Kho vũ khí ở Crimea tiếp tục phát nổ sang ngày thứ hai
Lãnh đạo khu vực do Nga bổ nhiệm ở Crimea, Sergei Aksyonov, cho biết các vụ nổ tại một kho đạn gần Dzhankoi, Crimea vẫn tiếp tục diễn ra trong ngày 17/8.
Theo hãng tin AP, ông Aksyonov cho biết loạt vụ nổ cuối cùng xảy ra vào khoảng 8h15 sáng giờ địa phương (12h15 giờ VN), sau đó hai đám lửa vẫn đang bùng cháy.
Quan chức trên cho hay các nỗ lực đang được tiến hành "để đưa tất cả máy móc khỏi khu vực và hoàn thành dập tắt đám cháy" vào buổi chiều cùng ngày.
Moscow cho biết những kẻ phá hoại đã gây ra một loạt vụ nổ tại các địa điểm chiến lược nói trên ở Crimea, bán đảo đã sáp nhập vào Nga năm 2014. Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/8 tuyên bố họ đang thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả của vụ phá hoại.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nói các vụ nổ đã gây ra thiệt hại, trong đó có đường dây điện, trạm điện, đường sắt và một số nhà dân.
Sau loạt vụ nổ ngày 16/8, quan chức lãnh đạo Crimea cho biết Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ các thành viên của nhóm "khủng bố" gồm 6 người. “Tất cả họ đều bị giam giữ. Các hoạt động của những kẻ khủng bố đã được điều phối" từ nhà nước Ukraine, ông Sergei Aksyonov cho biết trên ứng dụng nhắn tin xã hội Telegram.
Ông Aksyonov nói thêm rằng các nghi phạm là thành viên của nhóm Hizb ut-Tahrir, tổ chức bị cấm ở Nga.
Một tuyên bố của FSB không cho biết liệu các cá nhân bị bắt giữ có liên quan đến các vụ nổ ngày 16/8 tại căn cứ ở Dzhankoi và sự cố xảy ra tuần trước tại một căn cứ quân sự của Nga ở phía tây Crimea hay không. Tuy nhiên, nó đề cập đến Dzhankoi, cùng với thành phố Yalta, là hai địa điểm mà nhóm "khủng bố" được cho là đã bị ‘vô hiệu hóa’.
Tuần trước, một vụ cháy nổ kho đạn khác đã xảy ra ở một sân bay quân sự gần thị trấn nghỉ mát Novofedorovka, thuộc Crimea. Vụ việc khiến một người chết và 14 người bị thương. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng vụ này không phải là hành động tấn công, trong khi phía Ukraine vụ việc khiến Moskva tổn thất ít nhất 9 máy bay chiến đấu.
Bán đảo Crimea là vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014, có ý nghĩa chiến lược và biểu tượng to lớn đối với cả Nga và Ukraine. Việc Điện Kremlin yêu cầu Ukraine công nhận Crimea là một phần của Nga là một trong những điều kiện quan trọng để chấm dứt xung đột, trong khi Ukraine tuyên bố sẽ giành lại bán đảo và các vùng lãnh thổ khác.
Nga bác bỏ cáo buộc 'đánh cắp điện từ nhà máy Zaporozhye'
Cuối tuần trước, tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đăng tải bài báo cáo buộc các cuộc pháo kích gần đây nhằm vào nhà máy Zaporozhye là “bước đi có chủ đích trong mục tiêu rộng lớn hơn của Nga: đánh cắp năng lượng từ Zaporozhye bằng cách cắt đứt kết nối giữa nhà máy với phần còn lại của lãnh thổ Ukraine”.
Tờ WSJ trích dẫn nguồn tin từ “lãnh đạo Ukraine, các chuyên gia điện hạt nhân quốc tế”, trong đó bao gồm Mikhail Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine và cựu quan chức phụ trách lĩnh vực năng lượng tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev – Suriya Jayanti. Tờ báo cũng cho biết đã nói chuyện với “công nhân nhà máy, các thành viên trong gia đình và những đồng nghiệp đã chạy trốn đến vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát”.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga cho biết bài báo của tờ WSJ là “sự phá bỏ hoàn toàn mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả”, là “diễn biến mới nhất của vòng xoáy thông tin sai lệch”.
Mátxcơva lưu ý rằng Ukraine đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào nhà máy điện hạt nhân bằng pháo, rocket, thậm chí là cả máy bay không người lái cảm tử. Bằng chứng về việc này đã được Nga trình lên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, các lực lượng Ukraine cũng bị cáo buộc đánh bom nhà máy thủy điện Kakhovskaya do Nga kiểm soát, vốn là nơi cung cấp nước làm mát cho Zaporozhye.
Hôm 16/8, ông Vladimir Rogov – một quan chức chính quyền tỉnh Zaporozhye cho biết cuộc pháo kích mới nhất của Ukraine gần như làm vỡ một trong những thùng chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại nhà máy.
Cựu thanh tra hạt nhân thời Liên Xô Vladimir Kuznetsov cảnh báo rằng nếu nhà máy Zaporozhye bị trúng hỏa lực, rất có thể nhiều thùng chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sẽ bị ảnh hưởng. Kịch bản này có thể khiến phóng xạ “thoát ra môi trường, gây ô nhiễm không chỉ khu vực nhà máy mà còn cả sông Dnepr ở gần đó.”
Ông Kuznetsov ước tính rằng nếu 20 đến 30 thùng chứa bị ảnh hưởng trong các vụ tấn công, “bức xạ sẽ ảnh hưởng đến khoảng 9 quốc gia: Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Slovakia, CH Séc, Ba Lan, các nước Baltic và Tây Ukraine”.
Minh Hạnh (T/h)