+Aa-
    Zalo

    An Giang: Đội cứu hộ "tóc bạc" trên sông Vàm Nao

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Gần 30 năm nay, nghe tin có tàu thuyền, ngư dân gặp nạn là những lão nông U70 của đội cứu hộ tóc bạc trên sông Vàm Nao lại gác hết mọi việc, bất chấp đi cứu người.

    Gần 30 năm nay, nghe tin có tàu thuyền, ngư dân gặp nạn là những lão nông U70 của đội cứu hộ tóc bạc trên sông Vàm Nao lại gác hết mọi việc, bất chấp hiểm nguy đi cứu người.

    [presscloud]12561[/presscloud]

    Nguồn video: Pháp luật TP.HCM

    Người dân xứ Vàm Nao (xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) suốt gần 30 năm qua có lẽ đã quen với hình ảnh một chiếc ghe chở 6 - 7 ông lão tuổi thất thập cổ lai hi rong ruổi trên sông giữa trưa nắng chói chang. Đó là những thành viên đội cứu hộ trên khúc sông “tử thần” này.

    Sông Vàm Nao (đoạn chảy qua ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, An Giang) là nơi giao nhau giữa sông Tiền và sông Hậu, luôn có những dòng xoáy cực mạnh.

    Mặc dù đoạn sông này là nỗi ám ảnh của nhiều người nhưng đối với những thành viên trong đội cứu hộ trên sông Vàm Nao (trực thuộc Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Tân, An Giang), họ luôn sẵn sàng lăn xả vào hiểm nguy cứu người gặp nạn bằng tấm lòng cao cả, trượng nghĩa.

    Theo ông Dương Tích (70 tuổi, thành viên của đội cứu hộ), từ tháng 8 đến tháng 9 nước bắt đầu đổ là khi tàu thuyền dễ bị chìm, sà lan lớn cũng lật luôn.

    “Mùa nước nổi, mấy anh em chúng tôi phải thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ. Đội cứu hộ hiện có 17 thành viên, đa số đều làm nông, tuổi đã cao. Tôi là một trong số những người lớn tuổi nhất. Người “trẻ” nhất đội cũng đã tuổi 50” - ông Tích chia sẻ trên báo Pháp luật TP.HCM.

    Ban đầu, đội chỉ có khoảng 6 - 7 thành viên, là các lão nông U70. Tuy nhiên, khi thấy việc làm ý nghĩa, nhiều người trong xóm tình nguyện gia nhập, hiện tại số thành viên tăng lên gần 20 người. Những ông lão xứ Vàm Nao tự nguyện thành lập đội cứu hộ, trang bị ghe, máy sẵn sàng, có nhân lực hỗ trợ, quá trình cứu vớt nạn nhân cũng nhanh chóng, an toàn hơn.

    “Gia đình con cái đều ủng hộ, thậm chí đưa thêm tiền tôi làm việc nghĩa. Mấy anh em trong đội lớn tuổi, ai cũng có khó khăn riêng nhưng chấp nhận làm từ thiện thì khó khăn cỡ nào cũng không kể, chỉ cần cứu được người là mãn nguyện. Thấy gia đình người ta mừng, cám ơn thì trong bụng mình vui theo, bằng không cứu được người, gia đình họ buồn mình cũng buồn” - ông Tích tâm sự.

    Khi có sự cố, ông Dương Văn Lợi (68 tuổi, đội trưởng đội cứu hộ) sẽ là người "chỉ huy", phân công công việc rõ ràng cho từng thành viên: Người quăng phao cứu sinh, người nhảy xuống nước trục vớt, các thành viên còn lại thì giữ dây để kéo nạn nhân lên ghe.

    Nạn nhân vớt lên sẽ được ông sơ cứu tại chỗ, sau đó đội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ban đầu, kỹ thuật sơ cấp cứu đuối nước là do các thành viên trong đội tự học trên tivi. Sau này Hội Chữ thập đỏ tổ chức tập huấn thêm cho các thành viên trong đội.

    Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ các “lão anh hùng” nhận bất cứ sự trả ơn nào, cứ cho đó là sứ mệnh của mình mà thực hiện.

    Các thành viên trong đội cứu hộ tuy không ai nhớ rõ mình đã cứu vớt bao nhiêu người thoát chết trong các vụ tai nạn xảy ra trên những khúc sông đầy nguy hiểm, nhưng với họ mỗi khi nhiệm vụ hoàn thành là niềm vui, niềm hạnh phúc cứ dần tăng lên.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/an-giang-doi-cuu-ho-toc-bac-tren-song-vam-nao-a295081.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan