Bà Karoline Edtstadler, Bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu của Áo, cho biết, Vienna có thể sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình để phản đối việc mở rộng khu vực Schengen thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Được biết, các bộ trưởng châu Âu sẽ họp trong ngày 8/12 (giờ địa phương) để bỏ phiếu về việc gia nhập khu vực Schengen của Bulgaria, Romania và Croatia. Trước thềm cuộc gặp này, bà Edtstadler chia sẻ: "Chúng tôi không thể bỏ phiếu ủng hộ việc mở rộng khu vực Schengen vì nó cũng liên quan đến vấn đề an ninh của công dân châu Âu".
Áo lập luận rằng dòng người xin tị nạn mới di chuyển qua tuyến đường Tây Balkan cho thấy việc mở rộng về phía Đông của Schengen nên được hoãn lại. Trong đó, Vienna dự kiến sẽ nhận được hơn 95.000 yêu cầu tị nạn trong năm nay, đây được xem là một con số tương đối lớn.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer hồi tháng trước từng thông tin: "Chúng tôi đang chịu áp lực rất lớn từ tình trạng di cư bất thường, mặc dù chúng tôi là một quốc gia EU không giáp biển và không phải là một quốc gia có biên giới bên ngoài. Hệ thống tị nạn châu Âu đang quá tải".
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 8/12, Croatia dự kiến sẽ nhận được sự chấp thuận của các thành viên về việc gia nhập khu vực Schengen. Tuy nhiên, "tấm vé" gia nhập khu vực 2 nước còn lại là Bulgaria và Romania có thể gặp nhiều cản trở hơn.
Hiện Bulgaria đang vấp phải sự phản đối của Áo và Hà Lan còn Romania chỉ bị Áo phản đối.
Được biết, khu vực Schengen là một khu vực bao gồm 26 quốc gia châu Âu. Các nước này đã chính thức bãi bỏ quy định về hộ chiếu và tất cả các loại quản lý biên giới tại biên giới chung của họ. Khu vực này chủ yếu hoạt động như một khu vực tài phán duy nhất cho các mục đích du lịch quốc tế, với chính sách thị thưc chung. Tên của khu vực này được đặt theo Hiệp ước Schengen được ký năm 1985 tại Schengen, Luxembourg.
Minh Hạnh (Theo Euractiv, Euronews)