(ĐSPL) - Trước đây, không ít chuyên gia kinh tế, Đại biểu Quốc hội đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo kẽ hở trong quản lý việc tạm nhập, tái xuất hàng hoá đã mang lại nguồn lợi nhuận khủng cho các doanh nghiệp nhập khẩu, trong đó có các "ông lớn" xăng dầu.
Năm 2013, dư luận cả nước "sốc" trước thông tin Tổng cục Hải quan đưa ra bảy doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã bị truy thu 345 tỷ đồng tiền thuế liên quan đến tạm nhập, tái xuất.
Chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bày tỏ, xăng dầu "chảy lậu" vào Việt Nam từ chính những lô hàng mang danh tạm nhập, tái xuất.
Mánh khóe của các doanh nghiệp chính là tạm nhập rồi... nhập thật cho nội địa, từ đó, họ "ăn không" tiền thuế lên tới cả ngàn đồng mỗi lít. Lợi dụng quy định cho phép xăng dầu tạm nhập, tái xuất được lưu ở Việt Nam dài ngày, có thể được gia hạn tới hai lần, các doanh nghiệp xăng dầu đã "vô tình" "quên" hẳn tái xuất để trốn thuế?
Ảnh minh họa. |
Cũng trao đổi về việc tạm nhập, tái xuất xăng dầu với PV, ông Nguyễn Minh Tuân, Giám đốc Công ty Uvip Việt nhận xét, những trường hợp hải quan phát hiện và bắt giữ chỉ là số ít trong số nhiều vụ buôn lậu thông qua hình thức tạm nhập, tái xuất.
Thực tế cho thấy, mấy năm qua, không chỉ xăng dầu mà nhiều mặt hàng khác cũng được xem là điểm "nóng" của các đối tượng buôn lậu.
Thậm chí, người ta còn tạm nhập rác thải công nghiệp, hàng đông lạnh không đảm bảo vệ sinh rồi lờ việc tái xuất khiến người dân "ăn đủ" những tác hại ô nhiễm môi trường, đồng thời khiến Nhà nước thất thu thuế. Đây là thực trạng đáng báo động, nó thể hiện việc quản lý của chúng ta còn dễ dãi, cần phải được khắc phục càng sớm càng tốt.
Trước đây, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương đã từng khẳng khái cho biết, tạm nhập, tái xuất xăng dầu đang là vấn đề bức xúc của cử tri. Tất cả các vụ doanh nghiệp lợi dụng tạm nhập rất nhiều, nhưng không tái xuất.
Như vậy, đây rõ ràng là tình trạng buôn lậu, trốn thuế, gây thiệt hại lớn cho kinh tế đất nước cũng như đời sống nhân dân, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng, giảm nhỏ giọt. Theo vị Đại biểu Quốc hội này, những hành vi lợi dụng tạm nhập tái xuất để trốn thuế, để trục lợi cần phải được khởi tố hình sự để qua đó có thể chấn chỉnh công tác quản lý.
Kiểm tra tất cả các doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất xăng dầu Sau khi phát hiện nhiều vụ lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất xăng dầu để buôn lậu xăng, mới đây, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, toàn bộ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước được kiểm tra. Trong đó, đặc biệt tập trung vào sáu doanh nghiệp được phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Theo ông Cẩn, năm 2013, lực lượng hải quan đã chủ động đấu tranh và phát hiện hai vụ buôn lậu xăng dầu trên biển, thông qua hình thức tạm nhập, tái xuất, chuyển sang cơ quan công an. |