Bị tịch thu từ vụ buôn bán trái phép, sau một thời gian chăm sóc, 93 con tê tê Java đã hoàn toàn bình phục, được thả về môi trường tự nhiên.
TTXVN dẫn nguồn tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã (SVW) cho biết, đêm 6/5, Trung tâm cùng Vườn quốc gia Cúc Phương tiến hành tái thả 53 con tê tê Java (Manis javanica) về với tự nhiên.
Đây là đợt tái thả thứ hai trong vòng hơn một tuần qua kể từ ngày 28/4 đến ngày 6/5, tổng số cho hai đợt tái thả này là 93 con.
Theo SVW, trước đó Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Hòa Bình đã tịch thu 113 con tê tê Java (tổng trọng lượng 513kg) từ một vụ vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã.
Sau hơn một tháng được chăm sóc tại Trung tâm, có 93 con tê tê khỏe mạnh đã được lựa chọn để được tái thả về tự nhiên. Đây cũng là đợt cứu hộ và tái thả lại tự nhiên lớn nhất từ trước đến nay.
Những con tê tê được tái thả về với môi trường tự nhiên (Ảnh: báo Dân trí) |
Cùng đưa tin, báo Tuổi trẻ cho biết, tê tê là loài một trong những loài động vật hoang dã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao tại Việt Nam. Mặc dù tê tê bị cấm buôn bán trên toàn thế giới, nhưng số lượng tê tê bị săn bắt phục vụ nhu cầu con người vẫn đang diễn ra.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng săn bắt là do thói quen thưởng thức “của ngon vật lạ” của những người nhiều tiền và niềm tin mù quáng vào giá trị chữa bệnh của vẩy tê tê.
Trao đổi với báo Dân trí, ông Nguyễn Văn Thái, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã cho biết, tê tê là một loài thú đặc biệt, chỉ ăn kiến và mối ngoài tự nhiên. Chúng là một trong những loài thú khó cứu hộ nhất trên thế giới.
Ông Thái cho hay, trong 8 tháng qua, Trung tâm đã cứu hộ hơn 400 cá thể tê tê từ buôn bán trái phép, trong đó 304 cá thể đã được tái thả về tự nhiên an toàn. Có những lúc số lượng tê tê ở trung tâm lên đến 139 cá thể. Với số lượng đó, mỗi ngày trung tâm phải cung cấp gần 40kg thức ăn với số tiền lên tới 300 triệu một tháng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quang Phương, Quản lý Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê cho biết thêm, gần đây trung tâm đã nhận được nhiều sự phối hợp từ các cơ quan chức năng liên quan trong công tác bảo tồn tê tê. Đây là tín hiệu tốt nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều áp lực cho nhân viên của trung tâm hơn bởi số lượng tê tê cứu hộ được ngày càng tăng.
"Chúng tôi đã tiến hành thành lập nhóm phản ứng nhanh nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng tiến hành chăm sóc và cứu hộ kịp thời các cá thể tê tê bị buôn bán trong phạm vị cả nước. Đồng thời trung tâm cũng đã thiết lập đường dây nóng (0978 331 441) phục vụ công tác cứu hộ tê tê và tư vấn cho các cơ quan chức năng liên quan đến loài động vật đáng thương này.”, ông Phương nói.
(Tổng hợp)