Hàng trăm người ngoại tỉnh từ Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương lên ăn chực nằm chờ ở đất vải Lục Ngạn (Bắc Giang). Họ là những người “di cư” theo mùa lên đất vải thuê xưởng sấy vải khô.
Ăn nằm trên đất vải
Một số lượng không nhỏ các chủ xưởng lên thuê lại lán trại, lò sấy ở các xã trồng vải của Lục Ngạn để làm ăn. Công việc của họ là thu mua vải tươi để sấy, sau đó xuất cho thương lái Trung Quốc.
Đưa vải vào lò sấy ở Lục Ngạn. |
Anh Lê Chí Bằng (quê Hà Nam) lên đất vải Lục Ngạn đã sang mùa thứ 5. Anh thuê lại khu lán trại, xưởng sấy vải tươi tại ngã ba Đồng Giành, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) để làm ăn.
Mỗi một xưởng, anh Bằng phải thuê lại của chủ xưởng người địa phương với giá 25 triệu đồng/một mùa vụ.
Rất nhiều người như anh Bằng từ các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam… lên làm ăn theo cách này.
“Chỉ tính riêng tại xã Quý Sơn, có khoảng vài ba chục xưởng sấy vải, nhưng người “thổ dân” ở đây thu mua vải tươi về sấy chỉ có một, hai người. Còn lại đều là dân tứ xứ”, câu chuyện của anh Bằng.
Xưởng vải sấy của anh Lê Chí Bằng thuê của người dân tại ngã ba Đồng Giành, xã Quý Sơn. Anh Bằng là một trong nhiều người ngoại tỉnh lên Bắc Giang 'ăn chực năm chờ" theo mùa vải. |
Để vận hành khu lò sấy gồm 60 cửa lò, anh Bằng mang theo 10 nhân công là các thanh niên trẻ khỏe để phụ việc cho mình.
Cách thức sấy thủ công không có gì phức tạp, nhưng không dễ dàng vì khá vất vả, nặng nhọc.
Lò sấy được xây gạch cao hơn một mét, gồm các cửa lò để tiếp than và các cửa thông hơi. Trên mặt lò, cách cửa đốt than chừng một mét là sạp nứa. Vải tươi được xếp nguyên cả bó hoặc vải vụn (vải đã bứt cuống) lên trên mặt sạp này.
“Trong vòng một buổi sáng, vải sẽ héo cuống, thêm một công đoạn rũ chùm cho vải rụng, vứt cuống đi. Một ngày đảo vải chừng 2 – 3 lần. Trong 3 ngày thì được một mẻ vải sấy”, anh Bằng cho biết.
Mỗi mẻ vải sấy tiêu thụ hàng chục tấn vải tươi, tùy theo quy mô từng lò.
Một cửa lò xếp được khoảng 3 tạ vải tươi. Với 60 cửa lò như xưởng sấy anh Bằng thuê, một mẻ vải cần khoảng 18 tấn vải tươi.
“Công việc không nặng nhọc, nhưng mất thời gian và cần phải tỷ mẩn, nhiều công đoạn. Khổ nhất là nắng nóng. Trời đã oi nắng, thêm mùi than lò, lửa lò từ 60 lò than hừng hực cả ngày đêm, có bao nhiêu nước trong người đều thành mồ hôi thoát ra ngoài hết”, anh Bằng cám cảnh.
Biết lỗ nhưng vẫn phải làm!
Mùa vải thiều năm 2014, theo anh Bằng, “chưa cần làm đã biết lỗ”. Nhưng, nghịch lý này, ông chủ xưởng vải sấy cũng không giải thích được.
Vải sấy khô được đóng thùng xuất sang Trung Quốc. |
“Tiền thuê nhân công, thuê xưởng, ăn ở… của hơn chục người trong một tháng đã mất 6 – 70 triệu/vụ. Những người như chúng tôi chỉ mong kiếm lời nhờ giá chênh lệch của vải sấy khô bán cho Trung Quốc, nhưng cứ tình hình giá vải như năm nay, cầm chắc trong tay cái lỗ”, “dận lưng” 400 triệu làm vốn để lên đất vải làm ăn, anh Bằng trầm ngâm cho hay.
Anh Bằng cũng chia sẻ: “Bốn cân vải tươi sau sấy cho một cân vải khô. Giá vải khô bán được 23 – 24.000 đồng/cân, nhưng chi phí sản xuất mà chúng tôi bỏ ra đã là trên dưới 30.000đ/một cân. Như thế là cầm chắc cái lỗ rồi”.
Dù là vải sấy khô, nhưng chất lượng quả vải Lục Ngạn vẫn không đổi. Người làm nghề sấy vải, có lợi thế không cần thu mua vải đẹp mã, vì “cho vào lò, dưới cái nóng 60 – 70 độ C, mã đẹp, mã xấu cũng như nhau hết”.
Các chủ lò sấy do đó thường mua vải tươi loại C, ở mức giá thấp nhất trên thị trường của Lục Ngạn mùa này là 5.000 – 6.000 đồng/kg.
Cây vải giúp người dân Lục Ngạn xóa đói, làm giàu. Nhưng, sự bấp bênh về giá khiến họ không yên lòng... |
Nếu mua được vải rụng, các chủ lò sẽ “kinh tế” hơn vì giá chỉ có 4.000 – 5.000đồng/kg, bớt được công đoạn bứt cuống và “dôi” hơn so với vải bó chum.
Lý do mà anh Bằng nói, “cầm chắc lỗ mà vẫn phải làm”, vì đầu mùa vải anh đã thu gom vài chục tấn vải tươi về làm nguyên liệu. Nếu không sấy, bán tống bán tháo đi cũng chẳng có người mua. Người sấy vải đành phải “đánh bạc” với chính mình!
Mùa vải năm ngoái, xưởng sấy của anh Bằng xuất được 40 tấn vải khô, tương đương khoảng 160 tấn vải tươi Lục Ngạn. “Tình cảnh năm nay, chắc tôi cũng cố một, hai mẻ lò rồi đóng cửa về quê thôi”, anh Bằng ngao ngán.
Cùng cảnh ngộ với anh Bằng, hàng chục chủ lò sấy khác dọc tuyến đường liên xã từ Phượng Sơn, Quý Sơn ra thị trấn Chũ khi được hỏi, cũng đều chung câu chuyện.
Lò sấy của anh Nguyễn Văn Mạnh cách lò anh Bằng chừng 500m. Thời điểm chúng tôi đến, đã quá 12h trưa nhưng gần chục nhân công vẫn đang tất bật xếp vải lên lò rồi mới nghỉ ăn cơm trưa.
Mẻ sấy này, lò của anh Mạnh tiêu thụ hơn 20 tấn vải tươi do số lượng cửa lò nhiều hơn.
Anh Mạnh người Hưng Yên, cũng có thâm niên nhiều mùa vụ lên Lục Ngạn thuê xưởng sấy vải.
“Năm được giá bù năm mất giá. Chúng tôi ở nông thôn, làm công việc này như nghề tay trái những lúc nông nhàn. Từ đầu vụ đến giờ, tôi xuất được hơn chục tấn vải khô sấy”, anh Mạnh cởi mở, vừa quệt mồ hôi vừa nói chuyện.
Bên trong khu lò sấy, vài thanh niên xoay trần đang chuẩn bị nhóm củi đốt lò.
“Mong là sang đến cuối vụ, giá vải nhúc nhắc lên để chúng tôi đỡ thiệt hại. Cứ tình trạng như thế này thì khó khăn quá, lò sấy nào cũng kêu như vạc”, anh Mạnh hy vọng.