Theo tin tức thời sự thế giới trên báo VOV, chính quyền thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã quyết định đóng cửa tất cả các trường tiểu học cho đến ngày 10/11. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm không khí tiếp tục duy trì ở mức cao.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại New Delhi ở mức nghiêm trọng trong ngày thứ sáu liên tiếp khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) hôm nay (5/11) đo được là 460. Mức bụi mịn PM2.5 đã tăng vọt lên gấp 7 đến 8 lần giới hạn an toàn tại nhiều khu vực ở vùng thủ đô quốc gia. Tình trạng này làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp và mắt ở trẻ em và người già.
Chất lượng không khí ở New Delhi đã giảm mạnh trong tuần qua do nhiệt độ giảm, gió ứ đọng làm cản trở sự phát tán ô nhiễm và tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch gia tăng ở các bang lân cận như Punjab và Haryana.
Chính quyền thủ đô New Delhi đã triển khai các các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí khẩn cấp, bao gồm cấm xe tải gây ô nhiễm, xe bốn bánh thương mại và dừng tất cả các hoạt động xây dựng nếu AQI vượt quá 450.
Báo Công lý dẫn lời Bộ trưởng môi trường Delhi, Gopal Rai trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin ANI cho biết: “Chính quyền Delhi không thể kiểm soát ô nhiễm vì vấn đề này không phải chỉ của riêng Delhi".
Tháng trước, thành phố Delhi đã mở một trung tâm điều phối ô nhiễm - kết nối 28 cơ quan chính phủ - để xác định các địa điểm phát thải chính xác. Anurag Pawar, kỹ sư môi trường làm việc tại trung tâm này cho biết: “Ngay khi AQI trở nên tồi tệ hơn, chúng tôi sẽ cảnh báo cho các đội của mình tại hiện trường và họ sẽ hành động ngay lập tức”.
Theo VTV, chất lượng không khí là mối quan tâm lớn đối với thủ đô của Ấn Độ, đặc biệt là trong mùa đông, khi thành phố này bị bao phủ bởi sương mù dày đặc, hạn chế tầm nhìn và khiến người dân gặp nhiều nguy cơ sức khỏe khác nhau.
Theo cơ quan kiểm soát ô nhiễm Ấn Độ, đây là đợt ô nhiễm không khí tồi tệ nhất ở thủ đô kể từ năm 2020. Nguyên nhân là do việc sương mù hình thành tại thành phố này vào mỗi mùa đông khiến không khí giữ lại nhiều bụi hơn từ xây dựng, khí thải xe cộ và khói do đốt rơm rạ, gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Thủ đô của Ấn Độ là siêu đô thị ô nhiễm nhất thế giới. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Chicago vào đầu năm nay, mức độ ô nhiễm tại đây cao hơn 25 lần so với hướng dẫn của WHO. Nghiên cứu cảnh báo rằng cuộc sống của người dân có thể bị rút ngắn 12 năm do chất lượng không khí kém, nhận định Ấn Độ là quốc gia phải đối mặt với "gánh nặng sức khỏe lớn nhất" do ô nhiễm không khí do số lượng lớn người dân bị ảnh hưởng bởi nồng độ ô nhiễm bụi mịn cao.
Vân Anh(T/h)