Những đệ tử trong giới giang hồ đất Cảng được chọn phục vụ cho tang lễ của bà "trùm" Dung "Hà" đều có mặt mũi sáng sủa. Những người đến tham dự đám tang cũng được yêu cầu mặc comple đen với nam giới và áo váy đen với nữ giới...
Dung "Hà", tên thật là Vũ Thị Hoàng Dung (SN 1965, ở phố Trạng Trình, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng được coi là “bà trùm” đầu tiên trong “lịch sử tội phạm” đất Cảng.
Cuộc đời và quá trình phạm tội của bà trùm giang hồ đã chết này, đến nay vẫn có những tranh cãi nhất định.
Bà "trùm" và cuộc sống đầy bí hiểm
Hùng "mốc" - một gã giang hồ thuộc dạng "tiểu yêu" thời đó, dù không có "số" nhưng lại rất gần gũi Dung Hà nhờ làm chân "phát hỏa" (chia bài) trong sòng Trạng Trình kể: "Cả đời anh chưa bao giờ thấy ai như chị Dung, kể cả lúc còn sống cũng như khi đã chết!"
"Dung Hà chỉ có một" - đó không chỉ là khẳng định của một mình Hùng "mốc", mà còn của rất nhiều gã du đãng, từ tép riu cho tới cộm cán tại Hải Phòng cũng như các tỉnh thành lân cận...
Cuộc đời Dung Hà gắn với vô số các giai thoại khác nhau và giai thoại nào cũng ly kỳ, hấp dẫn hệt như phim hành động. Có những giai thoại đúng, có những giai thoại được dựng lên nhờ sự thêu dệt của giang hồ, nhưng nó chỉ phản ánh được phần nào cuộc sống đầy bí hiểm của trùm giang hồ đất Cảng.
Bà "trùm" Dung "Hà" - Ảnh: PLVN |
Nói theo cách của dân giang hồ đất Cảng, thì Dung Hà thuộc loại thừa "bản lĩnh". Không giống như các ông trùm khác đi đâu cũng phải lăm lăm cận vệ, đàn em đi cùng thì Dung Hà chỉ thích "độc lai độc vãng". Chính sự tự tin, đôi khi là khinh địch ấy đã khiến ả phải trả giá bằng chính mạng sống của mình tại đất khách quê người.
Đám tang có một không hai
Khoảng 0h25 ngày 2/10/2000, một tiếng súng lạnh lùng vang lên trong đêm vắng trước số 17 Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Ngay sau đó là một phụ nữ ngã gục xuống. Sát thủ mang tên Hưng "phi nhon", còn nạn nhân là Dung Hà, một “bà trùm” nổi danh giang hồ đất Cảng.
Dân giang hồ khắp cả nước, đặc biệt là Hải Phòng coi đêm Dung “Hà” bị bắn chết là một đêm “lịch sử”.
Việc "chị cả" Dung Hà bị hạ thủ khiến giang hồ đất Cảng ở Sài thành như "rắn mất đầu". Bởi, thời điểm đó chưa giang hồ đất Cảng nào đủ "lực" và "tầm" để làm "đối thủ" với Năm Cam tại Sài thành. Ngô Đức Minh (tức Minh "Sứt"), người tự nhận là anh kết nghĩa của Dung Hà, một giang hồ đất Cảng thứ thiệt tại Sài thành đã "bao tiêu" toàn bộ việc đưa em gái kết nghĩa từ Sài thành về đất Cảng mai táng.
Minh “sứt” vung tiền không tiếc tay thuê hẳn một chiếc máy bay chở xác Dung “Hà” về Hải Phòng. Tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng), tất cả đàn em của bà trùm đều có mặt để đón linh cữu bọc quan tài kẽm của “chị cả”.
Chắc hẳn, nhiều người dân Hải Phòng vẫn chưa quên được những ngày diễn ra đám tang Dung Hà. Dọc phố Trạng Trình nơi Dung Hà đã từng sống, dân giang hồ, xã hội đen diện toàn vest đen, đeo kính đen đứng trang nghiêm đón khách. Trong đám tang, rất nhiều loại "thầy" được mời đến như thầy cúng, thầy địa lý, thầy phong thủy... Theo Gi. "trâu" (đệ tử của Dung "Hà") kể lại, chỉ riêng khoản hoa tươi cũng đã "ngốn" của đám đệ tử bạc triệu.
Theo Gi. "trâu", những đệ tử trong giới giang hồ đất Cảng được chọn phục vụ cho tang lễ của "chị trùm" đều có mặt mũi sáng sủa. Những người đến tham dự đám tang cũng được "ban tổ chức" yêu cầu mặc comple đen với nam giới và áo váy đen với nữ giới. Trước giờ đưa "chị trùm" về nơi an nghỉ cuối cùng, mọi ngả đường dẫn về nghĩa trang Ninh Hải đều được giới xích lô, xe ôm, xe thồ, bốc vác... "làm trật tự". Trong đám tang của Dung Hà, một đoàn người kéo dài kín phố. Không ít người dân đất Cảng đã gác lại công việc của buổi sáng hôm đó để đến tận mục sở thị.
Khi còn sống, Dung Hà "lừng lẫy" trong giới tội phạm là thế nhưng sau cái chết của "chị trùm", đám đệ tử thân tín cũng đã tan tác bởi sự nghiêm trị của pháp luật. Gã anh kết nghĩa Minh "Sứt", kẻ từng được "xưng tụng" là đại gia đất Cảng một thuở cũng đã phải ngồi tù vì hành vi vi phạm pháp luật. "Chị cả" Oanh Hà cũng "nhập kho" vì tội tổ chức đánh bạc.
"Oai chấn" giang hồ của Dung Hà nơi đất Cảng, giờ chỉ còn sót lại duy nhất nấm mồ hoang lạnh, nằm trong góc khuất của nghĩa trang Ninh Hải.
Trâm Anh (T/h)