Hiểu hơn về bệnh sởi
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Paramyxovirus. Chủng vi sinh vật này thường “cư ngụ” ở chất nhầy trong mũi và cổ họng, đồng thời có khả năng sinh sôi nhanh chóng tại các bộ phận này. Virus sởi chỉ gây bệnh trên người và không lây lan đến bất kỳ loài động vật nào khác. Dịch sởi dễ bùng phát vào mùa đông xuân.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), sởi được xem là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và có nguy cơ cao dẫn đến tử vong, đặc biệt đối với những đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ. Nhờ có sự ra đời của vaccine, tỷ lệ tử vong do sởi đang giảm dần theo thời gian nhưng mỗi năm căn bệnh này vẫn giết hơn 100.000 trẻ em.
Con đường lây bệnh sởi
- Đường hô hấp: tiếp xúc với các giọt hô hấp (nước mũi, nước bọt) của người bệnh bay trong không khí khi nói chuyện, hắt hơi, ho…
- Tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của người bệnh.
- Tiếp xúc với đồ vật có tồn tại virus sởi từ người bệnh.
Thông thường, virus sởi lây nhiễm qua đường hô hấp trước tiên và dần lan sang các bộ phận khác của cơ thể thông qua dòng máu. Virus sống trong chất nhầy của mũi và cổ họng của một người nhiễm bệnh trong 4 ngày trước khi phát ban và tiếp tục phát triển trong khoảng 4 đến 5 ngày sau đó. Cần lưu ý rằng đây là thời điểm virus dễ lây nhất nên những ai chăm sóc người bệnh cần thật sự cẩn thận.
Ai có nguy cơ cao mắc sởi?
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sởi là người chưa được tiêm ngừa virus sởi, nhất là trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây.
Người thường xuyên đi du lịch, nhất là du lịch đến các quốc gia đang phát triển - nơi mà bệnh sởi xảy ra phổ biến, nếu không chú ý biện pháp phòng ngừa cá nhân thì khả năng bị nhiễm bệnh sẽ rất cao.
Người bị thiếu hụt vitamin A trong chế độ ăn hàng ngày. Nếu không may bị nhiễm sởi rất dễ bị bệnh nặng và có thể gặp những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi. Ghi nhận thực tế cho thấy, trẻ nhũ nhi mắc sởi rất nguy hiểm vì sức đề kháng của trẻ còn yếu.