Mỗi lần tìm được xác thai nhi bị bỏ lại nơi “xú uế”, bà Cúc lại xót xa tột độ. Những sinh linh xấu số ấy được bà mang về nhà tắm rửa, mua ít tã, vải màn quấn liệm rồi đem vào “ngôi nhà chung” ở nghĩa trang vườn thánh Phú Đa an táng. Cứ thế, ròng rã 10 năm trời làm việc không tên ấy, người đàn bà tên Đỗ Thị Cúc đã nhặt hơn 27.000 thai nhi đem về chôn cất, cứu giúp 79 cháu bé được chào đời...
"Người ta bảo tôi khùng, gàn dở..."
Bà Đỗ Thị Cúc. |
Vào một ngày cuối tháng 8, tôi cùng đồng nghiệp của mình tìm về làng Phú Đa ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Khi hỏi đến nhà bà Đỗ Thị Cúc chuyên nhặt xác thai nhi, chẳng cần nói thêm, một cụ bà nhiệt tình chỉ đường, đưa chúng tôi về đến tận nhà.
Đi qua nhiều con ngõ nhỏ, khi đến nơi, trước mắt tôi là căn nhà của bà Đỗ Thị Cúc (49 tuổi, làng Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Ngôi nhà nằm nép mình sâu trong một con ngõ ở vùng thôn quê yên bình. Phía ngoài, những chiếc tiểu nhỏ được xếp nằm chồng chất bên một góc nhà.
Tôi may mắn vì gặp được bà Cúc mà không phải mất công chờ đợi. Xuất hiện trước mặt tôi là một người phụ nữ gần 50 tuổi với mái tóc điểm bạc, khuôn mặt hiền lành, phúc hậu, thấy tôi, bà Cúc cởi mở, bắt chuyện ngay: “Lâu lâu lại có nhà báo ghé qua. Cô nhà báo gặp may đấy vì không mất công chờ đợi”.
Nói rồi bà cười vui vẻ, nhưng tôi cảm nhận được phía sau đôi mắt nhăn nheo ấy sự đượm buồn chất chứa một nỗi niềm riêng. Nỗi niềm ấy chưa thể nguôi ngoai bởi suốt 10 năm trời lại lặn lội bất kể nắng mưa, rét buốt ròng rã đi khắp nơi, bà Cúc đã tìm, nhặt rồi thu nhận hơn 27.000 xác hài nhi bị bỏ rơi từ bãi rác, bệnh viện về chôn cất tại khu vườn thánh.
Như một thói quen, bà Cúc dẫn tôi vào phòng có tủ đông bảo ôn cho những hài nhi bé bỏng mà bà nhặt được. Xác thai nhi được bảo quản cẩn thận trong từng túi ni lông, mỗi túi có đến 10 thai nhi. Bà Cúc bảo, cứ một tuần là tủ lại đầy, việc chôn cất các thai nhi được thực hiện vào Chủ nhật hàng tuần. Khi bà mở tủ và cho xem hình hài của một sinh linh bé bỏng bị cha mẹ vứt bỏ ngoài bãi rác, lòng tôi như quặn lại khi chứng kiến hình ảnh đau xót này.
Thắp nén hương rồi bà Cúc kể về lần đầu tiên trong cuộc đời bắt đầu đi làm cái công việc không tên, cái công việc mà để đến tận bây giờ người ta gọi bà là Cúc “khùng”.
Nói về cái duyên khi ấy, bà Cúc nghẹn ngào, đôi mắt đã có những nếp nhăn như chực trào nước mắt, thở dài một tiếng rồi bà bắt đầu kể: “Vào năm 2009, vào một ngày sáng sớm như bao ngày, tôi bắt đầu đi xe đạp đi nhặt ve chai. Lần đấy đến bãi rác gần nhà, tình cờ nhìn thấy một túi ni lông màu đen nằm lăn lóc giữa những túi rác, tôi mở bọc túi ni lông ấy ra thì đập vào mắt tôi là 7 thai nhi nhỏ xíu đã thành hình người đủ mặt mũi, bàn tay, 7 thai nhi ấy đỏ hỏn và có nhiều phần giập nát”.
Dừng lại một lúc, nhắm mắt lại rồi bà nói: “Lúc đấy cả người tôi run bần bật. Nếu hỏi sợ không, đau xót không, bàng hoàng không,…tôi xin trả lời là có. Hình ảnh ấy đã ám ảnh, thôi thúc tôi phải làm gì đó cho các con. Sau một hồi định thần, lấy bình tĩnh, tôi quyết định đưa các con về khâm liệm, chôn cất thật tử tế.
Trong túi tôi lúc đấy chỉ còn đúng 38 nghìn đồng, tôi mang theo để phòng thân nhỡ xe thủng xăm thì có tiền vá. Tiền thì chẳng có nhiều, thế nhưng thấy các con bị vứt bỏ, tôi lấy toàn bộ số tiền đó mua khăn trắng, nhờ cắt thành 7 tấm rồi mang về nhà khâm liệm rồi chôn cất thật cẩn thận”, bà Cúc kể lại.
Khi được hỏi về việc người thân gia đình có phản ứng ra sao khi thấy bà làm cái công việc “gàn dở đó”, bà Cúc bảo: “Lúc tôi mang bọc túi đen về, chồng có hỏi tôi là cái gì đấy. Tôi cũng chẳng giấu giếm mà nói là thai nhi bị vứt ngoài bãi, thương quá nên mang về chôn. Thấy vậy, từ mẹ cho đến chồng, các con tôi đều bảo hãy cứ làm vì cái tâm của mình. Mọi người nói vậy tôi cũng nhẹ lòng, tôi đem các con đi rửa sạch rồi chôn cất cẩn thận ngoài nghĩa trang vườn thánh Phú Đa”.
Kể từ hôm đó, cái duyên với công việc “bất đắc dĩ” đi thu nhận những sinh linh bé nhỏ bị nạo bỏ đến với bà Cúc như một định mệnh. Ngay ngày hôm sau, bà lại tiếp tục thấy 8 thai nhi bị vứt bỏ ở bãi rác. Bà Cúc cẩn thận gói ghém rồi mang về nhà mua hoa cúc trắng tiến hành khâm liệm, chôn cất các con.
Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, bà Cúc đặt các con trong những chiếc hộp nhựa, sau đó một năm thì bắt đầu mua tiểu chôn cất. Cái công việc “không giống ai” nhưng cứ mãi đeo bám tiềm thức của người đàn bà đã ngấp nghé tuổi 50.
Bà nói: “Trong thâm tâm tôi bị ám ảnh bởi những hình ảnh hài nhi đỏ hỏn, rớm máu nằm trong những túi nilon mỏng tang. Người ta bảo tôi điên, tôi khùng, gàn dở nhưng tôi mặc kệ những lời đàm tiếu ấy. Họ chửi tôi cũng được, nhưng tôi cấm họ không được chửi các con. Thôi thì trời phạt thì tôi xin nhận cái hình phạt này, chỉ mong cái thân tôi có đủ sức khỏe để tiếp tục cứu giúp các sinh linh bé nhỏ ấy”.
Từng ấy năm làm cái việc mà bị gọi “khùng” ấy, bà Cúc đã trải qua vô vàn ký ức, bà bảo phía sau phòng nạo phá thai là những sinh linh tội nghiệp đang mong được sống một kiếp người.
Bà còn kể có ngày bà tìm thấy được một thai nhi hình hài 7, 8 tháng tuổi nhưng bị phá bỏ. Thi thể con dù không còn nguyên vẹn nhưng sự sống của con như níu kéo, bàn tay nhỏ nhắn tội nghiệp ấy của con nắm lấy ngón tay bà. Bà bảo, hôm đó đưa con về, trên đường vừa đi vừa khóc không ngừng. Ông trời cho con được hình thành nhưng không cho con được làm người, không được nhìn thấy ánh mặt trời để được sống…
Cũng từ đó, bà Cúc đi đến các bệnh viện, các phòng khám để xin xác của các thai nhi nhưng bị các y bác sĩ phản đối vì nghi ngờ rằng bà có mục đích bất chính. Không bỏ cuộc, sau nhiều lần lui tới bất kể nắng mưa và khi biết được việc làm của bà, các y bác sĩ đã chấp nhận. Bà Cúc để lại số điện thoại, địa chỉ nếu có trường hợp nào có ý định dại dột nạo phá thai thì bác sỹ hay người nhà bệnh nhân liên hệ tư vấn giúp đỡ.
Từ đó đến nay, không chỉ ở Hà Nam mà còn cả người ở Hưng Yên cũng liên hệ để bà Cúc mang xác thai nhi về chôn cất. Cùng với đó, bà cũng xin các phần đất trong khu nghĩa trang của nhà thờ để chôn cất, vận động nhiều trường hợp có ý định phá thai giữ lại thai nhi, cưu mang giúp những hoàn cảnh khó khăn không thể nuôi trẻ nhỏ.
Bà Cúc còn kể, có lần 3h sáng trời mưa gió, bà nhận được điện thoại ở Hưng Yên gọi báo tới nhận xác thai nhi. Chẳng ngại khó khăn, bà cứ thế một mình rong ruổi khắp các con đường lớn nhỏ để đón các con về ngôi nhà chung. “Đi một mình riết rồi thành quen, nhưng tôi tin trên chặng đường luôn có các con cùng đồng hành và dõi theo…”, đôi mắt bà ánh lên niềm tin sắt đá.
"Mẹ của chúng con tên Cúc"
Ngôi nhà nhỏ ba gian của bà Cúc hiện là nơi sinh sống của 9 thành viên. |
Trong ngôi nhà nhỏ ba gian của bà Cúc hiện là nơi sinh sống của 9 thành viên. Ngoài hai vợ chồng, mẹ già 87 tuổi và 4 con đẻ thì bà Cúc còn nhận nuôi 3 bé là Trần Bảo Phúc và Trần Bảo Khánh hiện đã được 5 tuổi - con song sinh của một người mẹ trẻ không có khả năng nuôi dưỡng, và một bé út tên Đỗ Thị Hồng Ân. Suốt những năm qua, ngoài 3 đứa con đang nuôi giữ, bà Cúc còn khuyên ngăn, giúp đỡ thành công 79 trường hợp có ý định nạo phá thai, có trẻ giờ đã gần 10 tuổi.
Tiếp nối câu chuyện, bà Cúc kể lại cái “cơ duyên bất đắc dĩ” trở thành mẹ của cặp sinh đôi Bảo Phúc - Bảo Khánh. Đó là vào ngày hè hơn 3 năm trước, một cô bé lớp 12 gọi điện cho bà kêu cứu vì lỡ dại mang bầu, trong khi thai to đã hơn 8 tháng. Thuyết phục được cô gái không phá, bà Cúc hứa sẽ hỗ trợ.
Ngày cô sinh nở, bà chạy vạy, xoay xở vay nóng 10 triệu đồng để đóng viện phí cho cô sinh con. Cứ ngỡ những người mẹ khi thấy con được sinh ra sẽ động lòng thương xót, chẳng ai ngờ, một ngày cô gái trẻ ấy mang hai đứa con sinh đôi đặt trước cổng nhà bà Cúc rồi cất bước ra đi để “xây dựng hạnh phúc mới”.
“Hai đứa nhỏ kia chính là một trong những ca giải cứu vất vả nhất mà tôi cố gắng để cứu được các con sống sót. Kể từ lúc chúng sinh ra tới bây giờ, chưa lần nào mẹ các cháu về thăm chúng cả”, bà nói trong xót xa.
Nói về bé Đỗ Thị Hồng Ân, bà Cúc cho biết, đó là ngày 25/9 âm lịch năm 2018, khoảng 9h đêm khi bà đang đi trên đê gần nhà. Khi đó, bà tình cờ bắt gặp bé đang thoi thóp thở trong một bọc vải, bụng vẫn còn dây rốn. Thấy con còn sống, bà thở phào rồi vội vàng cởi áo bao bọc cho con mang về lau rửa sạch sẽ.
Khi được hỏi bây giờ bà mong ước điều gì nhất, bà Cúc nói: “Tôi chỉ ước có ngày không phải nghe những cuộc điện thoại từ các nơi gọi về báo có xác thai nhi, để rồi lại phải buồn, phải thương xót cho số phận các con. Cũng chỉ mong các bạn trẻ sống có trách nhiệm với chính bản thân mình, đừng để lại hậu quả rồi nhẫn tâm tước đi sự sống của những sinh linh bé nhỏ…”.
Rời khỏi khu lăng mộ, chúng tôi quay lại căn nhà của bà Cúc, vừa đến cửa phía trong nhà đã vọng tiếng của hai bé Bảo Quốc và Bảo Khánh đang nô đùa. Tặng con món quà nhỏ, tôi hỏi Bảo Quốc “Mẹ con tên gì nhỉ?”. Ôm cổ tôi, Quốc dõng dạc nói: “Mẹ con là mẹ Cúc chứ ai, mẹ Cúc mua bánh kẹo, mua sữa thì phải yêu mẹ Cúc nhiều”. Và thế căn nhà nhỏ lại rộ lên tiếng cười. Tiếng cười của những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên xen lẫn tiếng cười của người mẹ “bất đắc dĩ”.
Chia tay gia đình bé nhỏ mà hạnh phúc của bà Cúc, chúng tôi rời khỏi căn nhà cấp 4 cũ kỹ, chào tạm biệt các con để quay trở về Hà Nội. Thấy mọi người quay đầu đi ra cổng, Bảo Quốc, Bảo Khánh cứ quấn lấy chân không cho ai về.
Dù cuộc sống còn có quá nhiều điều phải lo, nhưng Bảo Quốc, Bảo Khánh và Hồng Ân đều là những đứa trẻ đáng yêu. Các con được cứu sống, được cưu mang, được có một gia đình trọn vẹn và hơn hết là các con đã có một người để được cất gọi tiếng “mẹ” thiêng liêng và cao cả!
Thu Huyền
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 143 ra ngày 6/9