Tàu khu trục Type 45 HMS Duncan của Anh đã tới vịnh Ba Tư để hộ tống các tàu của Anh nhằm bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực.
Tàu HMS Montrose của Hải quân Anh. Ảnh: The Guardian |
Ngày 28/7, chính phủ Anh tuyên bố tàu khu trục loại 45 HMS Duncan đã đến Vịnh Ba Tư để tháp tùng các tàu dầu của nước này di chuyển qua khu vực.
Trước đó, Anh chỉ duy trì duy nhất một tàu chiến là tàu HMS Montrose của Hải quân ở Vùng Vịnh. Điều này khiến London đối mặt với nhiều chỉ trích vì không bảo vệ an toàn cho tàu dầu bị lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bắt hồi giữa tháng này.
“Hải quân Hoàng gia Anh sẽ tiếp tục duy trì năng lực nhất quán, kéo dài và đẳng cấp thế giới tại khu vực. HMS Duncan tự hào hỗ trợ cho chiến dịch quan trọng này và sẵn sàng đóng góp vai trò của mình”, Tom Trent, sĩ quan chỉ huy tàu HMS Duncan, cho biết.
Hải quân Hoàng gia Anh thông báo về việc triển khai tàu HMS Duncan từ cách đây 3 tuần, sau khi HMS Montrose, tàu chiến duy nhất của Anh trong khu vực, được cho là bị các tàu Iran bao vây.
Giới chức Anh cho biết ngày 10/7, tàu HMS Montrose đã cảnh báo các tàu Iran có ý định cản trở hoạt động của tàu chở dầu Anh khi tàu này đi qua eo biển Hormuz tại vùng Vịnh. Tuy nhiên, phía Iran phủ nhận thông tin này.
Ngoài Anh, Mỹ cũng đã điều nhóm tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln cùng các máy bay ném bom chiến lược B-52 tới khu vực để "dằn mặt" Iran. Các động thái làm dấy lên lo ngại về nguy cơ căng thẳng bùng phát thành một cuộc đối đầu quân sự trực diện giữa Iran với phương Tây.
Ở một diễn biến khác, Ông Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Mỹ và hiện là người đứng đầu Hội nghị An ninh Munich, hôm 28/7 đã lên tiếng để kêu gọi thêm sự tham gia của quân đội Đức tại Vịnh Ba Tư, hãng thông tấn DW đưa tin.
Liên quan đến quyền vận chuyển giữa Iran và Anh, cả hai quốc gia đều đang bắt giữ các tàu chở dầu. Hôm 15/7, London đã đề nghị thành lập một chiến dịch hải quân châu Âu để bảo vệ các tàu trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn với tờ Welt am Sonntag, nhà ngoại giao kỳ cựu khẳng định rằng Đức có nghĩa vụ đạo đức phải đóng vai trò của mình. "Hầu như không có quốc gia nào phụ thuộc vào sự tự do vận chuyển quốc tế như Đức-quốc gia chuyên xuất khẩu," ông Ischinger nói.
Mộc Miên(Theo The Guardian)