(ĐSPL) - 54 con tê tê Java quý hiếm đã được thả về với tự nhiên sau một thời gian dài nuôi dưỡng tại Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã.
Sau một thời gian dài được nuôi dưỡng, ngày 28/12, 54 cá thể tê tê java quý hiếm đã được Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã (SVW), Vườn quốc gia Cúc Phương phối hợp với Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiến hành tái thả về với thiên nhiên.
Đây là đợt tái thả tê tê với số lượng lớn nhất từ trước tới nay, nâng tổng số 202 cá thể được trung tâm này tái thả về tự nhiên trong năm 2016. Phần lớn những cá thể tê tê này được trung tâm SVW cứu hộ từ các vụ bắt giữ vận chuyển trái phép tại các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Thanh Hoá và Hải Dương. Sau khi về đến trung tâm, các cá thể tê tê được theo dõi, chăm sóc và phục hồi cho đến khi hoàn toàn khoẻ mạnh.
Các cá thể tê tê được kiểm tra trước khi thả về rừng. |
Trước ngày tái thả, toàn bộ 54 cá thể tê tê còn được kiểm tra sức khỏe lần cuối để đảm bảo đủ điều kiện trở về với tự nhiên. Số cá thể trên cũng được gắn chíp nhận dạng để phục vụ cho công tác nghiên cứu sau này.
Cuối năm thường là thời điểm nóng của các vụ bắt giữ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Chỉ trong vòng ba tháng trở lại đây, SVW đã tiếp nhận đến hơn 200 cá thể tê tê được chuyển giao từ trung tâm cứu hộ khác và nhiều cơ quan chức năng thuộc các tỉnh, thành phố.
Ông Lương Tất Hùng, Trưởng nhóm Chăm sóc động vật của SVW cho biết, trong tháng 11, các nhân viên của SVW đã phải tăng ca rất nhiều để đáp ứng được với số lượng lớn tê tê cần chăm sóc, theo dõi. Việc số lượng lớn tê tê được tái thả đợt này cũng giúp giảm bớt tình trạng quá tải tại trung tâm.
Ông Nguyễn Văn Thái, giám đốc của SVW cho hay, "Nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là kiểm lâm và cảnh sát môi trường, chúng tôi đã và đang tiếp nhận, cứu hộ được nhiều tê tê hơn. Sau khi tái thả, chúng tôi sẽ phối kết hợp cùng với lực lượng Kiểm lâm và các tổ chức bảo tồn khác nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường sống, hạn chế tối đa nguy cơ bị bắt trở lại đối với những cá thể này”.
Theo trung tâm SVW, Việt Nam có hai loài tê tê: Tê tê Java (Manis javanica) và Tê tê vàng (Manis pentadactyla). Cả hai loài đều được xếp vào danh sách những loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Mọi hành vi săn bắt, buôn bán đều bị truy tố trách nhiệm hình sự. Trong khi đó cả 8 loài tê tê trên thế giới đều thuộc phụ lục I của công ước quốc tế CITES, cấm buôn bán xuyên quốc gia với tất cả các cá thể khai thác từ tự nhiên. Vì thế sử dụng các sản phẩm từ tê tê là phạm pháp.
Điều 190, luật hình sự năm 1999 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm: 1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |