Ngày 5/11, tại Đà Nẵng, Kỳ họp lần thứ 4 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đã khai mạc phiên toàn thể với sự tham dự của đại diện 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Bên lề Kỳ họp, các đại biểu tham dự đã chia sẻ nhiều ý kiến về việc đảm bảo tự do thương mại nhằm mang lại lợi ích cho người dân.
Đảm bảo môi trường kinh doanh tự do
Ông Rod Eddington, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Kinh tế J.P. Morgan (Hoa Kỳ) cho rằng, điều quan trọng hiện nay là cần bảo đảm môi trường kinh doanh tự do ở APEC bởi một trong những trọng tâm của APEC là thúc đẩy phát triển bao trùm. Ông Rod Eddington đề xuất, trong Tuần lễ Cấp cao APEC, các nền kinh tế thành viên APEC cần thảo luận về việc đảm bảo tự do thương mại, nhằm mang lại lợi ích cho người dân.
Cũng theo ông Rod Eddington, Việt Nam là một nhân tố quan trọng của kinh tế khu vực với thế mạnh ở nhiều mặt hàng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo. APEC là cơ hội quan trọng để Việt Nam thể hiện lợi thế, sức mạnh của mình. Để làm được điều này, Việt Nam cần đảm bảo cơ chế tự do thương mại đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, qua đó thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư nước ngoài, từ đó tạo ra thêm nhiều việc làm, thúc đẩy tăng trưởng.
Các đại biểu trao đổi bên lề khai mạc Phiên toàn thể sáng 5/11. Ảnh: TTXVN |
Theo bà Tracey Fellows, Giám đốc điều hành Tập đoàn RAE (Australia), APEC đang có nhiều cơ hội phát triển thương mại trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế trong khu vực. Đối với Việt Nam, bà Tracey Fellows cho rằng, phát triển giáo dục - đào tạo, đặc biệt là các kĩ năng về công nghệ, trình độ ngoại ngữ là những vấn đề cần ưu tiên.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình tăng cường kết nối với người dân và doanh nghiệp. Nhận xét Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phát triển và đạt được một số thành công nhất định, tuy nhiên, bà Tracey Fellows cho rằng, Việt Nam cần khắc phục khoảng cách về công nghệ số với các nền kinh tế thành viên APEC nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Cũng quan tâm đến vấn đề công nghệ số, Tiến sỹ Allan Zeman, doanh nhân Hồng Kông (Trung Quốc), Chủ tịch các Tập đoàn GBM, GBS, JB khuyến nghị, trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, Việt Nam cần tập trung nhiều cho giáo dục để hình thành thói quen cho giới trẻ đối với thương mại điện tử. Hơn nữa, việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam cũng là rất phù hợp bởi đây là quốc gia đông dân và điều này sẽ tạo nên đặc thù, tính hấp dẫn cho thị trường tiêu dùng Việt Nam.
Tiếp cận, hội nhập với khoa học công nghệ thế giới
Chia sẻ một số nội dung kiến nghị cho Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra vào tuần sau, ông Hoàng Văn Dũng Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC 2017 (ABAC) cho biết: Trong kỳ họp này, ABAC sẽ đề xuất các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC ba chủ đề thảo luận gồm: Tiếp tục hội nhập sâu hơn vào khu vực, dỡ bỏ hàng rào bảo hộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển về thương mại và đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận với nguồn tài chính, khoa học công nghệ, các tiến bộ về kỹ thuật số; hoạch định tầm nhìn 2020 và những năm tiếp theo.
Theo ông Hoàng Văn Dũng, trong 28 năm hoạt động của APEC, ABAC đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của từng nền kinh tế lên gấp 5 lần; góp phần đưa 1,2 tỷ người dân trong khu vực này ra khỏi nghèo đói, tỷ lệ rào cản thuế từ 17% giảm xuống còn 5,2% và đang tiếp tục giảm. Ông Hoàng Văn Dũng khuyến nghị, chỉ có tiếp cận, hội nhập với khoa học công nghệ thế giới thì kinh tế Việt Nam mới phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, người dân Việt Nam mới được hưởng lợi và doanh nghiệp Việt mới trưởng thành.