(ĐSPL) - Luật sư nghi ngờ, việc một thiếu niên gần 15 tuổi là người dân tộc thiểu số khó có đủ sức giết hại một người đã trưởng thành như chị H..
Sau hai lần hoãn phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung (SN 1988, trú tại Lộc Bình, Lạng Sơn) về tội giết người, cướp tài sản (xảy ra tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) cách đây hơn 10 năm, ngày 6/3, Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm lần thứ 3 xét xử vụ án này.
Khác với các lần trước, phiên toà lần này, an ninh được thắt chặt, chỉ có những người có giấy triệu tập của tòa mới được tham dự. PV báo chí theo dõi phiên toà tại phòng khách và qua màn hình tivi...
Hung thủ nhiều lần định tự thú nhưng anh trai ngăn cản
Đúng 8h ngày 6/3, hội đồng xét xử (HĐXX) bước vào làm việc. Bị cáo Lý Nguyễn Chung mặc áo sơ mi xanh, quần đen cúi gằm mặt ngồi hàng ghế đầu. Ngay hàng ghế bên cạnh là chỗ ngồi của những người thân trong gia đình bị hại cùng bố và mẹ kế của Chung (ông Chúc và bà Lành).
Lý Nguyễn Chung tại phiên tòa sáng 6/3. |
Theo tài liệu được vị đại diện VKS nêu, vào khoảng 19h30 ngày 15/8/2003, Lý Nguyễn Chung đến quán tạp hóa của chị Nguyễn Thị H. (31 tuổi), ở thôn Me, xã Nghĩa Trung (Việt Yên, Bắc Giang) để mua dầu gội đầu. Khi đi, Chung mang theo một con dao bấm Trung Quốc để trong túi quần.
Đến nơi, phát hiện hộp đựng tiền để trong tủ kính của cửa hàng chị H., Chung đã thực hiện hành vi sát hại chủ quán để cướp tài sản.
Sau khi gây án, Chung tháo 2 nhẫn vàng trên tay chị H., nhặt con dao hung khí và mở tủ bán hàng lấy tiền đi số 59 nghìn đồng rồi tắt điện đi về. Đến khoảng 22h cùng ngày, người dân phát hiện chị H. đã chết tại nhà riêng.
Còn Chung sau khi lên Lạng Sơn đã được anh trai đưa địa chỉ người quen để trốn vào Đắk Lắk. Thời gian sinh sống tại Đắk Lắk, Chung đã lấy vợ và có hai người con, con lớn của Chung sinh năm 2011, con nhỏ sinh 2014.
Ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã đến Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao để đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Trước câu hỏi vì sao ra tay sát hại chị H., Chung trả lời không hiểu vì sao mình lại ra tay tàn ác như vậy. Chỉ biết rằng khi vào mua hàng nhìn thấy trong tủ của chị H. có tiền, cũng không biết có bao nhiêu chỉ thấy lồng phồng một tệp nên ngay lúc đó nảy sinh ý định sát hại chị rồi cướp.
“Khi bị cáo ra tay đâm người, chị H. có kêu gào nhưng bị cáo như con thú say mồi, cứ thế vung tay thôi, bị cáo không nhớ đâm bao nhiêu nhát... Bị cáo khi đó không cần tiền làm gì...”, bị cáo Chung khai trước tòa.
Khai nhận thêm về vụ việc, bị cáo Chung nói, sau khi gây án xong thì bố và mẹ kế phát hiện ra, sau đó hai người này nói phải đưa bị cáo về Lạng Sơn tạm lánh một thời gian.
Khi về đến Lạng Sơn, bị cáo có nói chuyện của mình với anh trai tên Phúc, anh trai đã sắp xếp cho bị cáo vào Đắk Lắk. Vào được bốn hôm, ân hận sợ hãi về tội ác mà mình gây ra, bị cáo trở lại Lạng Sơn nhưng anh trai bảo phải trở lại Đắk Lắk.
Năm 2005, anh trai mất, bị cáo có ra dự đám tang, nghe phong thanh có người đã biết về tội ác mình gây ra. Bị cáo cũng rất sợ. Đến tháng 4/2005, ông Chúc (bố bị cáo Chung) vào Đắk Lắk thăm con nói, cứ yên tâm ở trong này, ngoài đấy đã có người đi tù thay cho rồi.
“Ở trong Đăk Lắk, bị cáo biết có người đã phải chịu tội thay cho mình, nhiều lần bị cáo cũng đã muốn ra đầu thú trước pháp luật. Thế nhưng, lúc này bị cáo đã có vợ, có con. Thương vợ con vất vả, mình là trụ cột chính trong gia đình, nếu bị bắt ai sẽ lo cho gia đình, nên bị cáo cố tình lẩn trốn đi làm thuê kiếm thêm ít tiền để vợ chuẩn bị sinh con, rồi ra tự thú...”, bị cáo Chung nói.
Ông Chúc nói, vào tối 15/8/2003, sau khi đi làm gạch thuê về, tắm giặt sau đó ăn uống qua quýt rồi ông đi ngả lưng sớm. Khi đó Chung không ăn cơm cùng. Còn bà Lành cho biết, 22h hôm đó, có cô em sang nói chuyện chị H. bị sát hại. Đến sáng bà phát hiện bộ quần áo của Chung dính máu trong chậu nên sinh nghi.
“Khi đó gia đình đã nghi và có hỏi Chung thì nó cũng thừa nhận là ra tay sát hại chị H.. Lúc đó vừa lo sợ, vừa không biết làm thế nào nên gia đình mới đưa cháu đi tạm lánh... Khi đó nó mới 14 tuổi... Chúng tôi thì thương con quá...”, ông Chúc nói.
Lý Nguyễn Chung có thêm đồng phạm?
Khi vị đại diện VKS đọc bản luận tội bị cáo Chung. Theo đó với những hành vi đã gây ra được cơ quan chức năng chứng minh, VKS đề nghị truy tố Chung hai tội danh giết người với mức án 12 năm tù giam và cướp tài sản với mức án từ 2-3 năm tù giam.
Về mặt bồi thường dân sự, bị cáo Chung phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 10 triệu đồng tiền mai táng phí, tổn thất vật chất và tinh thần từ 79 đến 85 triệu đồng. Tiền cấp dưỡng cho cháu Đức từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng, cháu Tiến từ 600 đến 700 nghìn đồng/tháng.
Bà Hoàng Thị Hội, mẹ nạn nhân H. đến tòa khá sớm. Trả lời HĐXX, bà Hội cho biết, tất cả nhờ vào pháp luật. Tuy nhiên bà cũng có thắc mắc, con gái bà có một sợi dây chuyền vàng trước khi bị sát hại, nhưng sau đó lại không thấy, Chung khai không lấy. Vậy, chiếc dây chuyền đó đâu? Gia đình nạn nhân nghi ngờ Chung có đồng phạm.
Bà Hội nghi ngờ có kẻ đồng phạm giúp sức cho Chung. |
Luật sư Hoàng Minh Hiển (đoàn Luật sư Hà Nội), bào chữa cho bị cáo Chung nêu quan điểm, hành vi giết người của Chung mang tính bột phát không toan tính từ trước. Chung đi mua dầu gội đầu, thấy trong tủ của chị Hoan có tiền mới nảy sinh ý định giết chị H. để chiếm đoạt.
Còn việc mang theo dao ở túi quần hậu chỉ là thói quen. Bị cáo Chung có hoàn cảnh khá đặc biệt, là người dân tộc thiểu số, đời sống khốn khó, văn hóa và nhận thức không cao. Hoàn cảnh hiện tại của bị cáo cũng rất khó khăn, lại đang là trụ cột kinh tế trong gia đình.
Thời điểm gây án, Chung chưa đầy 15 tuổi, độ tuổi còn non nớt về nhận thức và chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý. “Đề nghị VKS xem xét giảm truy tố cho bị cáo từ 12 năm tù giam xuống còn 7 năm tù giam về tội giết người”, luật sư Hiển đề nghị.
Còn đối với tội danh Cướp tài sản, ông Hiển cho rằng, việc truy tố hành vi này là từ lời khai của bị cáo Chung. Hiện không thu được 2 chiếc nhẫn và 59 nghìn đồng tang vật, nên đề nghị VKS rút phần truy tố tội danh này.
Về vấn đề bồi thường, ông Hiển cho rằng, yêu cầu của bị hại là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên ông Hiển đề nghị HĐXX xem xét theo quy định của pháp luật, hoàn cảnh của bị cáo để có thể vừa lo cho gia đình, vừa có thể bồi thường cho bị hại.
“Việc một thiếu niên gần 15 tuổi là người dân tộc thiểu số khó có đủ sức giết hại một người đã trưởng thành như chị H.. Phải chăng Chung có đồng phạm giúp sức ra tay sát hại chị H...?”, luật sư Giáp Văn Điệp, luật sư bào chữa đại diện gia đình nạn nhân, nghi vấn.
Về vấn đề bồi thường dân sự, ông Điệp cho rằng, mỗi thời điểm khác nhau nên mức đưa ra bồi thường như vậy là chưa thỏa đáng. Từ quan điểm của mình, ông Điệp đề nghị HĐXX trả hồ sơ, điều tra bổ sung để xem xét các chứng cứ buộc tội, đặc biệt là dấu chân thu thập được tại hiện trường...
Với nghi vấn của luật sư Điệp về việc có kẻ nào đó là đồng phạm với Chung, đại diện VKS cho biết, căn cứ vào kết quả điều tra, kết quả xét hỏi tại tòa để khẳng định, Chung là hung thủ duy nhất gây ra cái chết cho chị H..
Phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung hoãn xử vào ngày 9/3, HĐXX đã trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ án vì lý do chưa làm rõ vấn đề có đồng phạm với Lý Nguyễn Chung hay không.
Gia đình ông Chấn theo dõi sát diễn biến phiên xử Trao đổi với PV báo Đời sống pháp luật, người tù oan Nguyễn Thanh Chấn cho biết, ông và gia đình cũng rất quan tâm đến việc xét xử vụ án Lý Nguyễn Chung. Quan điểm của gia đình ông là mong muốn pháp luật xử lý nghiêm, đúng người đúng tội. |