(ĐSPL) - Những năm tháng tuổi thơ sống trong sự ruồng bỏ của bố, sự khinh bỉ ghẻ lạnh của họ hàng bên ngoại, sự trêu trọc của bạn bè xung quanh đã tôi luyện cho Trần Tất Viên một nghị lực phi thường để chàng sinh viên năm nhất khoa Văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) quyết tâm học tập để đổi đời.
Dù bị liệt nửa người nhưng chàng sinh viên năm nhất khoa Văn (đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) quyết tâm học tập để đổi đời. |
Tuổi thơ thấm đẫm nước mắt
Sinh ra tại một vùng quê nghèo tại thị trấn Bình Mỹ - huyện Bình Lục – tỉnh Hà Nam, so Trần Tất Viên ngay từ khi mới lọt lòng mẹ đã bị khuyết tật liệt ½ người trái. Biết được bệnh tình của đứa con do mình dứt ruột sinh ra, bố Viên nhẫn tâm vứt bỏ cả hai mẹ con, nhưng vì Viên vừa chào đời được hai ngày nên tòa án không chấp nhận đơn ly hôn. Đến khi Viên tròn 1 tuổi thì bố mẹ chính thức ly hôn, mỗi người một nơi.
Viên cho biết: “Khoảng thời gian sống ở quê nội là khoảng thời gian chứa đựng đầy những giọt nước mắt và sự vất vả, khổ cực của mẹ. Nhưng mẹ đã cố gắng chịu đựng tất cả những trận đòn roi, đánh đập của người đàn ông độc ác và tàn nhẫn ấy với chỉ một mục đích mong cho mình có được tình cảm của người bố, có cả bố cả mẹ trọn vẹn như những đứa trẻ khác, thế nhưng gia đình mà mẹ cố gắng níu kéo vẫn tan vỡ, mẹ phải dắt mình trở về quê ngoại ở Hưng Yên sinh sống.”
Ngỡ rằng khi trở về quê ngoại sẽ nhận được sự thương yêu của ông bà và các bác nhưng đâu ai ngờ Viên lớn lên trong sự ghẻ lạnh và khổ cực của cả chính những người thân trong gia đình dành cho hai mẹ con.
Đối với nhiều bạn bè cùng trang lứa tuổi thơ chúng đầy niềm vui, vô lo vô nghĩ còn đối với Viên tuổi thơ của cậu chỉ là những tháng ngày gian khổ đầy nước mắt của cả hai mẹ con. Tuổi thơ là những tháng ngày cậu bé Viên phải dậy từ 3 giờ sáng theo mẹ ra chợ bán rau kiếm tiền đong gạo, những ngày mùa đông rét mướt gió mùa lạnh tê tái Viên và mẹ ôm nhau ngồi co ro bên góc chợ.
Vết sẹo lớn trong đời
Kí ức về một tuổi thơ ảm đạm càng rõ nét hơn khi Viên bước vào lớp 1. Cả lớp không một ai chơi với cậu, lúc nào cậu cũng chỉ ngồi một mình và chịu đựng những cái nhìn mỉa mai của bọn bạn cùng lớp.
“Những ngày còn nhỏ tôi thường đặt ra câu hỏi: Tại sao mình lại sinh ra như vậy? Mình muốn được làm một người bình thường như bao người khác. Khi mình cắp sách tới trường bạn bè xung quanh ai cũng trêu chọc, chúng dùng đủ thứ ngôn ngữ cay nghiệt nhất để nói mình: mày là một thằng không có bố, mày là 1 thằng què..” – Viên tâm sự.
Cuộc sống của một cậu bé mới bước chập chững bước vào đời đã là những vết sẹo lớn. Từ một cậu bé muốn hòa đồng với mọi người, càng ngày Viên càng sống khép kín hơn. Viên lớn lên trong sự lo toan vất vả của mẹ, mẹ cậu cố gắng đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền cho Viên được cắp sách đến trường như bao bạn khác. Tất cả thu nhập đều chỉ trông chờ vào gánh hàng rau của mẹ mỗi ngày.
Mặc dù chân tay không được khoẻ mạnh như bạn bè, nhưng Viên cũng học cách đi bắt ốc ở ngoài cánh đồng để kiếm tiền giúp đỡ cho mẹ. Tuy vậy, cuộc sống của Viên vẫn gặp muôn vàn khó khăn.
Đam mê với nghề báo
Tuổi thơ chỉ một mình không có bạn bè nên những cuốn sách, những quyển truyện ngắn chính là người bạn thân thiết nhất của Viên. Chúng đem lại cho Viên rất nhiều niềm vui, những giây phút lắng đọng trong tâm hồn và cả những giọt nước mắt bởi những nhân vật có số phận bất hạnh trong những trang văn.
Viên thương những nhân vật trong những cuốn sách như thương chính cuộc đời của mình. Thông qua những trang văn đã tô rèn và tạo nên con người cậu, một con người giàu cảm xúc. Chính vì vậy năm lớp 12 Viên đã đạt giải ba trong kì thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh, cùng năm Viên đã thi đỗ vào trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn khoa Văn học.
Viên cho biết: “Tôi là người thích công việc liên quan đến viết lách, với văn chương mình được trải lòng bày tỏ quan điểm suy nghĩ qua những trang viết, và báo chí là một trong những công việc mình cảm thấy yêu thích, bởi làm báo là một công việc đòi hỏi sự năng động, khả năng viết lách, khả năng tư duy tổng hợp phân tích vấn đề, và sẽ giúp mình được đi nhiều nơi hơn, có nhiêù những trải nghiệm trong cuộc sống hơn.”
Tuổi thơ dữ dội và người mẹ vất vả khổ cực cả cuộc đời là động lực giúp chàng sinh viên khoa văn vượt lên trên tất cả cố gắng học tập, thực hiện được ước mơ.