Theo Hãng tin Reuters, Hạ viện Áo đã thông qua việc bắt buộc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đối với người trên 18 tuổi kể từ ngày 1/2. Biện pháp này dự kiến sẽ dễ dàng vượt qua ải Thượng viện.
"Bắt buộc tiêm ngừa COVID-19 là lối thoát khẩn cấp... khỏi các biện pháp hạn chế về quyền cơ bản và cá nhân như chúng ta đã chịu đựng trong 2 năm qua", chính trị gia Pamela Rendi-Wagner nói trước Quốc hội Áo.
Những người từ chối tiêm vắc-xin phải chịu mức phạt từ 600 euro-3.600 euro (tương đương 684 USD-4.100 USD).
Tuy nhiên, quy định sẽ không áp dụng với phụ nữ mang thai cũng như các đối tượng vì lý do y tế không thể tiêm chủng. Những người đã khỏi bệnh được miễn tiêm chủng trong vòng 180 ngày kể từ khi mắc bệnh. Giai đoạn quá độ để mọi người đi tiêm chủng sẽ kéo dài tới giữa tháng 3 tới.
Bộ trưởng Y tế liên bang Áo Wolfgang Mückstein nhấn mạnh tiêm chủng bắt buộc là hành động thể hiện sự đoàn kết và gắn bó của người dân với nhau. Ông nêu rõ, khi càng có nhiều người được tiêm chủng thì sẽ càng có ít ca tử vong vì COVID-19. Bà Pamela Rendi-Wagner, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPÖ) đối lập cũng hoan nghênh kế hoạch này.
Trước đó, dự luật này quy định độ tuổi trong diện tiêm chủng bắt buộc là 14 tuổi trở lên, song sau đó các nhà lập pháp nhất trí nâng độ tuổi lên 18 tuổi. Thống kê cho thấy 71,5% dân số đủ điều kiện tiêm chủng tại Áo đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Việc tiêm phòng bắt buộc không phải là điều chưa từng có tiền lệ ở Áo. Năm 1948, Chính phủ Áo khi đó đã bắt buộc phải tiêm phòng bệnh đậu mùa theo luật. Đến năm 1980, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa là căn bệnh đầu tiên bị đánh bại nhờ tiêm chủng.
Trên thế giới, Ý đã bắt buộc tiêm ngừa COVID-19 đối với người trên 50 tuổi, còn Hy Lạp cũng bắt buộc tiêm với người trên 60 tuổi. Một số nước châu Âu cũng yêu cầu nhân viên y tế phải tiêm ngừa.
Một số nước như Ecuador, Tajikistan, Turkmenistan, Indonesia và Micronesia cũng đã áp dụng việc tiêm ngừa bắt buộc.
Mộc Miên (T/h)