+Aa-
    Zalo

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời về luật Đặc khu, luật An ninh mạng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời cử tri những câu hỏi xung quanh việc, dự án luật Đặc khu, luật An ninh mạng thời gian qua bị kẻ xấu lợi dụng.

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời cử tri những câu hỏi xung quanh việc, dự án luật Đặc khu, luật An ninh mạng thời gian qua bị kẻ xấu lợi dụng, đưa nhiều thông tin không chính xác.

    Sáng 18/6/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại huyện Tiên Lãng, báo cáo kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.

    Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời các vấn đề mà cử tri phản ánh liên quan đến tình hình an ninh trật tự thời gian qua ở một số địa phương, về dự thảo luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, luật An ninh mạng…

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về việc nhiều kẻ lợi dụng luật Đặc khu, luật An ninh mạng chống phá Nhà nước, đập phá tài sản công.

    Cử tri cho rằng, lợi dụng dư luận và dự án luật về đặc khu, một số đối tượng đã có hành vi chống phá, gây rối, kích động người dân tham gia biểu tình; trong đó nhiều đối tượng quá khích đã đập phá, hủy hoại tài sản Nhà nước, chống người thi hành công vụ. Cử tri bày tỏ băn khoăn trước tình hình phức tạp về an ninh trật tự tại một số địa phương thời gian qua và kiến nghị có biện pháp mạnh mẽ ổn định tình hình, xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

    Về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đổi mới, dân chủ, đối thoại thẳng thắn, trách nhiệm, chân tình trong hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ, đặc biệt là tinh thần lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri, nhân dân. Và việc tạm dừng thông qua luật về đặc khu cũng thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, lắng nghe thêm ý kiến của nhân dân để hoàn thiện Luật.

    Thủ tướng cho biết, việc lập đặc khu không phải mới trên thế giới. Nhiều nước đã làm thành công. ''Chúng ta muốn tạo nên thể chế thu hút mạnh mẽ hơn trong đầu tư phát triển mà 3 đặc khu này đặt ra không phải là chỉ cho 3 địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang mà chính là tạo cực tăng trưởng, tạo điều kiện phát triển đất nước'', Thủ tướng nêu rõ.

    Đề cập đến vấn đề thời hạn thuê đất dự kiến tối đa 99 năm ở các đặc khu mà thời gian qua dư luận quan tâm, Thủ tướng nói rõ thêm, theo dự thảo Luật thì chỉ áp dụng đối với trường hợp đặc biệt, do Thủ tướng Chính phủ xem xét, còn phổ biến là 70 năm hay thấp hơn như luật Đất đai.

    Trong dự án luật Đặc khu, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến và điều chỉnh lại về quy định thời gian cho thuê đất 99 năm.

    ''99 năm trong trường hợp nào, là trong trường hợp đặc biệt. Đặc biệt như thế nào, đó phải là công trình vô cùng tiêu biểu, đầu tư rất lớn, đòi hỏi chi phí rất cao, thu hồi vốn rất chậm mà đất nước mình cần công trình đó'', Thủ tướng phân tích. Quy trình duyệt công trình đặc biệt như vậy phải hết sức chặt chẽ như trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định, phải trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng khác.

    Ngày 7/6/2018, Thủ tướng đã trả lời báo chí về việc nên rút quy định 99 năm trong dự thảo luật Đặc khu mà thực hiện như Luật hiện hành và đến ngày 8/6, có thông báo chính thức, Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho lùi việc thông qua dự thảo Luật này để tiếp tục hoàn thiện. ''Như vậy, chúng ta đã tiếp thu rất nghiêm túc'', Thủ tướng nói.

    Tuy nhiên, một số kẻ xấu, phản động đã lợi dụng tình hình, kích động nhân dân, trong đó có việc đập phá, chống người thi hành công vụ, cản trở giao thông ở một số nơi, làm cho nhân dân hiểu nhầm nội dung luật pháp, nhất là dự thảo luật về đặc khu và luật An ninh mạng, một luật mà nhiều nước cũng đã ban hành từ lâu. Luật An ninh mạng đã tiếp thu một vấn đề rất quan trọng là cho phép đặt máy chủ ở nước ngoài, không phải đặt máy chủ trong nước mà chỉ có cơ sở dữ liệu người dùng Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam.

    Các hành vi trái pháp luật nêu trên đã làm ảnh hưởng đến sự bình yên của Tổ quốc, cuộc sống yên lành của nhân dân và môi trường đầu tư.

    Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục vận động, tuyên truyền, thuyết phục nhân dân tốt hơn, ''chúng ta là cơ quan Nhà nước, là cán bộ, đảng viên, chúng ta cần nói cho nhân dân rõ, tường tận về luật pháp, nhất là khi chúng ta dừng lại, lắng nghe, tiếp thu là hành động hết sức trách nhiệm của Đảng, Nhà nước''.

    Bên cạnh đó, phải lập lại trật tự, bảo đảm an ninh an toàn cho xã hội, cho người dân và xử lý nghiêm hành vi vi phạm như ý kiến mà cử tri nêu. Các lực lượng chức năng cần tăng cường cảnh giác, nắm chắc tình hình để có giải pháp xử lý.

    Thủ tướng mong muốn người dân bình tĩnh, tỉnh táo, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, không mất cảnh giác, nhất là lớp trẻ.

    Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri cũng nêu một số vấn đề về nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, giáo dục, việc làm, chính sách người có công…, nhất là về thủy sản, một lĩnh vực thế mạnh ở địa phương, như những bất cập trong Nghị định 67/2014/NĐ - CP về chính sách phát triển thủy sản còn bất cập. Cử tri cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ GTVT điều chuyển thêm một số phà 200 tấn từ Vàm Cống về bến Gót để việc vận chuyển hành khách và phương tiện được thuận lợi, giảm ùn tắc giao thông.

    Về Nghị định 67 như nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sẽ tiếp thu vấn đề cử tri phản ánh để chỉnh sửa Nghị định này sát hơn, để làm sao khuyến khích sản xuất, bảo đảm bình đẳng. Thủ tướng cũng nhất trí với kiến nghị của cử tri về việc điều thêm phà từ Vàm Cống tới bến Gót.

    Theo Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-tra-loi-ve-luat-dac-khu-luat-an-ninh-mang-a233411.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan