Chính quyền New Delhi vừa mở cửa cây cầu chiến lược bắc qua sông Shyok, kết nối vùng Ladakh với biên giới Trung Quốc.
Cây cầu này được thiết kế để chịu được trọng tải của những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực nặng 69 tấn, đồng thời cho phép bất kì chiến đấu cơ nào cũng có thể hạ cánh. Cây cầu đã được thực hiện trong thời gian kỷ lục.
Cây cầu chiến lược bắc qua sông Shyok, gần biên giới Trung Quốc của Ấn Độ. Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định đây là một tài sản chiến lược ở khu vực biên giới. Với chiều dài hơn 400m và ở độ cao 4.000m so với mực nước biển, nó sẽ giúp quân đội Ấn Độ giảm thời gian triển khai từ 14 giờ xuống còn 6,5 giờ.
Cây cầu này nằm trong kế hoạch trị giá 2,9 tỷ USD của chính phủ Ấn Độ nhằm xây dựng 44 tuyến đường mới trên 5 bang dọc biên giới với Trung Quốc.
Kế hoạch phù hợp với một loạt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng được đích thân Thủ tướng Narendra Modi theo dõi hoặc khởi xướng, kể từ khi ông nhậm chức 4 năm trước. Kế hoạch nhằm tăng cường năng lực của các bang phía đông bắc Ấn Độ trong việc chống lại những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Ladakh là khu vực thường xảy ra đụng độ khi binh lính Trung Quốc phản đối quân đội Ấn Độ tuần tra khu vực bờ bắc hồ Pangong Tso.
Cơ sở hạ tầng đường bộ gần biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc có tổng chiều dài hơn 4.065 km, bao gồm khu vực tranh chấp giữa hai nước, bao gồm cả vùng Arunachal Pradesh, nơi mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng.
Trong hơn 5 thập niên, Ấn Độ ít quan tâm đến cơ sở hạ tầng khu vực biên giới cho đến những tháng gần đây, khi họ bị thúc đẩy bởi cuộc đụng độ ở khu vực Doklam năm 2017, lúc Trung Quốc xây dựng con đường dẫn đến khu vực này.
Vào hồi tháng 9/2019, lực lượng vũ trang Ấn Độ đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn trong khu vực biên giới Ladakh, bao gồm triển khai nhiều lực lượng bộ binh cơ giới với những công nghệ hiện đại.
Minh Khôi (T/h)