đại hưng với tổng kinh phí xây dựng lên tới 63 tỷ USD được đưa vào hoạt động nhằm giảm sự áp lực cho sân bay quốc tế Bắc Kinh.
Sân bay Đại Hưng được thiết kế bởi kiến trúc sư người Irac, Zaha Hadid và chính thức hoạt động từ cuối tháng 9/2019 nhân dịp mừng lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc.
Dù nhiều ý kiến cho rằng kiến trúc công trình này mang dáng dấp hình con sao biển, nhưng thực tế sân bay quốc tế Đại Hưng được xây dựng dưới hình dáng của một con phượng hoàng.
"Siêu" sân bay quốc tế Đại Hưng. Ảnh: South China Morning Post |
Sân bay có 4 đường băng và dự kiến sẽ phục vụ gần 72 triệu hành khánh/năm bắt đầu từ 2025. Những năm sau đó, số lượng hành khách sẽ tăng lên 100 triệu người/năm.
Các hãng hàng không nội địa China Southern Airlines và China Eastern Airlines sẽ hoạt động chính tại "siêu" sân bay này. Bên cạnh đó cũng có một số chuyến bay từ hãng hàng không Air China.
Hôm 27/10, chuyến bay của hãng Air China tới Bangkok, Thái Lan là hành trình quốc tế đầu tiên khởi hành từ sân bay Đại Hưng, còn hãng British Airway sẽ khai thác chuyến bay xuyên lục địa đầu tiên, từ Bắc Kinh tới London.
Khoảng 50 hãng hàng không nước ngoài bao gồm Finair dự định sẽ chuyển toàn bộ hoặc một phần hoạt động của họ tới sân bay này trong quý tới. Việc di chuyển này dự kiến sẽ được hoàn thành vào mùa đông năm 2021.
Bên trong sân bay được đầu tư 63 tỷ đô. Ảnh: BBC |
Sân bay quốc tế Đại Hưng có kích thước gần bằng 100 sân bóng đá. Trong khi nhiều người kỳ vọng sự phát triển nhanh chóng của sân bay này thì không ít người lo ngại về vị trí khá xa trung tâm thủ đô Bắc Kinh.
Theo ước tính, để di chuyển từ trung tâm thủ đô tới sân bay quốc tế Đại Hưng sẽ mất tới hơn một tiếng (gấp đôi thời gian bình thường để tới sân bay Thủ đô Bắc Kinh). Với mong muốn thúc đẩy kinh tế, chính phủ xây dựng sân bay Đại Hưng không chỉ để phục vụ mỗi Bắc Kinh, mà còn là cho các tỉnh lân cận như Hà Bắc hay Thiên Tân.