Vải là loại quả phổ biến và được nhiều người yêu thích mỗi dịp hè về. Tuy nhiên, nếu ăn không đúng cách loại quả này có thể gây nóng trong người, nhiệt miệng, dị ứng, đau họng,... thậm chí nổi ban đỏ.
Vải là loại quả có nhiều ở nước ta vào mùa hè - Ảnh: Minh họa |
Trong quả vải hàm lượng các khoáng chất như magie, kali và một số vitamin, đặc biệt là vitamin C rất phong phú. Cho nên, ăn vải rất tốt cho hệ thống miễn dịch của con người. Không những thế, ăn vải giúp bổ não, giải độc, tăng cường miễn dịch, chống ung thư.
Cùi vải được dùng làm thực phẩm và thuốc với tên long vải, chứa rất nhiều các thành phần hóa học có lợi cho sức khỏe con người như các loại đường glucose, sacharose, protein, chất béo, acid citric, ascorbic, nicotic, ribofl avin, caroten và các nguyên tố vi lượng Ca, P, Fe…
Bổ sung năng lượng, ích trí bổ não: Trong cơm vải chứa 66% đường glucose, 5% đường saccharose, chứa tổng đường trên 70%, đứng hàng đầu của cây ăn trái, có tác dụng bổ sung năng lượng, gia tăng dinh dưỡng.
Vải có tác dụng bổ dưỡng đối với các tổ chức đại não, cải thiện các chứng mất ngủ; hay quên; tinh thần ủ rũ… thấy rõ.
Theo Đông y, hạt vải vị ngọt chát, tính ôn, có tác dụng tán hàn, chữa tiêu chảy ở trẻ em với liều từ 4-8g dưới dạng bột hay sắc uống.
Tăng cường chức năng miễn dịch: Cơm vải chứa nhiều vitamin C và protid, giúp ích tăng cường chức năng miễn dịch, nâng cao sức đề kháng. Từ xưa đến nay được xem là món ăn tẩm bổ.
Vải thiều có hàm lượng đường cao, giàu acid hữu cơ, các muối khoáng Ca, Fe, P, các vitamin B1, B2, C. Song nếu ăn nhiều vải rất dễ bị nóng.
Ăn vải không đúng cách dễ gây nóng trong người - Ảnh: Minh họa |
Dưới đây là những gợi ý của chuyên gia giúp bạn có thể yên tâm khi ăn loại quả bổ dưỡng này mà không sợ bị nóng.
- Ăn vải khi có cả lớp màng trắng bọc ngoài
Theo ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng), khi ăn vải nên ăn cả lớp màng trắng bọc ngoài cùi vải. Cùng với đó, bạn có thể ăn thêm phần trắng trên đầu hạt vải để hạn chế nhiệt, sinh hỏa, giảm được cảm giác nóng trong người khi ăn.
- Ngâm vải vào nước muối trước khi ăn
Theo GS Đỗ Tất Lợi, khi ăn vải nhiều người bị ngộ độc với những triệu chứng người nôn nao, nổi mề đay, đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở, huyết áp hạ...
Những triệu chứng này thực ra không phải do bản thân quả vải gây ra mà do một loại nấm độc Candida tropicalis thường thấy ở núm những quả vải chín quá, dập nát, ủng thối. Hàm lượng đường, pH, axit trong quả vải là môi trường cần thiết cho nấm phát triển.
Vì thế, để tránh ngộ độc trước khi ăn bạn nên ngâm quả vải qua nước muối. Bạn cũng có thể uống chút nước muối hoặc trà thảo mộc lạnh, hoặc canh bí đao, chè đậu xanh… hoặc cũng có thể ăn 20 - 30g thịt nạc hoặc uống nước canh xương để phòng trừ ngộ độc.
- Không ăn quá nhiều vải một lúc
Theo lương y Bùi Hồng Minh, vải chứa rất nhiều đường, nếu ăn một lúc khoảng 500g trở lên thì đường glucoza vào máu vượt quá khả năng hấp thu-chuyển hóa của gan, khiến cơ thể tiết insulin tăng lên để làm hạ nồng độ đường máu xuống, gây ra phản ứng đường máu thấp dẫn đến các biểu hiện như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, toát mồ hôi, miệng khô khát, mỏi mệt... Do đó, mỗi lần chúng ta chỉ nên ăn khoảng 10 quả vải đối với người lớn, 3-4 quả với trẻ nhỏ.
Đặc biệt, với những người mắc bệnh tiểu đường thì cần hạn chế tối đa ăn vải, tốt nhất là tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi ăn. Ngoài ra, những người có bệnh tích đờm trong cổ họng, đang bị bệnh thủy đậu, rôm sảy, lẹo mắt, cũng cần hạn chế ăn vải.
Quỳnh Chi(T/h)