Theo báo Dân trí, những ngày qua, trên các diễn đàn sinh viên, thậm chí cả các trang fanpage nhiều trường đại học, cao đẳng không ngừng chia sẻ lời nhắc nhở "nhớ rửa nồi cơm điện", "nhớ đổ rác", "dọn tủ lạnh" đến sinh viên trước khi về quê ăn Tết.
Những lời nhắn nhẹ nhàng, hài hước này thu hút rất nhiều chia sẻ, bình luận từ giới học sinh, sinh viên. Bởi dường như ai cũng thấy... bóng dáng của chính mình hay một thời của mình trong đó.
Nguyễn Thùy Linh, sinh viên Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, khi thấy lời nhắn "nhớ rửa nồi cơm điện", cô lập tức chia sẻ ngay trên trang cá nhân của mình và trong nhóm sinh viên của trường.
Việc này bắt nguồn từ nỗi sợ hãi của Linh về... căn phòng trọ sau Tết năm rồi. Sau rằm tháng Giêng, khi Linh trở lại thành phố, khi vừa mở cửa phòng trọ ở Linh Trung, TP Thủ Đức, Linh nôn ói và chỉ muốn xỉu ngay tại chỗ.
Khi Linh vừa bước vào, chuột từ khu túi rác chạy nháo nhác. Rác văng khắp vòng, chảy nước nhớp nháp, chuột, gián chạy xung quanh, mùi thối bốc lên kinh hãi.
Nhưng chưa dừng ở đó, trên bếp còn là các bát đồ ăn thừa từ mấy tuần trước. Mở nắp nồi cơm điện, cả nồi mốc lên đen đặc, trong nồi còn lờ mờ nửa quả trứng dầm mắm trong chén.
Trước khi về nghỉ Tết, người bạn cùng phòng ra về sau cùng đã để lại nguyên hiện trạng bếp núc, nồi cơm điện và cả túi rác. Linh là người trở lại thành phố đầu tiên nên... lãnh toàn bộ.
"Hôm đó, mình mất cả ngày để dọn phòng và nhiều ngày sau mùi vẫn rất kinh khủng. Tết đến ai cũng mong trở về nhà nhưng với sinh viên, phòng trọ cũng chính là nhà. Nếu không chăm chút được thì ít nhất cũng cần ý thức giữ vệ sinh cho ngôi nhà thứ hai của mình", Linh bày tỏ.
Theo Linh, không chỉ ở phòng trọ bên ngoài mà ngay ở nhiều khu ký túc xá, vì cái "sự quên" và ý thức của nhiều sinh viên nên sau Tết xảy ra rất nhiều cảnh tượng kinh khủng nơi chỗ ở.
Lê Hồng Sơn, sinh viên Trường Đại học Văn Lang cho biết, trước khi về Tết, cậu đã viết bằng bút lông đỏ lên bảng ghi chú trong phòng câu: "Nhớ đổ rác, rửa nồi cơm điện, dọn sạch tủ lạnh" để nhắc người ra về cuối cùng.
Sơn cũng đã dọn sạch đồ đạc của mình trong tủ lạnh nhưng ám ảnh... trở lại phòng trọ sau Tết vẫn bám riết lấy cậu.
Phòng ở ghép 4 người, hàng ngày đã thường so bì nhau việc dọn dẹp, đổ rác nên lo lắng của Sơn không phải không có lý. Năm ngoái, cậu đã từng trải nghiệm kinh hoàng về phòng trọ sau Tết.
Các bạn về quê rút tủ lạnh để đảm bảo an toàn nhưng không dọn đồ trong tủ. Thịt cá, đồ ăn linh tinh trong tủ chảy nước, bốc mùi kinh hoàng. Nhiều tuần sau khi lau dọn, họ vẫn không dám mở cửa tủ.
Sơn nói thẳng, những lời hài hước nhắc nhau "nhớ đổ rác, rửa nồi cơm điện" thật ra phản ánh ý thức vệ sinh của nhiều sinh viên rất tệ hại, đặc biệt là vệ sinh ở nơi môi trường sống tập thể.
Nhiều bạn cả ngày cắm đầu cắm cổ vào học hoặc chơi game, lướt TikTok, chỉ khi nào bắt buộc mới uể oải làm những việc hàng ngày như dọn rửa chén bát, đánh nhà vệ sinh, đổ rác, phơi quần áo.
Sơn đã từng chuyển chỗ ở vì không chịu nổi ý thức vệ sinh của bạn ở ghép cùng phòng.
Thời gian nghỉ Tết của sinh viên các trường đại học ở TP.HCM kéo dài trong nhiều tuần nên việc đảm bảo an toàn, giữ vệ sinh ở chỗ ở càng quan trọng.
Dịp này, hàng loạt trường đại học, khu ký túc xá thông báo, nhắc nhở sinh viên về ý thức đảm bảo công tác an toàn phòng cháy chữa cháy cũng như giữ vệ sinh chung nơi chỗ ở trong thời gian nghỉ Tết.
Vân Anh (T/h)