Mồng tơi là loại rau quen thuộc, thường xuất hiện trong bữa cơm của gia đình người Việt, đặc biệt là vào những ngày hè oi nóng. Rau mồng tơi không chỉ giúp giải nhiệt mà còn tốt cho tim, chống ung thư, chống lão hóa, bảo vệ mắt.
Bên cạnh đó, loại rau này còn giúp giải độc, chữa táo bón, ngăn ngừa loãng xương, giảm chất béo và cholesterol.Người bị thiếu máu, phụ nữ đang mang thai và cho con bú ăn rau mồng tơi cũng rất tốt.
Mặc dù mồng tơi có nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không nên lạm dụng loại rau này. Nguyên nhân là vì mồng tơi chứa hàm lượng axit oxalic cao.
Axit oxalic là chất hóa học có khả năng liên kết với canxi, sắt, khiến cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Vì vậy, bạn nên ăn kèm rau mồng tơi với các thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, khế, cà chua.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bạn cũng nên lưu ý những điều sau khi ăn rau mồng tơi:
Lựa chọn cẩn thận, tránh ăn rau có dấu hiệu phun thuốc tăng trưởng
Rau mồng tơi an toàn thường có màu xanh hơi vàng. Lá có phiến ngắn và dày, phát triển cân đối với phần thân. Thân rau giòn, rắn chắc.
Trong khi đó, rau mồng tơi được phun thuốc tăng trưởng sẽ xanh đậm và bóng mượt. Việc ăn rau phun thuốc tăng trưởng về lâu dài sẽ gây hại cho sức khỏe.
Không ăn sống rau mồng tơi
Rau mồng tơi khi ăn sống sẽ khiến bạn bị đầy bụng, khó tiêu. Việc nấu chín kỹ mồng tơi giúp bạn tận dụng tối đa các chất dinh dưỡng có trong loại rau này.
Không ăn rau mồng tơi cùng thịt bò
Rau mồng tơi ăn cùng thịt bò sẽ làm mất đi tính nhuận tràng, tiêu hóa kém hơn. Đối với người bị táo bón, việc kết hợp giữa mồng tơi và thịt bò sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng.
Không ăn rau mồng tơi khi bị sỏi thận
Mồng tơi chứa nhiều purin, sau khi ăn sẽ biến thành axit uric, làm tăng nguy cơ phát triển của sỏi thận. Các axit oxalic trong rau mồng tơi àm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, khiến sỏi thận ngày càng phát triển.
Không ăn rau mồng tơi để qua đêm
Canh mồng tơi nấu chín tuyệt đối không nên để qua đêm. Hàm lượng nitrat trong rau xanh khá nhiều. Nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn bị phân hủy, lượng nitrat sẽ tạo thành nitrite – chất gây ung thư.
Nitrite được đưa vào dạ dày qua ăn uống sẽ hình thành N-nitroso. Đây là hợp chất có khả năng gây nên các bệnh ung thư như thực quản, dạ dày và bệnh ở hệ tiêu hóa.
Không ăn rau mồng tơi khi mới lấy cao răng
Axit oxalic trong rau mồng tơi không hòa tan trong nước. Do đó, loại rau này dễ tạo mang ố bám trên răng. Người mới lấy cao răng được khuyên không nên ăn mồng tơi trong vòng 1 – 2 tuần đầu.
Không ăn rau mồng tơi khi bị tiêu chảy, đau dạ dày
Mồng tơi có tính hàn, nhuận tràng. Vì vậy, người bị tiêu chảy, đại tiện lỏng không nên ăn để tránh bệnh nặng thêm.
Lượng chất xơ lớn trong loại rau này cũng có thể khiến dạ dày khó chịu khi ăn quá nhiều. Đây là lý do vì sao người đau dạ dày không nên ăn mồng tơi.
Đinh Kim(T/h)