(ĐSPL) - Chỉ vì một sản phẩm kém chất lượng, các vụ bê bối hay một phát ngôn lỡ lời mà những thương hiệu này đã làm mất đi danh tiếng trong nhiều năm gây dựng.
Trang tin 247wallst đã liệt kê 9 thương hiệu bị thiệt hại nặng nề nhất nước Mỹ.
1. General Motors (GM)
General Motors, tập đoàn sản xuất xe hơi nổi tiếng thế giới đã chịu rất nhiều chỉ trích vì sự cố trong bộ phận đánh lửa, gây ra 31 vụ tai nạn giao thông khiến 13 trường hợp tử vong. Tháng 2/2014, hãng đã phải thu hồi 2,6 triệu chiếc xe, mà chủ yếu là dòng xe Chevrolet Cobalt và Saturn Ion.
Kết quả, đầu tháng 4, CEO Mary Barra cùng một số người trong ban Giám đốc điều hành hàng đầu khác của GM bị triệu tập tại Quốc hội Mỹ trước những cáo buộc rằng GM đã biết những lỗi trong các sản phẩm khi nó được bán ra.
Trong khi đó, Barra vẫn tuyên bố rằng việc thu hồi không ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của hãng trong quý I. Tuy nhiên, hãng đã phải chịu tổn thất lên tới 535 triệu USD.
Bên cạnh đó, công ty cũng phải chịu 1,3 tỷ USD chi phí do sự cố của bộ phận công tắc đánh lửa. Việc thu hồi các dòng sản phẩm là “đòn” nặng nề nhất đối với danh tiếng của nhà sản xuất xe hơi khổng lồ này.
2. Bank of America
Danh tiếng của ngân hàng Mỹ Bank of America đã gặp không ít trục trặc trong cuộc khủng hoảng tài chính. Không dừng lại ở đó, trong những năm tiếp theo, những hành động của ngân hàng cũng như các công ty con lại liên quan đến nhiều vụ kiện tụng.
Gần đây, danh tiếng của công ty trở nên tồi tệ hơn khi ngân hàng tiết lộ rằng sai sót trong kế toán dẫn đến việc báo cáo không chính xác về con số 4 tỷ USD trên sổ sách mà công ty này đã có. Mặc dù Cục Dự trữ liên bang cho biết Bank of America có thể có đủ vốn để chống chọi với một cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng sai sót này đã gây nên sự giận dữ đối với các nhà đầu tư.
Hiện tại, ngân hàng đã đình chỉ chương trình mua lại cổ phiếu, đồng thời cũng tăng giá trị cổ tức lên 5 cents mỗi cổ phiếu. Bank of America đã bị gặp rất nhiều vụ bê bối kể từ khi mua lại tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Merrill Lynch và Countrywide Financial. Các vụ sai sót gần đây đã nhen nhóm mối lo ngại rằng ngân hàng này quá lớn để có thể quản lý một cách có hiệu quả.
3. Nintendo
Kể từ khi chính thức phát hành vào năm 2012, hãng game Nintendo đã bán được khoảng hơn 6 triệu máy chơi game WiiU. Con số này thấp hơn nhiều so với số lượng máy PlayStation 4 bán ra trong 5 tháng đầu của Sony. Hơn nữa, doanh số bán hàng của máy chơi game cầm tay 3DS cũng khá thất vọng.
Sự sụt giảm trong doanh số bán hàng khiến cho doanh thu trong năm nay của Nintendo giảm từ 920 tỷ yên xuống còn 572 tỷ yên. Theo một số nhà phân tích, chính sự do dự của Nintendo trong việc gia nhập thị trường điện thoại di động với số lượng lớn các game thủ đã gây thiệt hại cho công ty.
Theo tổ chức hàng đầu thế giới về định giá các thương hiệu Interbrand, cổ phiếu của Nintendo đã rớt giá 13\% từ giữa năm 2012 đến năm 2013.
Trong một bài thuyết trình mới đây về kế hoạch dài hạn của công ty, Nintendo cho biết họ sẽ không gia nhập thị trường điện thoại di động hay các thị trường “wearable” (vật dụng thông minh đeo trên người). Thay vào đó, công ty sẽ tìm cách định hướng lại ngành giải trí thông qua các sản phẩm tăng cường sức khỏe.
4. Twitter
Chính thức ra nhập thị trường hồi tháng 11/2013, với mức giá 26 USD mỗi cổ phiếu, ngay lập tức cổ phiếu của trang mạng xã hội Twitter tăng vọt. Trong ngày đầu tiên trên sàn chứng khoán New York, cổ phiếu của Twitter đã tăng gần 73\%.
Tuy nhiên, tin tức gần đây cho thấy mạng xã hội này đang trở nên tồi tệ hơn. Tốc độ gia tăng người dùng hàng tháng trong quý IV năm 2013 và quý I năm 2014 đều đáng thất vọng.
Mặc dù doanh thu quý đầu tiên của Twitter tăng hơn gấp đôi, từ 114 triệu USD lên 250 triệu USD, những các nhà đầu tư dường như không còn thích thú với mạng xã hội này. Ngày 6/5, ngay sau khi các nhà đầu tư tư nhân và nhân viên công ty được phép bán cổ phần, cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 18\%.
5. Target
Cuối năm ngoái, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ Target cho biết hệ thống dữ liệu của công ty đã bị ăn cắp, gây tổn hại khoảng 40 triệu tín dụng và thẻ ghi nợ tài khoản, cũng như các thông tin cá nhân của 70 triệu khách hàng đến mua sắm.
Do hậu quả nghiệm trọng từ vụ việc này, đầu tháng 5/2014, Giám đốc điều hành của Targer Gregg Steinhafel đã chính thức từ chức. Target cũng phải trả 61 triệu USD cho chi phí điều tra, các nhân viên điện thoại và chi phí pháp lý.
Sau sự cố, tập đoàn bán lẻ này cho biết doanh số bán hàng đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Mặc dù vậy, theo đánh giá của Interbrand, Target vẫn là thương hiệu bán lẻ đứng thứ hai trong năm 2014, sau Walmart, với giá trị thương hiệu tăng 8\% so với một năm trước đây.
6. Sotheby’s
Trong năm tài chính 2013, nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby’s cho biết doanh thu của công ty đạt gần 854 triệu USD và 130 triệu USD thu nhập ròng. Cả 2 chỉ số này đều tăng đáng kể so với năm trước. Tuy nhiên, những kết quả này chưa thực sự thuyết phục với nhà đầu tư nổi tiếng Dan Loeb, người đã tiến hành cuộc chiến chống lại hội đồng quản trị của Sotheby’s.
Tháng 10/2013, Dan Loeb đã gửi một lá thư đến Chủ tịch hội đồng và Giám đốc điều hành William Ruprecht với cáo buộc rằng Sotheby’s đã chi tiêu lãng phí và không thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong một sự kiện, quản lý cấp cao của công ty bị chỉ trích đã phung phí hàng trăm ngàn USD tại một nhà hàng ở thành phố New York.
Cuối cùng, công ty phải đồng ý bổ nhiệm Loeb và 2 cộng sự khác vào hội đồng quản trị khi nhận thấy nguy cơ "bị đánh bại trên thị trường" bởi đối thủ của Christies và mức độ chi tiêu không kiểm soát.
7. McDonald’s
Cũng giống như các ngành công nghiệp thức ăn nhanh khác, tập đoàn kinh doanh thức ăn nhanh McDonald’s đã phải điều chỉnh thành phần trong các loại đồ ăn để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng trong bối cảnh tỷ lệ béo phì ngày càng tăng nhanh.
McDonald’s cũng có mặt tại các cuộc tranh luận về tiền lương tối thiểu của nhân viên tại Hoa Kỳ. Hầu hết các nhân viên đòi tăng lương để đảm bảo cuộc sống.
Tuy nhiên, những phát biểu của McDonald’s trong cuộc tranh luận đã bị chỉ trích gay gắt. Theo Interbrand, giá trị thương hiệu của McDonald’s giảm 5\% từ giữa năm 2012 đến năm 2013. Mặc dù vậy, McDonald’s vẫn là thương hiệu lớn nhất trên thế giới trong các nhà hàng thức ăn nhanh, trị giá hơn 90 tỷ USD.
8. Frontier Airlines
Theo đánh giá của trang Airfarewatchdog.com, trong năm 2013, Frontier Airlines là hãng hàng không du lịch tốt nhất. Tuy nhiên, công ty đã tự hủy hoại danh tiếng của mình khi bắt đầu tính phí từ 20-50 USD với hành lý xách tay đã được miễn phí cho du khách mua vé trên trang web của hãng hàng không. Hãng còn thu phí đối với đồ uống không cồn.
Trước những phản ứng dữ dội của hành khách, công ty vẫn đưa ra chiến lược tiếp tục giảm giá vé và bù đắp cho phần doanh số bị mất bằng cách thu phí các dịch vụ miễn phí cho khách hàng.
Frontier cũng đưa ra một chiến dịch tiếp thị để giải thích về phương thức thu phí mới. Tuy nhiên, đánh giá của khách hàng đối với chiến lược mới này không thực sự khả quan.
9. Paula Deen
Mặc dù nhận được 75-100 triệu USD tài trợ từ một chủ sở hữu tư nhân, nhưng trong tháng 2 vừa qua, thương hiệu đầu bếp nổi tiếng Paula Deen Ventures đã bị hủy hoại và không có khả năng quay lại.
Rất ít người nổi tiếng phải đối mặt với tranh cãi như Paula, người thừa nhận đã từng phân biệt chủng tộc trong quá khứ. Theo hồ sơ từ tòa án, hồi năm ngoái, Paula đã bị người quản lý cũ tại một trong những nhà hàng của cô sở hữu kiện vì phân biệt chủng tộc.
Ngay sau đó, kênh truyền hình ẩm thực Food Network của Mỹ đã hủy bỏ chương trình "Vào bếp cùng Paula Deen".
Mặc dù vụ kiện đã được bãi bỏ nhưng Paula bị mất hợp đồng quảng cáo với Sears, Smithfield Foods và kênh mua sắm tại nhà QVC. Một trong những nhà hàng của cô cùng anh trai, Uncle Bubba’s Seafood & Oyster House, đã bất ngờ đóng cửa hồi tháng 4/2014.