Số người thiệt mạng do trận động đất ngày 22/6 tại Afghanistan dự kiến tiếp tục tăng, khi nhiều nạn nhân vẫn mắc kẹt dưới những ngôi nhà làm bằng gỗ, đất sét bị phá hủy hoàn toàn trong động đất.
"Điều đáng lo là số nạn nhân sẽ còn gia tăng, vì nhiều người có thể vẫn bị mắc kẹt dưới những căn nhà đổ sập", ông Stefano Sozza - đại diện Nhóm cứu trợ y tế khẩn cấp Italia tại Afghanistan cho biết.
Trong khi đó, ông Shelley Thakral, người phát ngôn của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ở Kabul, nói rằng việc cứu trợ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, do điều kiện thời tiết và đường sá khó khăn.
Động đất xảy ra vào đúng đợt mưa lớn từ ngày 20-22/6, gây cản trở nỗ lực tìm kiếm cũng như hoạt động cất hạ cánh của trực thăng.
Ông Stéphane Dujarric - người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres - cho biết trong cuộc họp báo hôm 23/6, Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) đã gửi thành công viện trợ và hỗ trợ nhân đạo đến các gia đình ở các tỉnh Paktika và Khost để đáp ứng nhu cầu của khoảng 4.000 người.
“Các nhu cầu ưu tiên bao gồm nơi trú ẩn khẩn cấp, thực phẩm, đồ y tế…”, ông Stéphane Dujarric nói. “Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng xác nhận lượng lương thực dự trữ có thể phục vụ ít nhất 14.000 người ở tỉnh Paktika – nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ít nhất 18 xe tải đang trên đường đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất”.
Trong khi chờ cứu trợ, người dân ở khu vực hẻo lánh gần biên giới Pakistan đã phải dùng tay không đào bới đống đổ nát để tìm kiếm nạn nhân, theo những hình ảnh do hãng thông tấn Bakhtar đăng tải. Hiện vẫn chưa rõ liệu thiết bị cứu hộ hạng nặng có thể tiếp cận khu vực này hay không.
“Trận động đất sẽ chỉ làm tăng thêm nhu cầu nhân đạo to lớn ở Afghanistan, và điều đó đòi hỏi sự chung tay thực sự để hạn chế những đau khổ mà các gia đình, phụ nữ và trẻ em đang phải trải qua”, Shelley Thakral, người phát ngôn của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc tại Kabul, nhấn mạnh.
Ông Ramiz Alakbarov, Phó đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan, cho biết ít nhất 2.000 ngôi nhà đã bị phá hủy trong khu vực, nơi trung bình mỗi hộ gia đình có 7 hoặc 8 người cùng chung sống, khiến số thương vong càng dễ tăng cao.
Nhiều thách thức
Trận động đất này cũng đã làm phức tạp thêm các thách thức mà Afghanistan gặp phải. Mặc dù, cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo dài nhiều năm do hậu quả của xung đột và hạn hán, nhưng sau khi Taliban tiếp quản, nền kinh tế nước này càng chìm sâu do Mỹ và các đồng minh đóng băng khoảng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối và cắt nguồn tài trợ quốc tế.
Nguồn vốn bị đóng băng khiến kinh tế Afghanistan tê liệt và không ít trong số 20 triệu dân rơi vào tình trạng đói nghèo nghiêm trọng. Hàng triệu người Afghanistan không có việc làm, nhân viên chính phủ không được trả lương và giá thực phẩm tăng vọt.
Theo người đứng đầu Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA), viện trợ nhân đạo không bị cấm bởi lệnh trừng phạt, nhưng vẫn phải đối mặt với những trở ngại. Nhu cầu về ngân sách tài trợ rất lớn lớn, trong khi hệ thống ngân hàng chính thức của Afghanistan bị chặn giao dịch.
Điều này đồng nghĩa "khoảng 80% tổ chức cứu trợ quốc tế đang đối mặt với tình trạng chậm trễ trong giao dịch, với 2/3 báo cáo rằng các ngân hàng quốc tế của họ tiếp tục từ chối chuyển tiền. Hơn 60% tổ chức nói thiếu tiền mặt là một trong những trở ngại lớn nhất", ông cho hay.
Các chuyên gia và quan chức Taliban cho biết nhu cầu cấp bách nhất hiện nay là chăm sóc y tế và vận chuyển người bị thương, cung cấp nơi trú ẩn và vật tư cho những người phải sơ tán.
Theo Bộ Quốc phòng Afghanistan, thực phẩm, lều, quần áo và vật tư khác đang được phân phối cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Các đội y tế và cứu trợ do chính quyền Taliban triển khai đã có mặt tại các khu vực bị động đất và cố gắng chuyển người bị thương đến cơ sở y tế bằng đường bộ và trực thăng.
"Pakistan cũng đề nghị hỗ trợ bằng cách mở cửa khẩu biên giới ở tỉnh Khyber Pakhtunkwa và cho phép người Afghanistan bị thương tới nước này điều trị, theo ông Mohammad Ali Saif", phát ngôn viên chính quyền khu vực nói.
"Tuy nhiên, đây là những giải pháp chắp vá", ông Baheer - giảng viên về tư pháp tại Đại học Mỹ ở Afghanistan chia sẻ. "Chúng ta cần phải bắt đầu nghĩ về những giải pháp trung và dài hạn cho các vấn đề. Chúng ta sẽ làm gì nếu một thảm họa khác xảy ra trong thời gian tới?".
Mộc Miên (Theo CNN)