Đầu tháng 8, truyền thông Nga đã đăng tải một số hình ảnh về một mảnh vỡ được cho là thuộc về tên lửa AGM-88 xuất hiện ở khu vực mà lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đang kiểm soát.
Sau đó, ông Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề chính sách, cho hay Mỹ đã gửi một số tên lửa chống radar giúp không quân Ukraine đối phó với các hệ thống radar của Nga. Tuy nhiên, ông không nêu cụ thể loại tên lửa là gì. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tiết lộ với AFP rằng, đó chính là các tên lửa chống radar tốc độ cao AGM-88 HARM.
Tờ Business Insider nhận định, việc Mỹ âm thầm chuyển AGM-88 cho Ukraine có thể mang lại lợi thế cho Ukraine trên chiến trường.
Bởi lẽ, òng tên lửa này có thể sẽ khiến phía Nga phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi kích hoạt các radar hoạt động.
Radar là một thiết bị quan trọng trên chiến trường với Nga. Hệ thống "mắt thần" này sẽ giúp Nga quét ra được trực thăng, tiêm kích Ukraine. Ngoài ra, Nga cũng triển khai hệ thống radar phản pháo uy lực để truy tìm hệ thống hỏa lực của Ukraine nhằm tung đòn đáp trả sau khi bị phía Kiev tấn công.
Đài CNN dẫn thông tin, AGM-88 HARM ban đầu được công ty Texas Instruments phát triển để thay thế cho các tên lửa chống radar AGM-45 Shrike và AGM-78 Standard ARM, nhưng sau đó đã chuyển giao hoạt động sản xuất này cho tập đoàn Raytheon khi Raytheon mua lại mảng kinh doanh của họ.
Tên lửa chống radar tốc độ cao AGM-88 HARM được Không quân và Hải quân Mỹ đưa vào biên chế từ năm 1985. Đây cũng là vũ khí chủ lực của Mỹ trong thế trận áp chế phòng không đối phương.
Mỗi tên lửa AGM-88 có giá 284.000 USD, dài 4,1 m, nặng 355 kg, mang đầu đạn nổ phá mảnh nặng 66 kg, đạt tầm bắn 110 km và tốc độ tối đa gần 2.300 km/h. Tên lửa được trang bị một động cơ đẩy nhiên liệu rắn không khói với tốc độ trên Mach 2.0, tầm bắn tối thiểu là 25 km và tầm bắn tối đa đạt 150 km.
AGM-88 có 3 biến thể là: AGM-88A, AGM-88B và AGM-88C. Phần đầu đạn của 2 biến thể A và B chứa 25.000 mảnh thép nhỏ, chất nổ, ngòi nổ. Phần đầu đạn của AGM-88C có 2.845 mảnh vonfram và một lượng lớn thuốc nổ cấp độ cao hơn, có khả năng sát thương lớn hơn.
AGM-88 được thiết kế để phát hiện, tấn công phá hủy đài radar và thiết bị phát xung radar (anten). Hệ thống dẫn đường trên cơ sở bức xạ radar, có thiết bị khóa tần số anten đối phương và đầu tự dẫn ở mũi tên lửa.
AGM-88 HARM là tên lửa không đối đất được thiết kế để bám theo chùm sóng bức xạ từ các đài radar mặt đất, có tầm hoạt động gần 50km. Tên lửa có thể tấn công các radar của phòng không như S-400 và các radar chống pháo của Nga. HARM tiếp nhận các thông số của mục tiêu từ máy bay trước khi phóng.
Thủy Tiên (T/h)