(ĐSPL) - Nhờ bản tính chịu khó, bà được người cha truyền cho bài thuốc quý của gia tộc, cứu sống thành công hàng trăm trường hợp uống thuốc diệt cỏ tự vẫn nằm chờ chết.
Là người dân tộc Thái, bà sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn bà chưa một lần được đến trường, không biết đọc, viết, quanh năm theo cha lên núi tìm hái lá thuốc. Những năm tháng cực khổ lặn lội, nhờ bản tính chịu khó, bà được người cha truyền cho bài thuốc quý của gia tộc, cứu sống thành công hàng trăm trường hợp uống thuốc diệt cỏ tự vẫn nằm chờ chết.
Bài thuốc bí truyền của gia tộc họ Lò
Thời gian gần đây, trên địa bàn Tây Nguyên rộ lên vị danh y người dân tộc Thái tên Lò Thị Tiếng (thường gọi là bà Thâm cỏ cháy, 52 tuổi, ngụ thôn Đắk Tân, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). Bà Tiếng lưu giữ bài thuốc bí truyền có khả năng cải tử hoàn sinh cho những người trót dại uống thuốc diệt cỏ (Paraquat) để tự vẫn. Thậm chí, có nạn nhân bị nhiễm trùng máu nặng, bệnh viện trả về chỉ chờ lo hậu sự bà Tiếng đã cứu sống mà không để lại bất kỳ một di chứng nào.
Bà Tiếng tự tay chế biến thuốc. |
Từ trung tâm TP. Buôn Mê Thuật (tỉnh Đắk Lắk), dưới cái nắng như đổ lửa, chúng tôi vượt quãng đường dài hơn 50km tìm đến diện kiến vị “danh y” này. Lúc này, đã xế chiều nhưng bà Tiếng vẫn đang tất bật với các bệnh nhân của mình. Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Vi Văn Hậu (53 tuổi, chồng bà Tiếng) cho biết: “Gia đình tôi là người dân tộc Thái, cuộc sống khó khăn, năm 1997, vợ chồng tôi dắt díu nhau lên vùng đất Tây Nguyên lập nghiệp. Vợ tôi (bà Tiếng- PV) ngay từ khi còn nhỏ đã được cha đẻ truyền cho nhiều bài thuốc từ lá rừng. Trong nhà hễ có người đau, ốm đều tự tay bà ấy hái lá về sắc cho uống vài hôm là khỏi”.
Thấy khách có vẻ sốt sắng, ông Hậu liền gọi bà Tiếng lên trực tiếp trò chuyện với chúng tôi. Từ dưới bếp, một người phụ nữ tuổi trung niên, mặc giản dị, trên miệng đang nhai trầu bước tới. Biết chúng tôi là PV đến tìm hiểu bài thuốc cứu người, bà Tiếng vui vẻ nói: “Không có gì là kỳ bí đâu mấy chú ơi, đó cũng chỉ là những loại cỏ cây hoang dại mọc trên rừng. Chẳng qua là mình biết kết hợp chúng lại với nhau đúng cách, nên có chút công hiệu thế thôi. Thú thật, ban đầu tôi cũng không biết bài thuốc bí truyền của cha tôi truyền thụ lại có thể khắc chế được chất độc trong loại thuốc diệt cỏ (Paraquat)”.
Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc các bài thuốc bà đã vận dụng suốt mấy chục năm qua để hành đạo cứu người, bà Tiếng không ngần ngại chia sẻ: “Đây là nghề gia truyền của gia đình, bố tôi là người rất uyên thâm với các loại cây thuốc trên núi. Năm tôi 12 tuổi đã được ông dẫn đi hái lá thuốc và chỉ dạy cho cách pha chế các loại thuốc chữa bệnh khác nhau. Các bệnh như viêm gan, dạ dày, gai cột sống, đại tràng... ông đều chữa khỏi. Kể từ đó, ngày nào tôi cũng theo bố đi chữa bệnh cho những người trong làng. Lâu dần tôi biết được cách nhận diện các loại lá thuốc, biết được công dụng của từng loại để áp dụng chữa đúng bệnh”.
Bí ẩn về bài thuốc cải tử hoàn sinh
Năm 1998, tròn một năm kể từ ngày gia đình bà Tiếng dắt díu nhau vào Tây Nguyên định cư, nhớ lại buổi tối năm 1998, bà Tiếng kể: “Hôm đó, trời mưa như trút nước, đêm khuya trời tối đen, đang ngon giấc tôi giật mình nghe thấy tiếng người đập cửa nhà mình kêu cứu. Hoảng hồn chạy ra mở cửa, tôi nhận ra đó là bà B. nhà hàng xóm, cũng từ Thanh Hóa vào Tây Nguyên lập nghiệp. Bà B. người ướt sũng, khóc lóc nài nỉ tôi cứu con trai bà trót dại uống thuốc cỏ cháy tự vẫn. Mặc dù bao nhiêu năm bốc thuốc chữa bệnh nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có thể cứu sống những trường hợp tự tử bằng thuốc cỏ cháy”.
Thảo dược bà Tiếng dùng chữa cho người bệnh. |
“Băn khoăn day dứt trước sự nài nỉ thảm thiết của người đồng hương, tôi đánh liều chạy qua xem sự thể thế nào. Nhìn chàng thanh niên toàn thân tím tái, miệng sùi bọt, co giật đau đớn, quằn quại, tôi nghĩ giờ mình không chữa nó cũng chết. Nghĩ vậy, tôi cứu thử. Vận dụng những kiến thức được người cha truyền thụ, tôi kết hợp năm vị thuốc lại với nhau đem cho nạn nhân uống. Hai ngày sau khi uống thuốc, tình trạng sức khỏe của nạn nhân được cải thiện rõ rệt. Sau một tháng uống thuốc do tự tay tôi bốc, sức khỏe của nạn nhân đã hồi phục, đến nay cuộc sống ổn định, không để lại di chứng”, bà kể tiếp.
Nói rồi bà Tiếng không ngần ngại mời chúng tôi xuống thăm những bệnh nhân trót dại uống thuốc diệt cỏ đang được bà chữa trị tại nhà. Bên trong căn nhà gỗ cũ kĩ hiện có khoảng hơn 20 bệnh nhân từ khắp các nơi như Vũng Tàu, Bình Phước, Ninh Thuận... đang nằm điều trị. Bà Tiếng cho biết thêm: Tất cả các bệnh nhân đang nằm tại đây, hầu hết đều uống loại thuốc diệt cỏ có tên là Paraquat nên bị nhiễm độc máu nặng bệnh viện trả về. Tuy nhiên, sau vài ngày uống thuốc, bà khẳng định các bệnh nhân đều đã vượt qua ngưỡng cửa của thần chết.
Chúng tôi tìm đến giường bệnh của anh Trịnh Văn S. (SN 1976, ngụ xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), ca bệnh nhân được xem là nặng nhất để hỏi thăm tình hình sức khỏe. Tại đây, chị Nguyễn Thị Ng., vợ của bệnh nhân S. giọng buồn rầu nói: “Cũng vì cuộc sống khó khăn, làm ăn thất bại, anh S. suy nghĩ quẩn nên đã uống thuốc cỏ tự tử. Khi người nhà phát hiện, đưa vào bệnh viện Đa khoa ở Đồng Xoài chữa trị. Sau khi thăm khám các bác sỹ yêu cầu chuyển gấp lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Tuy nhiên, các bác sỹ ở bệnh viện Chợ Rẫy kết luận, bệnh nhân bị nhiễm trùng máu nặng, vô phương cứu chữa, yêu cầu người nhà đưa về chuẩn bị hậu sự. Về được hai hôm, có người mách bảo thử đến nhờ bà Tiếng. Nghĩ còn nước còn tát, gia đình thuê xe đưa anh S. lên đây nhờ bà Tiếng cứu chữa. Đến nay, sau 15 ngày uống thuốc, hiện sức khỏe anh S. đã khá lên rất nhiều, có thể ngồi dậy cử động nhẹ được”.
Chia sẻ thêm về bài thuốc bí truyền của mình bà Tiếng tiết lộ: “Đối với những bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ, khi đưa đến đây phải có ít nhất hai người nhà túc trực 24/24h, cứ 15 phút lại cho nạn nhân uống thuốc một lần, liên tục nhiều ngày liền mới có kết quả”. Trong suốt bao nhiêu năm qua, với phương thuốc bí truyền của gia tộc, bà Tiếng đã giành lại sự sống cho hàng trăm người từ tay thần chết. Thời gian bệnh nhân điều trị tại nhà của mình, bà Tiếng không lấy bất cứ một loại chi phí nào. Với những trường hợp được bà trị khỏi bệnh, để bày tỏ lòng biết ơn, nhiều người cho bà vài trăm ngàn đồng tiền ăn trầu.
Nhiều người từ khắp nơi tìm đến Trao đổi với PV, anh Y Noel (người dân tộc ê Đê, ngụ tỉnh Đắk Nông), người được bà Tiếng cứu sống trước đó khẳng định, hiện tại sức khỏe của anh đã hồi phục, có thể lao động bình thường. Nhiều người dân sinh sống xung quanh khu vực cho biết, hàng ngày có rất nhiều người từ khắp các nơi tìm đến nhờ bà Tiếng cứu chữa. Hiện đang lưu trú tại nhà bà hơn 20 người điều trị dài hạn. Gia nhập hội Lương y của huyện Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lăng Hồng Lân, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) xác nhận: “Có nhiều trường hợp nạn nhân uống thuốc diệt cỏ bị bệnh viện trả về nhưng bà Tiếng vẫn cứu chữa được là có thật. Thời gian tới, UBND xã sẽ hướng dẫn cho bà Tiếng làm các thủ tục cần thiết, gia nhập vào hội Lương y của huyện, tiến hành khám chữa bệnh cứu người”. |