+Aa-
    Zalo

    Ám ảnh áp lực thi cử tại Hàn Quốc: Bàn tay vô hình bóp nghẹt hạnh phúc và tuổi trẻ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Áp lực thi cử quá lớn khiến học sinh Hàn Quốc gặp các vấn đề về sức khỏe và tâm lý. Cứ 4 học sinh nước này sẽ có 1 học sinh nghĩ tới việc tự tử.

    Áp lực thi cử quá lớn khiến học sinh Hàn Quốc gặp các vấn đề về sức khỏe và tâm lý. Theo số liệu khảo sát của Viện Chính sách Thanh niên Hàn Quốc, cứ 4 học sinh nước này sẽ có 1 học sinh nghĩ tới việc tự tử.

    Điểm số tại kỳ thi tuyển sinh đại học Suneung quyết định tương lai của thí sinh và gia đình. Ảnh: Getty

    Hôm 14/11, gần 500 nghìn học sinh Hàn Quốc đã tham gia kỳ thi đại học khốc liệt có tên Suneung hoặc CSAT.

    Để tạo điều kiện thuận lợi về giao thông và môi trường cho các thí sinh trong suốt 8 tiếng diễn ra kỳ thi, tại thủ đô Seoul, gần 160 máy bay thay đổi lịch trình để giảm tiếng ồn, các ngân hàng và thị trường tài chính bắt đầu phiên giao dịch muộn hơn, trong khi các phương tiện công cộng được huy động tối đa.

    Tại Hàn Quốc, điểm thi cao không chỉ minh chứng cho năng lực học tập mà còn có ý nghĩa quyết định cả số phận của một học sinh. Đỗ đại học đồng nghĩa việc nhận được tấm vé thông hành, giúp học sinh mở ra tương lai tốt đẹp, mang lại vinh hạnh cho gia đình. Do đó, kỳ thi đại học trở nên quan trọng và dần tạo ra áp lực vô hình cho các bạn trẻ. 

    Mỗi khi ngủ, các học sinh Hàn Quốc đều mơ đến 3 chữ cái quyền lực, đó chính là S.K.Y. - đại diện cho 3 trường đại học hàng đầu gồm Đại học Quốc gia Seoul (Seoul National University - SNU), Đại học Hàn Quốc (Korea University - KU) và Đại học Yonsei (Yonsei University - YU).

    Ở Hàn Quốc, mọi người thường nói với nhau rằng: "Nếu ngủ 3 tiếng mỗi đêm, bạn có thể trở thành một phần của S.K.Y. Nếu ngủ 4 tiếng, bạn có thể thi đỗ vào trường đại học khác. Nếu ngủ 5 tiếng hoặc hơn, nhất là trong năm học cuối cấp, đừng mơ đến chuyện trở thành sinh viên đại học".

    Lớp học thêm mở tới 2h sáng

    Những gánh nặng do kỳ thi khốc liệt để lại khiến nhiều học sinh cảm thấy trống rỗng, mất phương hướng. Ảnh: AP

    Các học sinh bắt đầu ôn luyện cho Suneung từ năm 13, 14 tuổi, thậm chí sớm hơn. Trong những năm học trung học phổ thông, sau giờ học trên lớp, các em tiếp tục đến những lớp học thêm và lò luyện thi với tổng thời gian học lên tới 16 tiếng mỗi ngày. 

    Phụ huynh bắt con học thêm bất kể chúng cần hay không. Thậm chí, một đứa trẻ giỏi Toán vẫn phải đến trường phụ đạo môn này vì cha mẹ lo lắng, nếu không ép học hàng ngày, con sẽ tụt lại so với những bạn đang không ngừng nỗ lực vươn lên.

    Chính phủ Hàn Quốc quy định lớp học thêm chỉ được phép hoạt động đến 22h. Tuy nhiên, một vài nơi vẫn đóng cửa "ngụy trang" và tiếp tục mở lớp đến 2h sáng. 

    “Học sinh không cần tìm ra con đường riêng cho mình hay xác định bản thân là ai, muốn gì. Các em chỉ cần học giỏi hơn những người xung quanh. Đây thực sự là cách sống vô ích”, Tom Owenby – Giáo sư tại đại học Beloit (Mỹ) từng dạy môn tiếng Anh và Lịch sử tại Hàn Quốc cho biết.

    Lee Do-hoon, giáo sư Xã hội học tại ĐH Yonsei, cho biết: “Hàng năm, báo chí thống kê có bao nhiêu luật sư, thẩm phán, tổng giám đốc tốt nghiệp từ S.K.Y. Nó khiến nhiều người nghĩ rằng chỉ cần vào S.K.Y., họ có thể tìm được việc tốt.

    Việc tốt nghiệp từ một trường tốt không phải sự đảm bảo tuyệt đối. Cuộc chiến việc làm rất tàn khốc. Nhưng dù sao, sinh viên S.K.Y. vẫn có lợi thế hơn ứng viên từ các trường khác. Khi tương lai ngày càng phụ thuộc kết quả một kỳ thi, cuộc đua vào trường hàng đầu gay cấn hơn”.

    Tỷ lệ tự tử tăng cao

    Một bác sĩ tâm lý đã áp dụng biện pháp thôi miên cho học sinh trường nội trú Deung Yong Moon, Kwangju, giúp các em lấy lại cân bằng, ổn định tinh thần. Ảnh: AP

    Theo thống kê, người Hàn Quốc xếp hạng thấp về hạnh phúc so với hầu hết quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tỷ lệ tự tử của Hàn Quốc tăng 100% từ năm 2000 đến 2011. Hiện tại, tỷ lệ này ở mức 24,7 trên 100.000, quá cao so với mức 10,1 tại Mỹ. 

    Theo số liệu khảo sát của Viện Chính sách Thanh niên Hàn Quốc, cứ 4 học sinh nước này, có 1 học sinh cân nhắc tự tử, lý do chính là áp lực học hành. Căng thẳng quá mức cũng dẫn đến nạn bắt nạt và bạo lực học đường ngày càng phổ biến.

    Theo OECD, nước này cũng có tỷ lệ thiếu niên từ 11 đến 15 tuổi mắc chứng trầm cảm cao trong các quốc gia phát triển trên thế giới.

    Tiến sĩ Kim Tae-hyung, nhà tâm lý học ở Seoul, cho biết trẻ em Hàn Quốc bị ép học quá nhiều và luôn trong tình trạng phải cạnh tranh với bạn.

    “Các em trưởng thành trong cô độc, vùi đầu vào học. Lối sống biệt lập này gây ra chứng trầm cảm và là nguyên nhân chính dẫn đến tự tử”, ông nói.

    Tỷ lệ sinh thấp ở Hàn Quốc là một trong những vấn đề lớn của xã hội và ngày càng diễn biến tệ hơn. Tại sao các cặp vợ chồng Hàn Quốc không sinh con? Hầu hết người dân tin rằng nguyên nhân lớn nhất liên quan đến giáo dục.

    Cha mẹ Hàn Quốc phải hy sinh bản thân cho việc giáo dục con, dành một phần lớn trong tổng thu nhập hàng tháng để trả chi phí giáo dục tư nhân. Do vậy, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ chùn bước khi nhắc đến việc sinh nở.

    Tốt nghiệp đại học vẫn không được giải thoát

    Một phụ nữ đọc thông tin tuyển dụng trong ngày hội việc làm ở Seoul. Ảnh: Reuters

    Sau khi đỗ đại học, những con người tưởng chừng như vừa thoát khỏi "gồng xiêng" lại trở về vòng trói buộc với áp lực phải thành công đè nặng trên vai.

    Họ sẽ dùng 4 năm đại học để phấn đấu nhằm đạt thành tích tốt, với mong muốn tìm được việc làm sau khi ra trường.

    Kể cả những thí sinh đủ giỏi, hoặc đủ may mắn, trúng tuyển SKY cũng không tránh khỏi áp lực vì cơ hội làm việc tại các tập đoàn lớn không nhiều.

    Và sau khi ra trường, đi làm, áp lực học hành, bằng cấp vẫn không buông tha cho những người trẻ tại Hàn Quốc.

    Tại quốc gia này, nhiều lao động trí thức trong các ngành như dịch vụ dân sự, thiết kế, báo chí, thậm chí cả những vị trí đáng mơ ước tại những "đế chế" như Samsung, LG và Hyundai, đều yêu cầu phải vượt qua các kỳ thi mở rộng, các chứng chỉ và nhiều bằng cấp khác.

    Cô Minji Kim (29 tuổi) chi sẻ rằng: "Tôi đã trải qua hơn 50 kỳ thi "quyết định cuộc đời", trong đó có Suneung cũng như các kỳ thi vào trường trung học, các bằng cấp đặc biệt và chuyên môn báo chí.

    Các cuộc thi này có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần mỗi lần và thường khiến các ứng viên phải tạm ngừng các kế hoạch khác trong cuộc sống để chờ đợi bước tiếp theo".

    Người Hàn Quốc rất thích các kỳ thi chuẩn hóa, xem đây như một phương pháp khách quan để đánh giá trình độ của một cá nhân. Hầu như việc thăng tiến trong các lĩnh vực chuyên môn ở Hàn Quốc đều bắt buộc phải thi thố. 

    Theo các chuyên gia, việc học hành cực đoan đã khiến giới trẻ Hàn Quốc không có sự chuẩn bị cho cuộc sống thực tế. "Những người trẻ dành 25-30 năm đầu đời cho việc học để thi thố và cuối cùng khi họ bước ra khỏi vỏ ốc vào thế giới thực, họ nhận ra cuộc sống không phải là một bài kiểm tra với nhiều lựa chọn và không phải luôn luôn có một câu trả lời rõ ràng cho mọi vấn đề, đối với họ đó là một cuộc khủng hoảng giữa cuộc đời", ông Shin Gi-wook, giáo sư xã hội học kiêm giám đốc chương trình Hàn Quốc tại đại học Stanford, Mỹ cho biết.

    "Việc dành cả tuổi trẻ để học cho hết kỳ thi này đến kỳ thi khác là vắt kiệt cả về thể xác lẫn tinh thần".

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/am-anh-ap-luc-thi-cu-tai-han-quoc-ban-tay-vo-hinh-bop-nghet-hanh-phuc-va-tuoi-tre-a301122.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan