Dữ liệu từ Bộ Y tế Australia cho thấy, 969 điểm tiêm chủng ở nước này báo cáo tình trạng đổ bỏ vaccine AstraZeneca do hết hạn sử dụng. Khoảng 32.000 liều vaccine được báo cáo là hết hạn.
Số vaccine AstraZeneca không được sử dụng ở Australia đã lên tới 7 triệu liều trong bối cảnh năng lực sản xuất vaccine của nước này tăng mạnh từ 2,5 triệu liều vào tháng 7 lên 4 triệu và 3,9 triệu liều vào các tháng 8,9.
Để tránh nguy cơ lãng phí, Bộ Y tế Australia khuyến cáo cơ sở y tế và phòng khám chuyển số vaccine dư thừa tới những địa phương khác có nhu cầu lớn hơn.
Ngoài ra, vaccine dư thừa cũng được dùng để hỗ trợ các nước Thái Bình Dương. Đến nay, Australia đã chia sẻ khoảng 3,7 triệu liều cho 12 quốc gia ở khu vực này.
Tuy nhiên, nhiều nhóm hoạt động kêu gọi chính phủ Australia cần làm nhiều hơn nữa để hạn chế lãng phí vaccine.
Nhóm vận động End Covid For All gần đây kêu gọi Australia tài trợ thêm 20 triệu liều vaccine cho các nước có thu nhập thấp chống COVID-19 thông qua cơ chế Covax. Nhóm này cũng hy vọng chính phủ đầu tư thêm 250 triệu USD cho cơ chế chia sẻ vaccine.
Theo Our World in Data, hiện 61,9% dân số Australia đã tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng COVID-19.
Chính phủ Australia đặt mục tiêu dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch, bao gồm cả lệnh cấm đi lại khi 80% dân số trên 16 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Cột mốc này dự kiến sẽ đạt được vào giữa tháng 11.
Trước đó, vào cuối tháng 9, Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cảnh báo, hơn 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 có thể sẽ hết hạn và bị vứt bỏ vào tháng 12 tới đây nếu chúng không được chia sẻ cho các nước nghèo.
Cựu Thủ tướng Anh cho biết, việc Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo EU không có kế hoạch về phân phối liều vaccine dự phòng sẽ đồng nghĩa với việc thế giới đang phải đối mặt với "thảm họa lãng phí vaccine".
Cựu Thủ tướng Anh cho biết điều quan trọng là làm thế nào để phân phối các liều vaccine này, đồng thời cảnh báo về việc khả năng không có thỏa thuận về việc ai sẽ cung cấp vaccine cho các nước nghèo.
Mộc Miên (T/h)