Trung Quốc đang có những động thái mạnh mẽ để nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc vào than, một trong những nguyên nhân chính khiến nước này bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Hình ảnh mù mịt xung quanh một nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc. Ảnh: Financial Times |
Theo Thời báo Hoàn Cầu, Chính phủ Trung Quốc đã đình chỉ xây dựng hàng trăm nhà máy nhiệt điện than. Đây là một động thái quan trọng, chứng minh rằng nguồn nhiên liệu tạo ra thế giới hiện đại đang dần bước đến hồi kết.
Tại Hoa Kỳ, nơi chỉ đứng sau Trung Quốc về quy mô công nghiệp điện, việc sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất điện đã lần đầu tiên vượt quá than trong năm 2016. Tại Vương quốc Anh, nơi phát động cuộc cách mạng công nghiệp bằng than đá, Scotland cũng đã đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng.
Nhiều nước trên thế giới cũng đẩy mạnh kế hoạch giảm tải tiêu thụ nguồn năng lượng than. |
Bắc Kinh cũng đã yêu cầu dừng kế hoạch xây dựng hơn 250 nhà máy nhiệt điện than được đề xuất ở hơn mười tỉnh. Động thái này sẽ hủy bỏ kế hoạch của hàng loạt nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt là 170 gigawatt, tương đương với tổng công suất phát điện của nước Đức.
Đây là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm kiểm soát việc sử dụng nguồn năng lượng hôi như than đá, một trong những thủ phạm gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở nước này. Trong nửa cuối năm 2015, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ ngừng phê duyệt các mỏ than mới và đóng cửa hàng ngàn mỏ than nhỏ.
Theo Sohu, Bắc Kinh đã quyết định đóng cửa 4 nhà máy nhiệt điện lớn nhất cùng với những nhà máy nhỏ không đảm bảo an toàn khí thải ở thành phố này. Trong đó có nhà máy Gaojing một trong những nhà máy nhiệt điện quy mô lớn tiên tiến nhất ở Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng sản lượng điện của Bắc Kinh. Do những cân nhắc về việc bảo vệ môi trường, 6 tổ máy đốt than của nhà máy đã phải đóng cửa vào năm 2014.
Đến đầu năm 2017, nhà máy nhiệt điện Huaneng, nhà máy cuối cùng trong 4 nhà máy nhiệt điện đầu tiên của Bắc Kinh cũng đã phải đóng cửa sau 19 năm hoạt động. Việc đóng cửa 4 nhà máy lớn đời đầu của Bắc Kinh đã giúp giảm tải lượng tiêu thụ 9,2 triệu tấn than.
Một trong những nhà máy nhiệt điện than lâu đời nhất ở Bắc Kinh cũng đã bị đóng cửa. |
Dù than đá vẫn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể ngành điện Trung Quốc, những động thái trên cùng với việc thúc đẩy đa dạng hóa các nguồn năng lượng sạch như thủy điện, điện mặt trời, điện gió đã giúp nước này giảm được tỷ trọng điện than từ 68% vào năm 2012 xuống 59% tính đến hết năm 2018.
Thời báo Hoàn Cầu cũng trích dẫn thông tin một bài viết của Reuters với tựa đề "Trung Quốc dẫn đầu trong việc đầu tư năng lượng xanh mới". Theo đó, trong một bài báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, dưới sự giúp đỡ của Trung Quốc, kế hoạch đầu tư năng lượng xanh toàn cầu đã đạt mức cao mới, không những bù đắp cho sự sụt giảm của Đức trong việc đầu tư vào lĩnh vực này, mà còn báo hiệu sự gia tăng hơn nữa của kế hoạch đầu tư này.
Việc các nhà máy nhiệt điện thân ồ ạt chạy ra nước ngoài khiến Trung Quốc bị cho là đang "xuất khẩu ô nhiễm". |
Theo báo cáo của học viện Quản lý tài chính Frankfurt, năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang thúc đẩy gia tăng đầu tư vào năng lượng xanh.
Vào năm 2015, Kế hoạch kiên quyết cam kết đầu tư nguồn năng lượng tái sinh đạt được tổng cộng 286 tỷ USD. Trong đó, tổng kế hoạch đầu tư của Trung Quốc là 103 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2014, cao hơn đáng kể so với 49 tỷ USD của châu Âu và 44,1 tỷ USD của Mỹ. Mặc dù vậy, các chính sách giảm thiểu phụ thuộc vào than như một "cú đấm" vào các nhà máy nhiệt điện than của nước này.
Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu, Sohu)