Nếu ăn quá nhiều có thể gây ra chứng “say vải”, thậm chí bị ngộ độc do quả vải bị nhiễm nấm.
Theo kinh nghiệm dân gian, nếu ăn nhiều vải có thể gây nóng, làm rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, gây ra chứng “say vải” rất khó chịu. Nguyên nhân là do trong cùi vải có nhiều đường glucoza, nếu ăn một lúc quá nhiều vải (500g trở lên) sẽ có một lượng lớn đường glucoza vào máu, vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan, khiến cơ thể tiết insulin tăng lên để làm hạ nồng độ đường máu xuống, gây ra phản ứng đường máu thấp tức thời với các biểu hiện chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, toát mồ hôi, miệng khô khát, mỏi mệt... Khi gặp triệu chứng này, cần nhanh chóng uống một cốc nước đường sẽ giúp cải thiện tình hình.
Nếu ăn một lúc quá nhiều vải sẽ gây chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh (Ảnh: KT)
Các chuyên gia khuyến cáo, khi ăn vải một lần không nên ăn quá 10 quả, đặc biệt là trẻ nhỏ chỉ nên ăn 3 - 4 quả 1 lần, ăn nhiều sẽ bị nhiệt. Những người thể chất âm hư, táo, nhiệt càng không nên ăn nhiều, đồng thời những người bị bệnh đái tháo đường cũng cần cẩn trọng khi ăn vải.
Ngoài chứng “say vải”, có người bị ngộ độc sau khi ăn vải, xuất hiện triệu chứng nôn nao, nổi mề đay, đau bụng, có khi nôn mửa. Các triệu chứng này không phải do vải mà do loài nấm độc Candida trophicalis trú ngụ ở núm những quả vải bị giập nát, ủng thối gây ra. Hàm lượng đường cao và độ pH của vải là môi trường lý tưởng cho sự phát triển loại nấm này.
Khi bị ngộ độc vải do nấm candida người bệnh thấy nôn nao, đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở, huyết áp cao. Một số người lại thấy ớn lạnh, rùng mình, sau đó sốt từ 38,5 đến 39 độ C, đau đầu, uể oải, đau nhức khớp vùng lưng và thắt lưng, đi cầu phân sệt, lỏng lẫn với nhầy máu, có khi đục như mủ. Máu không tươi mà sẫm như máu cá. Bệnh nhân thỉnh thoảng bị đau quặn vùng hố chậu trái, đau vùng thượng vị.
Khi bị ngộ độc vải, lấy 7 - 10 lát gừng và ít gạo rang cháy đem nấu với nước, pha thêm chút muối và đường rồi để nguội. Uống nước (càng nhiều càng tốt), còn bã thì ăn từng tí một. Có thể chống nhiễm trùng đường tiêu hóa bằng cách rửa sạch một nắm búp ổi non, nhai với ít muối.
Không tự ý dùng thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của thầy thuốc. Người bệnh có thể dùng sulfaguanidan, Smecta, uống thêm vitamin nhóm B, tuy nhiên không nên lạm dụng vitamin C.
Cần đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại cơ sở y tế, đồng thời cho uống bù oresol nếu bệnh nhân đi cầu quá nhiều và có các triệu chứng nhầy máu mũi, vã mồ hôi trán, người khó chịu, niêm mạc miệng khô.