Nhan sắc Việt đã có một năm thành công với những thành tích ấn tượng trên nhiều đấu trường nhan sắc quốc tế danh giá. Tuy nhiên, trên bảng xếp hạng Việt Nam lại bị tụt 3 hạng, chỉ xếp thứ 8. Chúng ta thiếu chuyên nghiệp, không theo kịp các nước làng giềng hay vì điều gì khác? Báo ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện với bà Phạm Kim Dung, người đứng sau 2 cuộc thi nhan sắc uy tín là Hoa hậu Việt Nam, Miss World Việt Nam và là người đang nắm trong tay bản quyền 10 cuộc thi nhan sắc quốc tế, để giải mã điều này.
Hoa hậu Lương Thuỳ Linh, Á hậu 1 Kiều Loan và Á hậu 2 Tường San đã có những thành tích nổi bật tại đấu trường nhan sắc quốc tế năm nay. |
Nói thiếu chuyên nghiệp là chủ quan
Năm 2019 nhiều đại diện của Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng trên đấu trường nhan sắc quốc tế. Chị đánh giá thế nào về kết quả này?
Đối với các thí sinh Việt Nam khi ra đấu trường nhan sắc quốc tế thì xét về mặt tổng thể các bạn khá đồng đều với các thí sinh khác. Riêng về mặt nhan sắc thì nhiều bạn có phần nổi trội hơn như Hoa hậu Lương Thuỳ Linh, đứng trong top 12 dường như được cộng đồng mạng Việt Nam và cộng đồng quốc tế nhận xét ngay tại thời điểm đó là quá nổi bật. Thuỳ Linh được đánh giá cao về kỹ năng cat- walk khi lọt top 10 top model, top 10 dự án nhân ái. Còn về các thí sinh khác cũng có thành tích nổi bật như Kiều Loan, Tường San.
Cái tên nổi bật nhất tại đấu trường nhan sắc quốc tế thời gian qua là Lương Thuỳ Linh. Nhiều khán giả tỏ ra tiếc nuối khi Linh không vào top 5. Dường như Linh còn thiếu điều gì đó. Trong con mắt của một chuyên gia, chị có thể lý giải về điều này?
Đúng vậy, Lương Thuỳ Linh là cái tên nổi bật. Chúng tôi, Linh và người hâm mộ đều thấy tiếc nuối khi Linh có thể vào top 5 thậm chí top 3. Tuy nhiên, khi đến với các cuộc thi, tôi thấy, điều mà chúng ta thiếu nhiều nhất là sự may mắn, việc vào đêm chung kết là do thực lực, nỗ lực của một hành trình dài nhưng khi top 12 đứng tại sân khấu thì phụ thuộc rất nhiều về cảm xúc cũng như đánh giá của ban giám khảo.
Theo kết quả chuyên trang sắc đẹp quốc tế Missosology vừa công bố, năm nay Việt Nam đứng hạng 8, tụt 3 hạng so với năm ngoái. Nhiều cô gái đạt thành tích khá tốt nhưng vì sao chúng ta lại tụt hạng?
Mặc dù thành tích của các đại diện Việt Nam năm nay khá tốt, đồng đều nhưng năm trước có Phương Khánh là Hoa hậu của Hoa hậu Trái đất Niê H’Hen thì vào Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ. Vì vậy, chúng ta bị tụt hạng là chuyện bình thường vì họ tính tổng thể trên cả những cuộc thi khác. Năm nay, tuy 3 cuộc thi Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế chúng ta đều đạt thành tích cao, nhưng các cuộc còn lại thì có thành tích không cao nên chúng ta bị tụt 3 hạng. Xếp hạng sẽ có những đánh giá về chỉ số thực tế. Tuy nhiên, xét về tổng quan thì nhan sắc của chúng ta thăng hạng rõ rệt bởi sự chuẩn bị chuyên nghiệp và bài bản.
Chị suy nghĩ gì trước ý kiến cho rằng Việt Nam chưa thể “chạm đỉnh” bởi khâu đào tạo còn thiếu chuyên nghiệp?
Điều này hoàn toàn sai. Tôi nghĩ là những người có nhận xét như thế này họ chưa hiểu các thí sinh đi thi quốc tế như thế nào, thậm chí có những thí sinh chỉ âm thầm đi thi mà không có ê-kíp đằng sau hậu thuẫn. Đi thi như vậy nhiều người sẽ đánh giá những yếu tố như đào tạo cat- walk đóng vai trò quan trọng nhất. Nhưng thật ra, tố chất bên trong mới là điều giúp các thí sinh khẳng định được bản thân còn lại những yếu tố khác chỉ giúp các bạn hoàn thiện mình hơn. Do vậy, khâu đào tạo, chuẩn bị cũng như những gì chúng ta chuẩn bị cho các thí sinh hiện nay đã rất chuyên nghiệp. Không thể có một yếu tố nào để mà nói rằng thí sinh của chúng ta chưa chuyên nghiệp.
Hoa hậu Thế giới năm nay là đại diện đến từ Jamaica - Toni-Ann Singh. Cô ấy không được chú ý bởi nhan sắc hay chiều cao mà là ở tài năng hát hay như ca sĩ và sự thân thiện của mình. Không ai đánh giá cô ấy có một thái độ chuyên nghiệp và thậm chí hình thể cũng không quá nổi trội, chiều cao hạn chế. Tất cả những điều mà tôi đưa ra ở trên về nhan sắc hay tố chất, tài năng, tâm hồn,... nó đóng một vai trò quan trọng còn công tác đào tạo chỉ là công cụ giúp thí sinh hài hoà hơn.
Tôi khẳng định, ê-kíp Việt Nam đưa các thí sinh đi thi đã chuẩn bị rất chuyên nghiệp. Nhiều người nói, không đầu tư chuyên nghiệp, bài bản, tại sao chúng tôi phải làm như vậy? Chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức và tài chính thì tại sao lại nói không chuẩn bị. Tôi nghĩ, những nhận xét này là quá chủ quan.
Chuyển mình là tất yếu
Nhìn lại nhan sắc Việt 1 thập kỷ qua, chúng ta đã có bước chuyển mình đáng kinh ngạc. Chị đánh giá sao về sự chuyển mình này?
Sự chuyển mình của nhan sắc Việt là điều tất yếu, đi cùng với sự chuyển mình và phát triển của cả đất nước. Các thế hệ trẻ ngày càng cao hơn, đẹp hơn, tri thức hơn, chuyên nghiệp nghiệp và nghiêm túc hơn. Tất cả những điều đó đã tạo nên một sự chuyển mình chung. Và tôi nghĩ là, trong một thập kỷ tiếp theo, hoặc chỉ vài năm nữa, chúng ta có quyền tự tin có thể đội vương miện, ở các đấu trường nhan sắc quốc tế.
Trong nước, các cuộc thi nhan sắc nở rộ. Nhưng, trên đấu trường quốc tế, chúng ta chưa thực sự được coi là cường quốc nhan sắc. Theo chị, Việt Nam cần làm gì để có bước chuyển mình tốt hơn?
Chúng ta đã có sự chuẩn bị chu đáo nhưng việc gì cũng cần chờ đợi, sự công nhận dần dần. Ví dụ như, những năm trước việc lọt vào top 20, top 10 đã là sự vui mừng, nhưng gần đây, việc các bạn lọt vào top 10 lại chưa thể khiến chúng ta thoả mãn. Điều đó sẽ lại càng trở thành động lực để chúng ta phải tiến bộ hơn. Để mọi người công nhận mình thì chúng ta ít nhất phải lọt vào top 5, top 3 hay cao nhất là phải đội được chiếc vương miện. Tôi nghĩ, đây chính là điều để tôi cũng như những người nắm giữ bản quyền của các cuộc thi khác phải tiếp tục phấn đấu.
Tiêu chí vẻ đẹp mỗi giai đoạn có những điểm khác biệt. Ngay cả trong một ban giám khảo cũng có thể có những ý kiến không đồng nhất. Vậy với cá nhân chị, tiêu chí đánh giá nhan sắc, tài năng của một người đẹp là gì?
Một người đẹp trước tiên là phải đẹp về hình thể lẫn gương mặt. Trên cùng, những cô gái đẹp là những cô nàng có tài năng và trình độ. Và chắc chắn, những cô gái này phải nổi bật và được chú ý hơn so với những người đẹp còn lại.
Quan niệm về sắc đẹp của mỗi người hoàn toàn khác nhau, có người thích cái đẹp nhẹ nhàng, người lại thích một vẻ đẹp sắc sảo. Tuy nhiên đến với 1 cuộc thi thì các ban giám khảo sẽ đi theo tiêu chí để chọn ra top phù hợp. Còn riêng cá nhân tôi, tôi mong đợi một cô gái chuẩn về nhan sắc, về tính cách, có một sự chân thành, có tài năng, có ngoại ngữ, có duyên dáng. Chắc tôi đòi hỏi quá nhiều rồi (cười-PV).
Thời gian qua có những cuộc thi nhan sắc gây tai tiếng, thậm chí thi chui, tổ chức vận hành kiểu “ao làng” nhưng cũng khoác lên thí sinh bộ cánh thiên nga với mỹ từ Hoa hậu. Là một nhà tổ chức chuyên nghiệp, chị nghĩ sao về điều này? Nếu để “hiến kế” cho cơ quan quản lý Nhà nước dẹp vấn nạn trên, chị sẽ nêu ý kiến gì?
Đúng là việc có quá nhiều Hoa hậu sẽ khiến chúng ta ngày càng dễ bị loạn danh xưng và mất dần đi giá trị của danh hiệu cao quý này. Công chúng sẽ không biết được đâu là Hoa hậu chính thức và đâu là Hoa hậu không chính thức. Tuy nhiên, với một đất nước trẻ và khát khao hướng tới cái đẹp nhiều như ở Việt Nam thì việc tổ chức nhiều cuộc thi Hoa hậu sẽ không sao. Tôi không phản đối việc tổ chức nhiều cuộc thi vì các cường quốc nhan sắc như Venezuela hay Philippines thì họ tổ chức Hoa hậu từ quy mô nhỏ đến lớn.
Còn việc “hiến kế” cho các cơ quan quản lý thì tôi nghĩ rằng nên có sự giám sát chặt chẽ hơn. Việc không công tâm trong khâu tổ chức và cuối cùng trao vương miện cho một thí sinh không xứng đáng về nhan sắc lẫn trình độ và nhân cách sẽ khiến công chúng dần hiểu sai về một cô Hoa hậu. Điều đó nếu càng tăng thêm sẽ khiến khán giả mất đi niềm tin về ngôi vị Hoa hậu và đương nhiên không hề tốt.
Tôi - một người đã làm trong lĩnh vực này 10 năm, luôn luôn công tâm và nỗ lực, tạo ra sự bứt phá cũng như tiến bộ của nhan sắc Việt Nam. Tôi cảm thấy buồn khi có những tình trạng như vậy lại xảy ra, khiến “con sâu làm rầu nồi canh”.
Người tổ chức các thi nhan sắc như chị cũng thu hút sự chú ý của không ít người. Chị có thể chia sẻ một số “bí mật nhà nghề” với độc giả của báo ĐS&PL?
Đúng là nhan sắc luôn thu hút trí tò mò của nhiều người thông qua việc hâm mộ của khán giả cũng như sự quan tâm của giới truyền thông. Tôi đã có dịp đi đến nhiều quốc gia, gặp gỡ rất nhiều người và họ bày tỏ sự yêu mến vẻ đẹp của người con gái Việt Nam cũng như là tà áo dài truyền thống. Cũng chính sự yêu mến cái đẹp đó mà các chuyên gia sắc đẹp, cộng đồng người hâm mộ cũng như truyền thông đã có nhiều bài viết phân tích, đánh giá rất sâu về tiêu chí các cuộc thi, về nhan sắc của các thí sinh. Đó cũng chính là những kênh thông tin giúp chúng tôi có thể định hướng được cách hoạt động của mình để cuối cùng chọn ra một gương mặt xuất sắc nhất, thỏa được mong ước cũng như tình cảm của khán giả.
Tôi cũng đã có kinh nghiệm cho mình trong cách vận hành cuộc thi sao cho minh bạch và tạo được sức lan tỏa. Các kênh thông tin của công chúng cũng như báo chí phần nào đã giúp chúng tôi có những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn thí sinh tạo được nhiều hiệu ứng tốt. Đặc biệt phải kể đến top 3 Miss World Việt Nam năm nay, đã đạt được kết quả vô cùng rực rỡ.
Để tổ chức một cuộc thi Hoa hậu đúng là sẽ có rất nhiều bí mật nhà nghề. Tôi không muốn cuộc thi nhan sắc này chỉ dừng lại ở việc tìm ra một gương mặt xinh đẹp mà bên cạnh đó là quá trình của nó. Bản thân tôi cũng như ê-kíp ngày càng nhìn thấy rõ sự kỳ vọng của công chúng, kỳ vọng về các thí sinh tại cuộc thi Hoa hậu. Vì vậy, chúng tôi luôn đau đầu suy nghĩ phải làm gì để tạo sự khác biệt với những năm trước.
Một bí mật nhà nghề nữa mà tôi muốn tiết lộ là về nguồn tài chính để vận hành cho các cuộc thi nhan sắc. Để mà có được nguồn kinh phí đó, thì bộ máy kêu gọi tài trợ cũng như trả quyền lợi tài trợ phải vô cùng khổng lồ. Chúng tôi phải làm việc cật lực cho quãng thời gian trước và sau đó.
Bên cạnh đó, những cuộc thi hàng đầu ấy còn thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý, yêu cầu chúng tôi phải làm đúng làm đủ và chất lượng.
Bảo Nhi
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 9