+Aa-
    Zalo

    Anh hùng Phạm Tuân: "Chúng tôi không cần ưu tiên bẻ cong đường"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - "Tôi được Nhà nước cho thế nào thì hưởng thế ấy chứ đã vào quy hoạch thì ưu tiên cho tôi ở lại bắt người khác đi, tôi không hề muốn", anh hùng Phạm Tuân nói.

    "Tôi được Nhà nước cho thế nào thì hưởng thế ấy chứ đã vào quy hoạch thì ưu tiên cho tôi ở lại bắt người khác đi, tôi không hề muốn", anh hùng Phạm Tuân nói.

    Bản quy hoạch này đã có từ hơn 10 năm nay

    - Thưa ông, mới đây báo chí vừa đăng danh sách quan chức, anh hùng ở đoạn đường Trường Chinh được cho là bị bẻ cong vì né xâm phạm các nhà này, trong đó có nhà của ông - anh hùng Phạm Tuân. Vậy ông có ý kiến gì về thông tin này?

    - Cái gì cũng phải có nguồn gốc của nó. Quy hoạch, mở rộng đường Trường Chinh được UBND thành phố Hà Nội ký lâu rồi chứ không phải bây giờ đất đai nó căng thẳng mới nói nắn đường né nhà người nọ người kia. Nói thế là không đúng.

    - Ông có thể nói cụ thể hơn để dư luận hiểu được nguồn gốc của vấn đề?

    - Sau chiến tranh, cán bộ, bộ đội được nhà nước quan tâm, giao cho đất hoặc cho nhà để giải quyết khó khăn sau chiến tranh. Bấy giờ trong thời gian cuối những năm 80 đầu những năm 90, cán bộ không phải ai cũng thích đất vì không có điều kiện xây nhà mà muốn cấp nhà để ở luôn.

    Anh hùng Phạm Tuân:
    Anh hùng Phạm Tuân cho biết, bản quy hoạch treo công khai ở phường nhiều năm nay chứ có phải giấu diếm gì.

    Tôi ở bộ đội lâu nên lúc đó được quân chủng không quân phân cho đất ở đường Trường Chinh và bắt đầu ở đó từ năm 1990. Lúc đó, khu vực đó rất hoang vu, chưa có nhà ở, tôi là người ở đầu tiên xây nhà ở. Cũng nằm trong những năm đầu 90 đó, có quy hoạch đường Trường Chinh. Quy hoạch là phạm vi của Bộ Quốc phòng và UBND thành phố Hà Nội và tôi khi đó đang là cán bộ quân chủng, không tham gia gì vấn đề này.

    Lúc đó không phải kinh tế thị trường như bây giờ, cán bộ lúc đó đều ở sâu trong chứ không xô ra mặt đường để cạnh tranh. Nghĩa là kế hoạch quy hoạch đường Trường Chinh có từ cuối những năm 90 với nhiều phương án khác nhau tôi không biết cụ thể.

    Bấy giờ không ai nghĩ nắn thẳng hay nắn cong. Đất bên kia là đất bên quân chủng không ai ở, đất bên này cục chính trị ở, chúng tôi ở một đầu, gọi chung là đất quốc phòng. Bên kia có hành lang rất rộng thì chắc đơn vị lên quy hoạch thấy là mở bên đó rộng hơn để khỏi phải giải tỏa sẽ hợp lý hơn. Cấp quân chủng cũng chỉ tham gia ý kiến vào quy hoạch trong phạm vi đất quốc phòng mà quân chủng được giao quản lý (từ Hố Mẻ đến cống Chéo).

    Bây giờ, khi thi công thấy đường nó hơi cong nói là do nắn thì không phải. Nếu chúng tôi là cán bộ của UBND thành phố Hà Nội, là người ký quyết định đó thì mới bảo là nghi ngờ có sự điều chỉnh. Đây giữa quân chủng không quân, Bộ Quốc phòng với Hà Nội làm việc rõ ràng có văn bản, chúng tôi không tham gia, tác động.

    Anh hùng Phạm Tuân:
    Đoạn đường cong trên đường Trường Chinh.

    Bản quy hoạch treo công khai ở phường nhiều năm nay chứ có phải giấu diếm gì đâu nhưng chẳng ai có ý kiến gì, bây giờ làm xong mới quay sang ý kiến là không hợp lý.

    "Đã vào quy hoạch thì ưu tiên cho tôi ở lại, tôi không hề muốn"

    - Theo Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, khi UBND TP Hà Nội có chủ trương mở rộng đường Trường Chinh, nhằm giữ ổn định đời sống cho tướng lĩnh, những người có đóng góp quan trọng nhất vào việc bảo vệ vùng trời của đất nước, Quân chủng PKKQ đề nghị thành phố lấy vào phần đất của quân chủng, hạn chế lấy đất của nhà tướng lĩnh, sỹ quan. Đây là ơn nghĩa dành cho bộ máy đầu não bảo vệ vùng trời. Ông có đồng tình với ý kiến này?

    - Đấy là ý kiến của cá nhân anh Lan. Theo tôi mọi sự ưu tiên phải nằm trong chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước còn ngoài chính sách chúng tôi không bao giờ muốn. Tôi được Nhà nước cho thế nào thì hưởng thế ấy chứ đã vào quy hoạch thì ưu tiên cho tôi ở lại bắt người khác đi tôi không hề muốn.

    Tôi đã chiến đấu suốt đời, ở cương vị không cao nhưng đã được nhân dân biết đến thì mình thêm một tí được cái gì, chiến đấu cả đời có phải được chỗ đó đâu. Lúc chiến đấu chỉ nghĩ làm sao bảo vệ được Tổ quốc chứ đâu có nghĩ đến sau này về tôi được miếng đất này, miếng đất kia.

    Thực tế ngày xưa nếu xin đất xin nhà thì tôi đã không ở chỗ này vì nhiều chỗ còn đẹp hơn. Tôi làm theo đúng luật, ưu tiên trong nháy nháy để mà thế này thế kia thì không bao giờ màng đến.

    Hơn nữa, khi Nhà nước phân đất, chúng tôi được phép làm từ chỗ được phân nhưng bảo nhau làm lui vào 12 m nên khi quy hoạch, nếu lấy sâu vào nữa thì vẫn không ảnh hưởng đến nhà cửa. Thậm chí, cắt vào nửa nhà thì chúng tôi vẫn có thể lùi vào vì đất quân chủng phía sau còn rất nhiều.

    Tóm lại, ngoài chính sách, chúng tôi không có nhu cầu ưu tiên gì hết, lấy bao nhiêu là do nhà nước.

    - Vậy theo ông nguyên nhân khiến đoạn đường Trường Chinh bị uốn cong là gì?

    - Ngày xưa đất quân sự phải theo quy hoạch của quân sự, cắt đất quân sự ở đâu, đến đâu phải là Thủ tướng Chính phủ ký. Theo đó, quy hoạch đường sá lúc đó phải căn cứ vào những điều kiện cụ thể của quân sự lúc đó chứ không phải thích vẽ thế nào được thế ấy.

    Anh hùng Phạm Tuân:

    "Tôi không có ý kiến gì, Nhà nước giải quyết như thế nào tôi theo thế. Cái gì trái với pháp luật thì thu hồi, không trái thì xử lý bình đẳng", ông nói.

    - Bản quy hoạch có từ nhiều năm trước nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thực tế thi công bây giờ không giống như bản vẽ trước đó?

    - Điều này tôi không biết, nếu đơn vị thi công không đúng với bản vẽ thì cơ quan chức năng phải giám sát. Theo bản vẽ, nhà tôi phải lùi vào 3m85 và khi làm nhà chúng tôi đã chủ động lùi vào 1m để làm hè. Như vậy cộng tất cả nhà tôi bị lấy ra khoảng gần 5m.

    - Trước nhiều luồng thông tin, theo ông sự việc này nên giải quyết như thế nào?

    - Tôi không có ý kiến gì, Nhà nước giải quyết như thế nào tôi theo thế. Cái gì trái với pháp luật thì thu hồi, không trái thì xử lý bình đẳng.

    Về phía tôi, khi cơ quan chức năng đem bản vẽ đến nhà tôi nói lấy vào thế này tôi xem và ký ngay. Đền bù nhà nước tính thế nào thì tôi nhận mức đó, không có đề xuất gì thêm cả.

    Xin cám ơn ông!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/anh-hung-pham-tuan-chung-toi-khong-can-uu-tien-be-cong-duong-a28579.html
    Chính quyền tự

    Chính quyền tự "sáng chế" quy hoạch để làm khó cho dân

    (ĐSPL) - Thời gian qua, Hà Tĩnh được Chính phủ, Bộ GT - VT đánh giá là đơn vị có sáng kiến GPMB mở rộng, nâng cấp QL1A nhanh, hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số nơi, việc làm này mang tính áp đặt; dùng các biện pháp suy diễn, máy móc khiến người dân bị ảnh hưởng mất rất nhiều quyền lợi.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chính quyền tự

    Chính quyền tự "sáng chế" quy hoạch để làm khó cho dân

    (ĐSPL) - Thời gian qua, Hà Tĩnh được Chính phủ, Bộ GT - VT đánh giá là đơn vị có sáng kiến GPMB mở rộng, nâng cấp QL1A nhanh, hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số nơi, việc làm này mang tính áp đặt; dùng các biện pháp suy diễn, máy móc khiến người dân bị ảnh hưởng mất rất nhiều quyền lợi.